Việt Nam: Số ít người giàu hưởng phần nhiều quyền lợi

Oxford Analytica, hãng phân tích chiến lược nổi tiếng của Anh, vừa có báo cáo đánh giá về thu nhập của người Việt Nam (VN). Theo đó, chênh lệch về thu nhập ở VN đang ngày càng lớn thêm, hay nói cách khác, bất bình đẳng xã hội đang gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn nghiêm trọng, mặc dù đó là điều khó tránh khỏi ở một quốc gia đang phát triển.

10 năm qua, diện mạo kinh tế VN đã thay đổi nhiều theo hướng tích cực. Thu nhập thực tế trên đầu người tăng khoảng 7%/năm. Khoảng 30 triệu người, tương đương một phần ba dân số, đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Ngân hàng Thế giới dự đoán VN sẽ đạt được phần lớn trong số 8 mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó mục tiêu đầu tiên là triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn.

Số người giàu ở VN tăng lên nhiều, căn cứ vào những thống kê về số người sở hữu chứng khoán, mua xe hơi và đi du lịch nước ngoài v.v. Do thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vào VN bị đánh quá cao, giá một chiếc ôtô ở VN có thể đắt gấp ba lần so với cùng mẫu xe đó ở Mỹ.

Thế nhưng bất chấp những mức giá trên trời, lượng xe nhập khẩu vẫn tăng, nhất là xe “xịn”. Tại VN hiện có 15 xe Rolls-Royce Phantom và hơn 20 chiếc Bentley. BMW X6 xuất hiện ở thị trường Mỹ cuối tháng 4 thì đầu tháng 7 đã có ở VN tới 7 chiếc.

Một sự kiện quan trọng được Oxford Analytica tính đến khi đánh giá về thu nhập của người VN, là việc người VN đầu tiên mua máy bay riêng. Đó là ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – người đã trả 7 triệu USD để mua một chiếc máy bay 12 chỗ ngồi, Beechcraft King Air 350, vào tháng 5 vừa qua.

Ông Đoàn Nguyên Đức cũng là một trong những người được nêu tên trong “Top 10 người giàu nhất VN “. Danh sách này được tờ Đại Đoàn Kết công bố hồi đầu năm 2007, xếp hạng một cách không chính thức những doanh nhân giàu nhất nước dựa trên ước đoán về giá trị số cổ phiếu cũng như bất động sản của họ. Tổng giá trị tài sản của 10 người này, cộng lại tương đương 14.000 tỷ đồng, tức khoảng 900 triệu USD, theo thời giá 2007.

Ở cực bên kia dải thu nhập

VN có thêm nhiều người giàu, nhưng người nghèo lại cũng nghèo đi vì bị gạt ra ngoài rìa công cuộc phát triển kinh tế.
UNDP nhận định, người nghèo ở VN hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế chỉ bằng 76,6% so với mức bình quân của xã hội, trong khi người giàu hưởng lợi tới 115%.

Năm 1990, thu nhập của những hộ nghèo nhất VN chiếm 8% tổng thu nhập quốc dân. Năm 2006, tỷ lệ này sụt xuống chỉ còn 5,6%. Ngược lại, năm 1990, thu nhập của những hộ khá giả nhất chiếm 42,7% tổng thu nhập quốc dân thì đến năm 2006, tỷ lệ này đã chiếm gần nửa, lên 49,3%.

Theo Báo cáo Phát triển Con người do UNDP công bố mới đây, VN xếp hạng 105 trên 177 nước về chỉ số phát triển con người (HDI), dưới Algeria và trên Indonesia. Hệ số Gini – số đo mức độ bất bình đẳng về thu nhập, phản ánh chênh lệch giàu nghèo trong một quốc gia – tăng từ 0,345 vào năm 1990 lên 0,432 vào năm 2006. (Hệ số Gini nhận giá trị từ 0 đến 1; càng tiến gần đến 1 thì sự bất bình đẳng càng cao).

Ở các thành phố, nơi tập trung số người giàu có nhất cả nước (chiếm 20% dân số), lạm phát đang ảnh hưởng đến mức sống của người dân. Gạo, cá, thịt… các lương thực thực phẩm lên giá đang và sẽ làm cuộc sống của những cư dân thành thị có thu nhập thấp thêm khó khăn.

Ai nghèo nhất?

Đó là những người bị gạt ra ngoài công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Họ là người ở các vùng nông thôn, vùng miền núi hẻo lánh, nhất là người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số. Nói cách khác, đang tồn tại nhiều mối tương quan bất bình đẳng về thu nhập: giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng nông thôn với nhau, giữa người Kinh và người các dân tộc khác. Trong đó, bất bình đẳng giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số là khó xóa bỏ nhất.

Năm 2004, có 14% người Kinh thuộc diện nghèo đói. Con số này ở cộng đồng dân tộc thiểu số là trên 60%. Chỉ có 4% người Kinh sống dưới mức nhu cầu dinh dưỡng cơ bản, trong khi đó, có tới hơn 30% người dân tộc không được cung cấp đủ lương thực ở mức tối thiểu.

Thống kê của Ủy ban Dân tộc Miền núi cho thấy, trong 10 năm (1994-2004), tỷ lệ người nghèo đói có xuất thân từ các nhóm dân tộc thiểu số đã tăng lên gần gấp đôi. Hiện nay, người dân tộc chiếm 14% dân số, và chiếm tới 39% tổng số người nghèo trong cả nước.

Nguyên nhân của sự bất bình đẳng

Có những nguyên nhân dễ nhận thấy, giải thích cho sự bất bình đẳng, chẳng hạn như việc năng suất, tốc độ phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp luôn thấp hơn trong công nghiệp và dịch vụ. Từ đó dẫn đến hệ quả thu nhập của cư dân nông thôn và miền núi thấp hơn cư dân thành phố.

Ngoài ra là khoảng cách về tri thức, kỹ năng chuyên môn ngày càng lớn giữa người được tiếp cận với giáo dục tốt và người không có cơ hội đó.

Trong bản phân tích của mình, Oxford Analytica cũng đã nêu cụ thể hai lý do giải thích tại sao người dân tộc thiểu số lại chiếm tỷ lệ cao trong nhóm người nghèo đói nhất xã hội.

Thứ nhất, lý do địa lý. Người thiểu số chủ yếu quần cư ở vùng nông thôn hoặc miền núi. Nguồn thu nhập của họ phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp, đặc biệt vào tài nguyên rừng. Trong khi đó, sở hữu đất rừng của họ bị hạn chế, và phần lớn đất đai cũng đã sạch bóng cây rừng.

Thứ hai, lý do xã hội. Cho tới gần đây, người dân tộc thiểu số vẫn không được tiếp cận rộng rãi với y tế và giáo dục cơ bản. Ở tất cả các nhóm tuổi, tỷ lệ trẻ em dân tộc đến trường đều thấp hơn nhiều so với trẻ em dân tộc Kinh. Chênh lệch này còn rõ ràng hơn nữa ở trẻ em gái. Không đầy 30% người trưởng thành ở các cộng đồng dân tộc thiểu số tốt nghiệp cấp hai, so với con số 50% ở người Kinh.

Oxford Analytica kết luận: Bất bình đẳng thu nhập gia tăng có lẽ là điều khó tránh khỏi ở một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, nó sẽ tạo ra bất ổn xã hội.

Mặc dù vậy, họ cũng nhận xét rằng Chính phủ VN không phải không nhận biết rõ vấn đề này, và chắc chắn Chính phủ cũng như các tổ chức thiện nguyện đều muốn tập trung nỗ lực để đảm bảo tăng trưởng đồng đều.