Ngủ rừng ở Cúc Phương

Ngoài việc mang trong mình những ức chế đô thị đến độ bỏ phố lên rừng tìm nơi ở ẩn trong… vài ngày xả “xì-trét”, đến Cúc Phương còn với nhiều lý lẽ riêng của một cuộc khám phá thực sự.

Không gian rừng của vùng thượng du Bắc bộ lần này mang dấu ấn riêng. Hẳn là khác cái cảm giác hoang dại của rừng Tây Nguyên hay Tây Bắc. Cúc Phương ám ảnh du khách bởi cái sâu thẳm và sự đe dọa của những khối đá vôi ngẫu hứng, những chất liệu đã từng gây nên cái hiểm trở ngạo nghễ và ngoạn mục của Tam Điệp, Ba Vì…

Cúc Phương xanh, sâu và rậm đến vờn mắt. May mà bên suối sâu còn gặp những nhịp cầu in bóng nước phẳng lặng, bên đầm lầy còn gặp một lòng giếng ngẫu hứng của người Mường xưa và trong vườn cây mới mọc thi thoảng nhô lên một tấm bia lặng lẽ, hay một tháp chòi canh vút lên giữa những tán lá xum xuê…

Cúc Phương quyến rũ bằng vẻ đẹp thình lình của những thứ gần như những khoảng rỗng của kiến trúc mà con người vô thức xen vào.

Những bungalow cuối rừng (cách bìa rừng 20km, theo con đường xuyên rừng chạy giữa hai núi đá vôi) được xem là một không gian của khách xa trú qua đêm. Bungalow được rừng ôm mang như những đứa con xinh xắn, nó không phá vỡ cảm giác hoang dại của tổng thể rừng, lại càng không gây ra sự chỏi nhịp dù đây là điểm đến thường xuyên, trạm dừng của những kẻ ngao du sơn thủy. Có những người từng đặt chân đến Amazon, nhưng khi kéo lớp chăn nệm trong cái lạnh buốt đêm rừng mưa Cúc Phương vẫn thấy “rừng núi Việt Nam có màu và mùi khác”…

Côn trùng sẽ ru bạn ngủ một giấc thật dài trong những giấc mơ lộng hương rừng, cỏ lạ. Vậy đó, sớm mai ra, mở rừng.
Một trong những cảm giác khoan khoái nhất là được ngủ giữa cỏ cây. Cái cuộc sống trong bungalow hôm nay hẳn chẳng khác cuộc sống của ông bà mình cách đây 7.000 – 12.000 năm trong những động người xưa là mấy, có lẽ bởi nó bắt gặp ý nghĩa của sự tìm về và bản quán nương náu thiên nhiên muôn thuở của loài người.

Cái không gian của những bungalow ở đây trở thành không gian mở. Kiểu nhà sàn phỏng mô hình chống thú dữ. Và những thảm cỏ xanh tự nhiên, dưới những tán cây là thảm lá mục bốn mùa ẩm ướt.

Ở chung với rừng, người ta học cách biết mở cửa sổ lúc nắng lên đến đón hương rừng vào nhà. Học cách không chối từ cỏ cây và không bực bội bởi thanh âm xung quanh như khi ở đô thị. Một cảm giác thiên nhiên bên nhà mà dù có tài hoa đến cỡ nào, những kiến trúc sư đô thị cũng không thể tái tạo được trong căn hộ của mình. Không gì có thể thay thế được Mẹ thiên nhiên.

Nắng lên trải dài những thảm cỏ và hong khô những bậc thang rêu cũng là lúc những cửa sổ bungalow mở ra. Rừng bủa vây bạn. Rừng trước cửa nhà. Rừng ngoài cửa sổ. Sương núi tràn xuống buổi đầu ngày.

Trong không gian bát ngát sương xanh và tiếng chim ấy, trong ngôi nhà tạm cư sau một đêm, bạn sẽ tìm thấy cảm giác quyến luyến cỏ cây. Trách chi những bậc từ quan xưa thường tìm rừng để giải mối khúc mắc nhân tình thế thái! Và cũng trách chi những bậc trích tiên thường chỉ chọn không gian rừng để xây bồng lai.

Một đêm ngủ trong ngôi nhà giữa rừng sâu Cúc Phương, sẽ mua được cảm giác của trích tiên, của ẩn sĩ hay của gã từ quan xưa… Sự đời cứ như mây bay qua cửa, an nhiên đến lạ lùng.

Ở trong rừng sâu, nghe gió rừng vẳng câu hát Văn Cao: “Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối…”