4 phương án làm cầu Mã Đà và đường nối Đồng Nai – Bình Phước

Viện Chiến lược và phát triển GTVT đưa bốn phương án làm đường kết nối Đồng Nai và Bình Phước, trong đó phương án làm đường xuyên khu bảo tồn sẽ rất phức tạp và chi phí rất lớn.
Ngày 22-4, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai, Bình Phước… về phương án đầu tư tuyến đường ĐT 753 (nâng cấp thành quốc lộ 13C) và xây dựng cầu Mã Đà nối tỉnh Bình Phước với Đồng Nai.

Nghiên cứu nhiều phương án

Tại cuộc họp, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (đơn vị nghiên cứu) cho biết hiện tại để kết nối từ TP Đồng Xoài (Bình Phước) đến khu vực sân bay Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) thông qua tuyến tỉnh lộ và quốc lộ 13, 14. Hướng tuyến đường kết nối Bình Phước thẳng qua Đồng Nai, đến nay Bình Phước đã đầu tư xây dựng ĐT 753 từ TP Đồng Xoài đến sông ngang Mã Đà giáp tỉnh Đồng Nai.

Kiểm lâm tuần tra trong khu rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai. Ảnh: VŨ HỘI

Hướng tuyến quốc lộ 13C qua sông Mã Đà cần xây dựng cầu Mã Đà và mở rộng đường Bà Hào – sân bay Rang Rang, kết nối quốc lộ 1. Tuy nhiên, hướng tuyến này đi qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai bao gồm ba vùng lõi là Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai và Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An. Như vậy cần có đánh giá, lựa chọn hướng tuyến cụ thể, đảm bảo các yêu cầu quy hoạch, đặc biệt là về môi trường và bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, di sản văn hóa. Do đó, đơn vị tư vấn đã đưa ra các phương án sau:

Phương án 1, tuyến qua cầu Mã Đà và đi qua vùng lõi khu bảo tồn thuận tiện kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, phương án này có 31 km đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, ảnh hưởng đến môi trường theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Di sản văn hóa; các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết. Nếu xây dựng theo phương án này, UNESCO không đồng thuận, khu bảo tồn có thể bị thu hồi chứng nhận khu di tích sinh quyển.

Trường hợp xây dựng tuyến đường này phải xây dựng các công trình cầu cạn, hầm chui cho động vật qua lại, hàng rào, tường chống ồn… nên chi phí xây dựng lớn nhất trong các phương án. Thủ tục rất phức tạp, quy mô không thể mở quá lớn do ảnh hưởng đến khu di tích sinh quyển nên có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải.

Phương án 2, tuyến qua vùng đệm, vào đường vành đai 4 sẽ kết nối từ Bình Phước đến quốc lộ 1A thuận tiện. Về lâu dài, thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường vành đai 4, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Chiều dài đoạn xây dựng mới khoảng 37 km, tận dụng được 30 km đường ĐT 753 đã được đầu tư xây dựng, ít ảnh hưởng đến khu di tích sinh quyển, chi phí xây dựng thấp. Tuy nhiên, tuyến này chỉ đi qua Bình Dương, không kết nối trực tiếp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước.

Phương án 3, đầu tư tuyến qua vùng đệm, kết nối vào quốc lộ 1 nhưng sẽ phải xây dựng mới 22 km, vẫn tận dụng được 30 km ĐT 753 đã đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải. Tuy nhiên, đường kết nối với quốc lộ 1 hiện nay hai bên đường dân cư đông, hoạt động như đường đô thị nên khó mở rộng hoặc kinh phí mở rộng lớn. Tuyến này ảnh hưởng đến môi trường thấp hơn, có thể đáp ứng được các yêu cầu về môi trường.

Phương án 4, xây dựng tuyến qua vùng đệm quốc lộ 56B và kết nối quốc lộ 20 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu vận tải. Tuyến này vẫn tận dụng được 30 km ĐT 753 đã đầu tư, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường và kết nối đến sân bay Long Thành, cảng Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại để Bộ GTVT tổng hợp ý kiến báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

 

Đồng Nai đồng thuận phương án 2

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết tỉnh Bình Phước có đường biên giáp với Đồng Nai khoảng 161 km nhưng chưa có đường nào kết nối. Việc hình thành tuyến đường ĐT 753 rất quan trọng đối với tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Vì nếu hình thành tuyến đường sẽ dễ dàng cho việc kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cải Mép – Thị Vải, đáp ứng được nhu cầu vận tải liên vùng.

“Cầu Mã Đà có từ thời chiến tranh nhưng hiện đã sập nên cần khôi phục tuyến đường này. Đây là tuyến đường cũ hai bên là rừng trồng; giải pháp có thể đóng rào và xây cầu vượt cho thú đi qua lại…” – ông Minh nói.

Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng khu dự trữ sinh quyển thế giới có hai vùng lõi là Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, hồ Trị An chia thành hai phân đoạn, từ ĐT 761 – Bà Hào và đến sân bay Rang Rang. Từ năm 1997 tỉnh Đồng Nai quyết định đóng cửa rừng để bảo tồn sinh quyển và tiến hành di dời dân ra khỏi rừng. Vì vậy Đồng Nai không đồng ý việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường qua khu vùng lõi để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tỉnh Đồng Nai đồng thuận phương án 2 của đơn vị nghiên cứu, tức tuyến qua vùng đệm, kết nối vào đường vành đai 4. “Đây là phương án tối ưu nhất để kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải” – lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho hay.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành, tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại để Bộ GTVT tổng hợp ý kiến báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Cần xem xét các phương án để đảm bảo hài hòa, phù hợp

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), nhận định: Giả sử hình thành tuyến đường này, dự án thuộc nhóm 1 nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường. Nếu làm phải thực hiện đánh giá sâu tác động môi trường ngay từ bước đánh giá nghiên cứu tiền khả thi. Phải lấy ý kiến các đơn vị liên quan, đưa phương án và đánh giá kỹ tác động đến hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường của từng phương án, đặc biệt là tính khả thi bảo vệ, bảo tồn.

Đồng quan điểm ý kiến trên, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) Dương Thanh An cho rằng Đồng Nai đã rất nỗ lực bảo tồn và phát triển khu bảo tồn thiên nhiên này, đây là hòn ngọc của khu vực. Vì vậy, ông An đề nghị xem xét những phương án hướng tuyến để đảm bảo hài hòa phù hợp.