Lạng Sơn: Lâm tặc hoành hành ở khu du lịch Mẫu Sơn

Mẫu Sơn với những cánh rừng nguyên sinh, trong đó có những loài cây đặc hữu mà các nơi khác không có. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nạn khai thác, chặt phá cây rừng ồ ạt mang sang Trung Quốc tiêu thụ.

“Trong rừng Mẫu Sơn có nhiều cây nguyên sinh, trong đó có loài cây sặt- một loại cây có từ lâu đời và gắn bó với cuộc sống của người dân Mẫu Sơn chúng tôi” – Ông Triệu Sằn Sìn, Trưởng bản Khuổi Cấp (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình) nói.

Đưa chúng tôi đi xem những vạt cây sặt bị đốn hạ, mất dần trên từng khoảnh đồi, núi, Trưởng bản người dân tộc Dao này cho biết: “Cây sặt thuộc họ cây trúc rừng, thân thẳng và chắc, sống nơi có khí hậu mát mẻ. Cây phát triển chậm nhưng chắc và tươi tốt quanh năm”.

Chính vì vậy mà gần đây tư thương ở các tỉnh miền xuôi như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh đến tổ chức thu gom để bán cho nhà máy chế biến giấy.

Bên cạnh đó, người dân bản địa lại thường xuyên lên núi chặt hạ cây sặt rồi khuân xuống núi làm củi, đun bếp hoặc dựng giàn đỗ, bầu bí. Từ những “món lợi” trước mắt nên từng nhóm người rủ nhau lên cánh rừng thuộc thôn Khuổi Cấp, Bản Tẳng, Lặp Pịa săn lùng cây sặt. Mỗi ngày có tới 50 đến 70 xe đạp, mô tô, công nông ngang nhiên chất hàng ngàn cây mang đi.

Bên cạnh cây sặt bị tàn phá, từ đầu tháng 6 cho đến nay tại khu vực núi Chân Mây (thuộc khu vực du lịch Mẫu Sơn), mỗi ngày có hàng chục người và xe máy đi lấy cây “Bùng bay”.

Đây là một cây rừng quý có đường kính từ 5 đến 15 cm, có tác dụng làm thuốc chữa các bệnh đau bụng, thấp khớp. Dân địa phương được đặt mua với giá 800 đồng/kg dưới chân núi rồi các tư thương gom hàng mang sang chợ đường biên Ái Điểm (Trung Quốc) bán.

Ông Hoàng Phúc Lỷ, Chủ tịch UBND xã Công Sơn (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) cho biết: “Ở khu vực Núi Cha (thuộc huyện Cao Lộc) tình trạng khai thác, chặt phá rừng cây Bùng bay cũng rất bừa bãi. Mỗi ngày có khoảng 50 người và phương tiện mô tô đến “hành nghề”.

Theo điều tra ban đầu thì số đông “lâm tặc” là người các xã Bằng Khánh, Xuân Lễ (huyện Lộc Bình) mang dao, rìu đến khai thác rồi lôi kéo thêm những người địa phương khác.

Có cả phụ nữ và trẻ em cũng tham gia vào việc “hôi của” rừng. UBND xã Công Sơn đã tổ chức lực lượng dân quân đến nhắc nhở, thuyết phục, răn đe nhưng không ngăn chặn được bởi họ thấy lực lượng chức năng đến thì “lẩn” vào rừng.

Khi dân quân đi thì họ lại ra chặt cây. Chính quyền xã đã có kiến nghị với Kiểm lâm huyện nhưng đến nay vẫn chưa thấy “hồi âm” gì (?!).

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở xã Mẫu Sơn, ông Triệu Chằn Sìn, Trưởng bản Khuổi Cấp thở dài cho biết: “Vì là rừng nguyên sinh, mênh mông ở đỉnh núi, lại là của “cha chung không ai khóc”, người dân bản địa xua đuổi mãi không được, đành phải báo chính quyền”.

Thế nhưng, khi lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm huyện Lộc Bình đến thì họ đã “cao chạy xa bay” hoặc giấu dao trong khe núi rồi bảo đi du lịch, đi kiếm măng rừng. Khi các ngành chức năng đi khỏi họ lại chặt cây.

Các loài cây đặc hữu kể trên là “lá phổi” của toàn bộ dãy Mẫu Sơn này. Nhưng gần đây người ta đua nhau phá rừng, vì thế những cánh rừng sặt, Bùng bay ngày càng thu hẹp dần. Rừng Mẫu Sơn chẳng mấy chốc trơ đá, trơ đồi. Việc này cần được các cấp chính quyền địa phương quan tâm giải quyết, ngăn chặn.