Mùa mưa bão tới, cũng là lúc các địa phương ở lưu vực sông Đồng Nai (Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước v.v…) lại phập phồng nỗi lo sạt lở.
Mới đây (06/2008), các nhà nghiên cứu của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã công bố số liệu giật mình: Lưu vực sông Đồng Nai cứ vào mùa mưa, cứ 1ha đất sẽ bị xói lở từ 100-230 tấn đất màu mỡ, thiệt hại hàng chục tỉ đồng/năm…
Đất màu “biến mất” ngày càng nhiều
Nghiên cứu của WWF Việt Nam, có tới 15% diện tích lưu vực sông Đồng Nai (LVSĐN) có mức độ đất đai bị xói mòn nguy hiểm, lượng xói mòn lớn chủ yếu ở những nơi có độ dốc lớn mà độ che phủ cây lại thấp. Nhiều nơi đất bị xói mòn biến mất từ 100 – 230 tấn/ha/năm xảy ra ở các huyện Đạ Tẻh, Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng); huyện Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai).
Ở đây địa hình có độ dốc lớn, lượng mưa hơn 2.200mm, gây nên kiểu xói mòn đất rất nguy hiểm cho môi trường nước và vùng hạ lưu của lưu vực. Nguyên nhân tốc độ xói mòn ngày càng tăng bởi tốc độ mất rừng ngày càng nhiều. Đơn cử, năm 2005, diện tích rừng trên LVSĐN so với năm 1993 giảm đi 9,16%. Điều này kéo theo lượng xói mòn đất trên 1ha tăng 8,23% so với năm 1993.
Ngoài ra, việc chuyển diện tích các loại rừng sang các loại đất canh tác nương rẫy, tức là chuyển từ các loại cây có khả năng giữ nước cao sang cây có khả năng giữ nước thấp cũng làm tăng dòng chảy trong mùa lũ, tăng xói mòn đất, tăng khả năng mất chất dinh dưỡng của đất…
WWF Việt Nam cho hay, khi đất bị xói mòn, nhiều thành phần chất dinh dưỡng liên quan đến độ phì nhiêu của đất bị rửa trôi như Nito, P205… Tính toán theo giá thị trường phân bón bù đắp lại lượng chất dinh dưỡng bị mất, WWF Việt Nam ước lượng, tổng thiệt hại hàng năm trên LVSĐN do xói mòn đất là hàng chục tỉ đồng. Nếu chỉ tính riêng khu vực qua tỉnh Đồng Nai cũng mất ít nhất 15 tỉ đồng/năm. Đó là chưa kể hàng tỉ đồng làm sạch nước, rửa phèn ở vùng hạ lưu do lượng bùn cát theo đất bị rửa trôi đổ về đây.
Nguy cho nguồn nước sinh hoạt
Sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu dân khu vực Đông Nam Bộ. Dọc theo sông, có nhiều nhà máy cấp nước như Công ty xây dựng cấp nước Đồng Nai (khai thác 174.000m3/ngày), Công ty cấp nước Thủ Đức (750.000m3/ngày) v.v…Khảo sát của Công ty xây dựng cấp nước Đồng Nai thì độ đục nước thô hàng ngày của các xí nghiệp cấp nước trực thuộc ở Biên Hòa, Long Bình, Thiện Tân trong mùa lũ đều lớn hơn giới hạn cho phép của TCVN. Mùa lũ, giá trị hàm lượng SS (cặn lơ lửng) tới 120-160mg/l (mùa khô chỉ 5-10mg/l).
Theo WWF Việt Nam, hàm lượng SS trong sông gia tăng là điều báo động. Khi nguồn nước bị ô nhiễm, để đảm bảo nước sạch cho sinh hoạt, các nhà máy buộc phải tốn hàng tỉ đồng xây bể lắng sơ cấp, diệt khuẩn… Đó chính là thiệt hại tiếp theo của sự xói lở đất.