Nông thôn mới – bao giờ “cán đích”?

Phát triển nông thôn là một quá trình lâu dài. Một số nước đang phát triển thậm chí phải tốn cả nửa thế kỷ để hồi phục những giá trị đã bị phá vỡ trong quá trình phát triển.

Việc thực hiện thí điểm phát triển mô hình nông thôn mới cấp xã đang phải tạm dừng do nhiều nguyên nhân trong khi mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản đang được triển khai trong 2 năm (2007-2008) lại đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu việc thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới bao giờ cán đích?

Chỉ Bộ NN&PTNT làm: khó thành công!

Sau gần 8 năm “lăn lộn” thực hiện thí điểm phát triển mô hình nông thôn mới cấp xã, ông Ngô Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang), cho rằng, nếu chỉ do Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện thì khó thành công. Theo ông Phú, đề án này rất lớn, liên quan tới nhiều bộ, ngành, lẽ ra phải do Chính phủ, hoặc Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì thì mới thực hiện được. Còn nếu chỉ do Bộ NN&PTNT cầm chịch thì rất khó, bởi bộ này không thể có ý kiến chỉ đạo các bộ khác như: Giáo dục – Đào tạo, Giao thông – Vận tải… thực hiện các mục tiêu về trường lớp học và đường giao thông nông thôn. Do vậy, việc triển khai chương trình đã không được tiến hành đồng bộ. Cùng quan điểm này, ông Mai Văn Dư, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định cho biết: “Nếu chỉ gói ở tầm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT thì rất khó đạt được thành công trong phát triển nông thôn mới ở 18 xã điểm”.

Theo ông Dư, với mô hình nông thôn mới cấp thôn, Nam Định hiện đang thí điểm hai mô hình. Một tại thôn Hoàng Đường, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu được triển khai từ năm 2007, một tại thôn Hạ, xã Minh Tân, huyện Hải Hậu triển khai từ đầu năm 2008. Nhưng nếu chỉ thực hiện thí điểm 1-2 năm thì rất khó có kết quả để báo cáo và đánh giá hiệu quả. Ngoài ra, điều khiến ông Dư băn khoăn là cách thí điểm phát triển nông thôn mới lâu nay của Bộ NN&PTNT đều hướng vào những xã, thôn ở mức trung bình. Nhưng liệu đối với những xã, thôn nghèo, khó khăn về mọi mặt thì có thực hiện được hay không?

Chỉ mang tính chất tuyên truyền

Theo TS. Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN&PTNT), việc Bộ NN&PTNT lựa chọn thôn, xã trung bình khá, mang tính đặc trưng của vùng, miền để thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới là nhằm bảo tồn những giá trị nông thôn – vốn đang trong quá trình bị phá vỡ – và tạo ra hình ảnh nông thôn về giá trị tuyên truyền. “Bây giờ, chúng ta lựa chọn nơi bị ô nhiễm, rồi đổ 10 tỷ đồng vào đó để giải quyết thì cũng không xây dựng được nông thôn ấy ra được hình ảnh nông thôn. Thử hỏi đến bao giờ mình có mô hình để học tập?” – TS. Bình phân tích.

Theo TS. Bình, về mặt phương pháp, phát triển nông thôn là một quá trình lâu dài, có thể là 10-20 năm, nhưng cũng có thể phải kéo dài 30-40. Thậm chí, tại một số nước đang phát triển, họ phải tốn cả nửa thế kỷ để hồi phục những giá trị đã bị phá vỡ trong quá trình phát triển. Điều này cho thấy, sự thất bại trong việc thực hiện mô hình nông thôn mới cấp xã cũng là dễ hiểu.

Được biết, hồi tháng 04/2007, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp báo nhằm thông báo cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới”, nhưng rồi mất hút trong im lặng. Vấn đề đặt ra, liệu với mô hình nông thôn mới “chỉ mang tính chất tuyên truyền” như hiện nay thì đến bao giờ mục tiêu về phát triển nông thôn của Bộ NN&PTNT đề ra mới cán đích?./.