Những hiểu lầm về chuyện trái đất nóng lên

Bạn nghĩ rằng chính các nhà máy, xí nghiệp đã gây nên hiệu ứng nhà kính? Nhưng thực tế, hiệu ứng nhà kính đã hiện hữu từ bao đời nay trên trái đất, khi các nhà máy chưa xuất hiện. Chính các chất khí có sẵn trong bầu khí quyển như mêtan, dioxyde cacbon, CO2 và khối lượng nước đại dương khổng lồ đã “giam” sức nóng từ ánh nắng mặt trời lại bên trong bầu khí quyển. Nhờ đó, trái đất tự điều hoà được nhiệt độ của mình, vì nếu không thì nhiệt lượng từ mặt trời đã thoát hết ra không gian, và hành tinh của chúng ta phải chịu lạnh cóng ở -100 độ C. Hiệu ứng nhà kính lúc này có tác dụng tích cực.

Kể từ năm 1860, sau khi những nhà máy đầu tiên ra đời gây tiêu thụ nhiều than, dầu mỏ và khí đốt, và khi các loại xe hơi xuất hiện, chúng đã thải ra bầu khí quyển một lượng CO2 quá lớn khiến hiệu ứng nhà kính ngày càng trở nên trầm trọng. Sau đây là những quan niệm sai lầm khác về hiện tượng nóng lên của trái đất:

Không có bằng chứng về sự nóng lên của trái đất

Các nhà khí tượng học đã có nhiều phương pháp đo đạc để có được biểu đồ nhiệt độ trong một giai đoạn dài của lịch sử. Họ đã kết luận rằng hành tinh của chúng ta hiện nay đã nóng lên 0,8 độ C kể từ sau thời kỳ công nghiệp hoá 1860, và hiện tượng nóng lên này ngày càng tăng mạnh. Chưa bao giờ bàn tay con người lại tác động lên môi trường sống mạnh mẽ như hiện nay.

Trái đất đã có lúc còn nóng hơn hiện nay, nên không cần lo lắng

Cách đây 55 triệu năm, một vụ bùng nổ núi lửa khổng lồ đã gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu tương tự như hiện nay. Nhiều giống loài không kịp thích nghi với sự thay đổi khí hậu quá đột ngột nên đã chết đi. Giờ đây cũng vậy, sự nóng lên của bầu khí quyển đã làm thay đổi quá nhanh chóng môi trường sống tự nhiên đến nỗi nhiều loài sinh vật không có thời gian và điều kiện để thích nghi hay trốn thoát đi nơi khác. Sự đe doạ tuyệt chủng là điều hiển nhiên.

Đã quá muộn cho việc bảo vệ môi trường sống

Không có gì sai lầm hơn quan niệm này! Chúng ta không thể nhìn vào quá khứ của 150 năm trước để sống mà phải nhìn vào 50 năm sắp đến. Trong vòng 50 năm tới, chỉ cần áp dụng một cách khoa học nhất và cải thiện một cách tối đa thành tựu của công nghệ là có thể bảo vệ môi trường sống.

Chỉ cần trồng nhiều cây để chúng hấp thu CO2 là đủ

Ở những vùng nhiệt đới, cây xanh sẽ quang hợp và mang lại nhiều lợi ích. Trong khi đó, ở những vùng gần miền cực, như Siberia hay Canada chẳng hạn, các thảo nguyên rộng lớn lại thật cần thiết vì chúng giúp phản xạ phân nửa sức nóng mặt trời, nhất là khi chúng bị tuyết bao phủ.

Dùng nhiên liệu sinh học là một giải pháp tối ưu

Để sản xuất nhiên liệu sinh học, chúng ta cũng phải nhờ đến dầu hoả trong quá trình canh tác (chạy máy kéo, sản xuất phân bón), trong quy trình chuyển hoá sản phẩm (nhà máy) và vận chuyển (xe tải) và thải ra rất nhiều CO2. Nhưng trong khoảng 10 năm nữa, sẽ có một thế hệ nhiên liệu sinh học tối ưu, được sản xuất ra từ những giống cây, rơm rạ hay cỏ dại tự phát triển tốt mà không cần đến một lượng dầu hoả lớn làm ô nhiễm môi trường.

Băng tan ở vùng cực sẽ nhấn chìm thế giới

Đừng quá hoảng sợ! Các khối băng trên Bắc Băng Dương dù có tan chảy hoàn toàn trước cuối thế kỷ 21 thì cũng không làm ảnh hưởng đến mực nước biển, cũng tựa như một cục nước đá trong ly nước vậy! Viên nước đá khi đó chiếm thể tích ngang bằng với thể tích nước dưới dạng lỏng ở phần chìm của nó trong nước.

Ngược lại, hiện tượng tan băng trên lục địa Nam cực sẽ làm nước biển dâng lên đáng kể: 7 mét với vùng băng đảo Greenland và 60 mét đối với băng ở Nam cực. Song, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, đa phần băng tại Nam cực vẫn hoàn toàn “vô cảm” với sự thay đổi nhiệt độ trên trái đất. Và phải mất nhiều thế kỷ, thậm chí nhiều ngàn năm nữa thì chúng mới “chịu” tan chảy hết. Tại Greenland cũng vậy, có hiện tượng tan băng nhưng cũng phải đến nhiều trăm năm nữa mới ảnh hưởng đến mực nước biển.

Sau thời nóng bức, châu Âu sẽ bước vào kỳ băng giá

Nếu như dòng hải lưu Gulf Stream ở phía bắc Đại Tây Dương ngừng hoạt động thì chắc chắn châu Âu sẽ rơi vào thời kỳ băng hà. Còn nếu như dòng hải lưu này chậm lại thì nhiệt độ của châu Âu chỉ hạ xuống vài độ thôi. Có một yếu tố quan trọng bảo đảm cho khí hậu trên trái đất được điều tiết tốt, đó chính là sự quay quanh trục của trái đất từ tây sang đông, đưa gió ấm từ lục địa Bắc Mỹ sang châu Âu qua ngả Đại Tây Dương. Do đó, tại châu Âu, không thể có thời kỳ băng giá trong vòng nhiều thế kỷ tới, và cũng chẳng có những mùa đông quá khắc nghiệt như ở Canada.

Môi trường sống của chúng ta sắp rơi vào hỗn loạn

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, từ nay đến năm 2050, sẽ có khoảng 150 triệu người phải rời bỏ nơi sinh sống, nhưng không nhiều so với 8-9 tỷ dân vào thời điểm đó. Và nếu chúng ta thay đổi cách “ứng xử” đối với trái đất, con số này sẽ nhỏ hơn.

Mặt khác, các nhà xã hội học cho rằng một khi có biến cố, ý thức của con người sẽ dạy cho chúng ta biết cách đoàn kết lại để sinh tồn, để thích nghi với hoàn cảnh mới một cách tốt nhất.