Ba khía cũng thành hàng hiếm

Khoảng 7, 8 năm về trước, con ba khía ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL như Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau… được người dân sở tại coi như “hàng dạt” giữa vùng bạt ngàn tôm cá. Dù vậy, con ba khía cũng đã giúp cho rất nhiều người dân nghèo vùng ven biển, người dân ở xa biển đi ghe bắt ba khía theo mùa có thu nhập khá. Vài năm trở lại đây, con ba khía ngày một ít đi và trở thành đặc sản ở các đô thị.

Hàng năm, ba khía có nhiều và rộ mùa nhất là vào khoảng từ tháng 8 âm lịch đến Tết cổ truyền. Năm nay, những ngày đầu tháng 09/2007 (nhằm hạ tuần tháng 7 âm lịch) ba khía đã xuất hiện ở chợ Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và được bán với giá khá cao: 10.000–12.000 đồng/kg. Nhưng không phải lúc nào đến chợ cũng có thể mua được ba khía. Nguyên nhân: ba khía vừa được người dân ở ven biển đem đến chợ đã được các thương lái chờ sẵn thu mua và chở về các chợ lớn, đô thị bán tươi giá cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn.

Ba khía tươi bán ở các chợ xa biển giá có thể cao đến gấp rưỡi, gấp đôi so với ở Duyên Hải; ba khía chết cũng được các chủ thu mua ủ làm mắm và thường bán với giá 7.000–10.000 đồng/chục. Theo người dân ở biển, ba khía tươi thường được chế biến thành các món ăn ngon như: nấu canh chua cơm mẻ với bắp chuối, hấp chấm muối ớt hoặc rang me… Một thương lái chuyên mua ba khía bán lại ở chợ huyện Duyên Hải cho biết, số lượng ba khía mà chị mua năm nay giảm hơn so với năm 2006 và giảm nhiều lần so với vài năm trước đây.

Ông Phạm Văn Vinh, một người dân trên 20 năm gắn với nghề bắt ba khía bán ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, nhớ lại: “Khoảng năm 2000 trở về trước, từ con nước rằm trở đi, mỗi người với một cái đèn bình đeo trên đầu, tay được bao bọc cẩn thận để không cho ba khía kẹp, chỉ cần đi từ 1-2 tiếng đồng hồ vào rừng sẽ bắt được cả bao ba khía. Thời điểm ba khía hội thường vào con nước 30 âm lịch, người bắt ba khía chỉ cần đến những gốc cây rừng để gom con ba khía, có gốc cây có cả chục kg, chỉ cần rọi đèn và nhanh tay bắt chúng. Còn bây giờ, một người muốn bắt được một bao ba khía mỗi đêm không phải dễ dàng…”. Cũng theo lời ông Vinh, hồi trước, người dân ven biển thuộc dạng đủ ăn trở lên chỉ bắt ba khía chủ yếu làm mồi nuôi thủy sản. Trước đây, mỗi lần vào mùa ba khía có rất nhiều ghe ở xa đến xã Đông Hải đậu bắt ba khía ủ làm mắm, sau đó chở đi bán ở các chợ ĐBSCL. Nhưng 2 năm nay không còn thấy họ đến đây vì ở Duyên Hải ba khía không còn nhiều và bắt không dễ dàng như trước.

Phong trào nuôi thủy sản phát triển mạnh các năm qua làm vùng đất tự nhiên bị thu hẹp nhanh chóng, nên con ba khía không còn đất để sống, sinh sản. Dân xứ lạ muốn về biển bắt ba khía cũng không dễ dàng vì không thể vào vùng đất nuôi thủy sản. Trong khi đó, lượng ba khía ở ven các nhánh sông không có nhiều. Anh Đào Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải, cho biết: “Lối 7- 8 năm về trước, ba khía ở đây còn rất nhiều. Đối với dân xứ biển, chúng tôi chủ yếu bắt chúng để quết nhuyễn làm thức ăn cho cá, tôm. Còn hiện tại, ba khía không đủ để người dân bản xứ bắt bán, thì lấy đâu có ba khía làm mồi cho tôm cá. Có khi vài năm nữa con ba khía trở thành hàng hiếm”.