Nỗi khổ… toilet phố cổ

Bây giờ, ngay giữa thủ đô, tại phố cổ, vẫn có một số nhà vẫn đang gắn chặt vấn đề "đầu ra" với hố xí 2 ngăn, hố xí thùng, thậm chí, có nhà còn… không có cả hố xí…

Vậy mà đã lâu rồi, người ta không gọi toilet là “công trình phụ” nữa. Toilet được coi trọng hơn cả công trình chính và số tiền dành cho một toilet hạng sang có lẽ đủ để xây vài căn nhà 3 gian nơi thôn dã! Đấy là chưa kể những kẻ chơi ngông, còn dát vàng, dát bạc tại nơi “giải quyết vấn đề tế nhị” của con người.

Toilet ngày xưa

Cách đây vài chục năm, tìm mỏi mắt khắp Hà Nội cũng chẳng kiếm đâu được cái toilet “giải quyết”, giật nước, sạch bong như bây giờ. Phố cổ Hà Nội cho đến tận trước những năm 80 của thế kỷ 20 vẫn còn dùng hố xí thùng. Nghe thì lạ vậy, nhưng “kết cấu” của hố xí thùng rất đơn giản: Dưới bệ xí, người ta đặt một cái thùng tôn đường kính khoảng 30cm, để… thu chất thải.

Cô Lan – người đã sống trên 50 năm tại phố Hàng Bè – kể: “Ngày trước, mặc dù dùng hố xí thùng, nhưng do ít người, lại phân trực vệ sinh quy củ, nên khá sạch sẽ. Mỗi lần “đi” xong, các cụ lại đổ gio xuống (gio được lấy sau khi đun củi) để triệt mùi hôi. Thế rồi, “trời sinh voi”, nhưng trời không sinh… toilet, ý thức mọi người xuống cấp, hơn nữa, hố xí công cộng nên “cha chung không ai khóc”. Người trước để lại “hậu quả” thế nào, người sau cứ thế mà “dùng” chứ chẳng hơi đâu mà dọn!”.

“Mỗi lần đi vệ sinh lại là một lần cực hình! Phải nín thở càng nhiều càng tốt. Lắm khi hôi quá, phải đốt giấy để làm dịu bớt mùi đi. Vậy mà nhiều khi đi xong, cảm giác mình vừa bị… ám cái mùi gì đó” – cô Lan nhăn mặt, nhớ lại.

Cụ Lộc – sống tại phố Đinh Liệt – thì vẫn nhớ như in những buổi công nhân vệ sinh môi trường đi… thu “chất thải” mang ra ngoại thành. Cụ kể: “Cứ khoảng 1-2 ngày, nhân viên vệ sinh lại đánh xe đến để đổi thùng mới lấy thùng cũ”.

Nói như vậy bởi vì nhân viên vệ sinh đặt chiếc thùng rỗng thay vào chỗ chiếc thùng đã đầy. Việc đặt thùng vào trong toilet cũng phải rất… “nghệ thuật”, bởi chỉ cần “sai một ly” là sau đó phải dọn rất khổ. Sau đó, các thùng sẽ được “tập kết” ở đầu phố. May mà chỉ khoảng chục phút, các thùng sẽ được chuyển đi, bởi mỗi khi “thay thùng” là cả phố lại… bốc mùi.

Hố xí thùng… thời nay

Những tưởng hố xí thùng đã mất hút giữa Hà Nội hiện đại, thế mà lang thang hỏi han, tôi vẫn thấy còn người sử dụng. Bác bán nước trước số nhà 31 Hàng Bài sau khi cho hay như vậy, thì giận dỗi và bực bội khi tôi hỏi thêm rằng tại sao bác vẫn dùng nó, rồi khi đầy thì làm như thế nào: “Có nhiều nguyên nhân lắm. Cả phường này còn mỗi mình nhà tôi còn sử dụng hố xí thùng, ngại lắm chứ, xấu hổ lắm chứ, nhưng tôi cũng sắp thay bằng tự hoại rồi”.

Tại 31 Hàng Buồm, tôi tận mục sở thị một hố xí 2 ngăn. Số nhà này khá đặc biệt. Mặt tiền là quán cà phê rất sạch sẽ, lịch sự. Tôi bước qua những vị tây balô đang ngồi uống cà phê, cùng với bà Phạm Thị Hìn – chủ nhà – để vào bên trong. Số nhà này sâu khoảng 100m, càng đi vào trong, mặt sàn càng thấp xuống.

Bà Hìn phân bua: “Cuối năm 80, đầu năm 90 (thế kỷ trước), khi Nhà nước có chủ trương cải tạo, tôi cũng muốn xây tự hoại nhưng không được, bởi vì hố xí của 3 nhà chúng tôi lại nằm thấp hơn mặt đường 1m, nước không thể thoát ra đường ống chung được”.

Vậy là bà Hìn cùng với 2 hộ nữa vẫn sống chung với hố xí cũ. Cứ vài tháng, cụ lại phải thuê người đến múc sạch hố xí với giá 300.000đ. Một năm 2 lần, cụ phải mua 2 bao gio trấu để triệt mùi hôi. Giấy dùng xong, cụ phải cho vào túi nilông, vứt ra thùng rác.

“Mỗi khi trời nóng, mùi bốc lên khó chịu lắm, nhưng biết làm sao” – bà than thở. Cũng trong khu phố cổ, thậm chí có nhà không có hố xí, như một nhà ở phố Gia Ngư. Người dân tại đây “đi” vào trong túi, hộp, rồi phủ xỉ than lên, rồi… vứt vào xe rác.

Ôi, phố cổ! Càng tìm hiểu, càng thấy nhiều cái… khổ!