Quy hoạch các làng nghề Hà Nội: Vẫn chậm như rùa!

Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Các làng nghề đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Nhưng làm sao để các làng nghề phát huy được tiềm năng, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo đảm môi trường sống… đó là vấn đề cần được thành phố quan tâm hơn.

7 năm đỏ mắt chờ dự án

Làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì nổi tiếng với các nghề truyền thống như dệt, xe tơ, sợi, thu gom tái chế phế liệu, nghề lông vũ… Nhiều năm trở lại đây, Triều Khúc còn có thêm một số ngành nghề mới với nhiều mặt hàng được xuất khẩu sang các nước. Hiện tại, làng nghề này có 54 doanh nghiệp và hàng trăm hộ sản xuất quy mô gia đình. Lực lượng lao động ở đây rất ổn định và có tay nghề khá cao đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.

Nhưng điều đáng báo động nhất hiện nay ở làng nghề này đó là sự ô nhiễm môi trường. Các xưởng tái chế nhựa thủ công máy móc lạc hậu, hệ thống xử lý khói độc hại không có. Các xưởng dệt, xe tơ, sợi, xưởng nhuộm sợi… của các gia đình nằm trong thôn xóm ngay sát trường học, khu dân cư nên lúc nào cũng ồn, chất thải, hóa chất tràn ngập trong không khí. Cùng với đó nhiều hộ sản xuất trong làng nghề đã thu mua các loại phế thải, rác, hoặc lông gà, lông vịt, lông ngan… để tái chế, nên Triều Khúc còn là một làng chứa rác khổng lồ.

Do sự phát triển bừa bãi, thiếu quy hoạch của các hộ sản xuất nên làng Triều Khúc ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Vì vậy cần phải có một khu sản xuất cho các hộ của làng nghề Triều Khúc để quy hoạch lại cho phù hợp với quy mô sản xuất ngày càng phát triển và bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng. Năm 2001, dự án Quy hoạch làng nghề Triều Khúc đã ra đời, dự án có quy mô gần 10 ha đủ đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho các hộ sản xuất trong làng nghề.

Nhưng đã 7 năm trôi qua, các hộ kinh doanh ở đây vẫn khắc khoải chờ dự án này đi vào hoạt động. Ông Hoàng Trung Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: “Có rất nhiều cuộc họp, kiến nghị của người dân, nhưng đến nay dự án mới chỉ xong đường, hệ thống nước thải và PCCC, còn điện, hệ thống nước sạch quan trọng nhất thì chưa có, nên mặt bằng bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm. Nhiều doanh nghiệp chờ đợi mãi không thấy dự án chuyển động đành phải thuê mặt bằng ở Hà Tây để làm xưởng sản xuất vì chỉ chậm một vài tháng là lỡ cơ hội làm ăn với bạn hàng nhất là bạn hàng nước ngoài”.

Vẫn chuyện cha chung…

Thiếu mặt bằng, vốn, hạ tầng kém… đó là thực trạng chung của các làng nghề ngoại thành Hà Nội. Mặt bằng cho sản xuất luôn là vấn đề nóng đối với các làng nghề, tốc độ phát triển sản xuất của làng nghề rất nhanh nhưng để có mặt bằng cho phù hợp quả là chuyện quá khó. Khi gỡ được cái khó về mặt bằng thì lại tiếp tục gặp ách tắc về cơ sở hạ tầng, nhất là điện, sau đó là nước sạch đến đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, chất thải.

Hiện tại duy nhất mới chỉ có làng nghề Bát Tràng được thành phố tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, còn các làng nghề khác đã nằm trong dự án đầu tư nhưng đều dang dở đó là các làng nghề Triều Khúc, Xuân Phương (huyện Từ Liêm), Vân Hà, Liên Hà (huyện Đông Anh) và Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm). Cùng với đó nguồn vốn chủ yếu của các làng nghề đều là vốn của các hộ gia đình, họ rất khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Theo bà Trịnh Hồng Loan, Trưởng phòng Công nghiệp 3 – Sở Công thương Hà Nội, Hà Nội có 84 làng nghề truyền thống và làng nghề mới, nhưng tổ chức sản xuất của các làng nghề theo quy mô hộ gia đình, không có sự hợp tác liên kết, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến khả năng cạnh tranh chưa cao… Việc quy hoạch các làng nghề còn chậm, trong khi đó điều đáng lo ngại nhất là ô nhiễm từ các làng nghề. Nếu như các làng nghề không nhanh chóng được quy hoạch để sản xuất tập trung, thì chỉ một thời gian nữa, các làng nghề đều ô nhiễm nặng.

Việc quản lý các làng nghề do các Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Liên minh các HTX Việt Nam… Chính vì cảnh cha chung trên nên tiến độ quy hoạch phát triển các làng nghề của Hà Nội rất chậm, bởi quá nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian để thu thập đủ ý kiến của các ban, ngành…

Vì vậy, thành phố phải có quy hoạch tổng thể cho làng nghề, hỗ trợ về khoa học công nghệ, yêu cầu các ban ngành, các cấp chính quyền phải đẩy nhanh việc thực hiện một số dự án quy hoạch làng nghề truyền thống đã được duyệt. Đồng thời tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường cho làng nghề, nhất là những làng nghề truyền thống, và phát triển làng nghề gắn với du lịch như làng nghề Bát Tràng hiện nay.