Thoát nghèo bằng phủ xanh đất trống

ThienNhien.Net – Thế giới đang phải vật lộn với những thách thức về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, vì vậy phủ xanh những vùng đất trống được cho là giải pháp hiệu quả đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, đặc biệt là ở những vùng khô hạn như châu Phi. Những lợi ích và phương pháp phủ xanh đất trống một cách hiệu quả đã được hai chuyên gia Chris Reij và Robert Winterbottom của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) giới thiệu trong báo cáo Scaling up Regreening: Six Steps to Success (Phủ xanh đất trống trên diện rộng: Sáu bước để thành công).

Nhiều diện tích rừng châu Phi đang bị mất do diện tích đất nông nghiệp mở rộng. Mất rừng gây ra nhiều tác động xấu như gia tăng xói mòn, giảm độ màu mỡ của đất; các nguồn tài nguyên và vật liệu xây dựng từ rừng cũng biến mất theo. Bằng việc phân tích thành công của quá trình phủ xanh đất trống do nông dân quản lý ở một số khu vực thuộc châu Phi bao gồm Senegal, Burkina Faso, Niger, Mali, miền bắc Ethiopia và Malawi, báo cáo đã đưa ra những giải pháp nhằm thay đổi xu hướng mất rừng do nông nghiệp ở châu lục này bằng quá trình phủ xanh đất trống trên quy mô lớn.

Mục đích của báo cáo là cung cấp cái nhìn toàn cảnh cho nông dân, các nhà hoạch định chính sách của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) nhằm phát triển thành công quá trình xanh hóa trên toàn châu Phi và rộng hơn nữa. Báo cáo khẳng định phủ xanh đất trống chính là một giải pháp khả thi để giải quyết những bất ổn kinh tế, chính trị kinh niên, thậm chí là giảm tình trạng di cư, tị nạn ở một số khu vực của châu Phi.

Phá rừng trồng cao su tại Lào (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay)
Phá rừng trồng cao su tại Lào (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay)

Phủ xanh đất trống ở đây, theo định nghĩa của nhóm tác giả, là tình huống mà đông đảo người nông dân, cả theo cá nhân và theo nhóm, thực hiện biện pháp bảo vệ, tái tạo và quản lý bền vững sự gia tăng thảm thực vật và cây rừng trong hệ thống canh tác nông nghiệp của mình. Phủ xanh đất trống được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố nhưng luôn luôn được dẫn đầu bởi nông dân và sẽ mang lại nhiều lợi ích về cả kinh tế lẫn môi trường.

Sáu bước để thực hiện thành công công cuộc phủ xanh đất trống được các tác giả đưa ra bao gồm: (1) Phân tích và xác định mục tiêu khi phủ xanh diện tích đất trống hiện tại; (2) Xây dựng một phong trào phủ xanh đất trống cấp cơ sở và huy động các tổ chức đối tác; (3) Áp dụng chính sách và các thủ tục pháp lý và hoàn thiện các điều kiện thuận lợi cho việc phủ xanh đất trống; (4) Xây dựng và thực hiện một chiến lược truyền thông; (5) Phát triển các chuỗi giá trị nông lâm kết hợp; (6) Mở rộng các hoạt động nghiên cứu.

Trong báo cáo, hai tác giả Reij và Winterbottom cũng trình bày những khó khăn trong việc xác định quy mô; sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của việc xác định chính xác quy mô để thực hiện thành công quá trình phủ xanh đất trống. Diện tích đất trống được lựa chọn cũng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Quá trình phủ xanh đất trống có thể diễn ra trên hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu hecta trong thời gian vài năm hoặc vài thập kỷ. Nếu hàng triệu hecta đất nông nghiệp đang suy thoái do gió, nước gây xói mòn và giảm độ màu mỡ, quá trình xanh hóa sẽ không hiệu quả nếu áp dụng quá trình phủ xanh đất trống trong phạm vi chỉ vài trăm hoặc vài nghìn hecta. Do đó, cần thực hiện quá trình phủ xanh đất trống ở quy mô hàng triệu hecta.

Nhóm tác giả dẫn chứng bằng ví dụ về quá trình phủ xanh đất trống trên quy mô lớn đồng bằng Seno ở Cộng hòa Mali (thuộc Tây Phi). Diện tích rừng bị mất rừng ở quốc gia Tây Phi này đã được phủ xanh trở lại và giờ lên tới 450.000 hecta. Hầu hết hoạt động phủ xanh đất trống được thực hiện bởi quá trình tái sinh rừng tự nhiên do nông dân quản lý. Những người nông dân đã bảo vệ, quản lý sự tự tái sinh cây và thảm thực vật rừng nhờ rễ cây và hạt giống tồn tại tự nhiên trong đất.

Rừng cây xen lẫn với ruộng đồng trong vùng nông – lâm nghiệp ở Java (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay)
Rừng cây xen lẫn với ruộng đồng trong vùng nông – lâm nghiệp ở Java (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay)

Các tác giả tin tưởng quá trình phủ xanh đất trống trên diện rộng sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu để giải quyết những những bất ổn kinh tế và chính trị triền miên ở nhiều khu vực của châu Phi. Ông Winterbottom chia sẻ: “Rõ ràng, nhiều hộ nông dân vẫn đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay nhiều khó khăn khác nữa, nếu chúng ta không làm gì để giải quyết tận gốc vấn đề mất rừng, suy giảm năng suất sản xuất nông nghiệp, vấn đề an ninh lương thực hay gia tăng đói nghèo. Chúng tôi kỳ vọng phủ xanh đất trống trên quy mô lớn là cách tiếp cận thực tế với chi phí tương đối thấp để bắt tay vào giải quyết những vấn đề như mất rừng, nghèo đói nông thôn, an ninh lương thực và những tổn thương do biến đổi khí hậu”.

Còn theo ông Reij, mô hình xanh hóa có khả năng làm giảm tính bất ổn do tình trạng nhập cư của người tị nạn. “Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng di cư, nhưng đầu tư vào phủ xanh đất trống trên diện rộng có thể tạo ra cơ hội gia tăng thu nhập và đồng thời làm giảm tốc độ di cư.” – ông Reij nói.

Ngoài ví dụ ở Mali, báo cáo cũng mô tả trường hợp xanh hóa khác Ethiopia, Malawi và Sahel của Niger. Từ kết quả nghiên cứu một loạt các trường hợp ở châu Phi, báo cáo khẳng định quá trình phủ xanh đất trống và hệ thống nông – lâm kết hợp sẽ có lợi cho hầu hết các khu vực ở châu Phi. Mọi khu vực có mật độ dân số cao và phát triển nông nghiệp tràn lan đều có cơ hội phát triển hoặc thúc đẩy mô hình này. Phủ xanh đất trống là biện pháp khả thi và có thể nhân rộng trong thực tế.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo cũng như các mục tiêu phát triển bền vững khác đã nhìn thấy những lợi ích từ xanh hóa và đang cân nhắc nhân rộng áp dụng mô hình xanh hóa và tối đa hóa lợi ích này cho người dân mặc dù trên thực tế quá trình xanh hóa vẫn đối mặt với nhiều rào cản để được xã hội công nhận.