Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam sẽ không thiếu điện”

ThienNhien.Net – Trước quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Diễn đàn VBF giữa kỳ 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện, năng lượng kể cả đến 2020 hay 2030.

Hội thảo Diễn đàn doanh nghiệp diễn ra sáng 9/6/2015. (Ảnh: Lan Hương)
Hội thảo Diễn đàn doanh nghiệp diễn ra sáng 9/6/2015. (Ảnh: Lan Hương)

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ghi nhận tại nghị trường VBF sáng 9/6 cho thấy, khá nhiều nhà đầu tư đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ và Hàn Quốc tỏ ra quan ngại về việc thiếu điện và độ tin cậy của việc cung cấp điện trong tương lai tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư này, việc thiếu điện và giá điện thấp là những trở ngại lớn nhất trong quyết định đầu tư dự án năng lượng của họ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo khẳng định Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, từ năm 2011 đến nay, chưa khi nào việc sản xuất và cung ứng điện lại tốt như hiện nay.

Bộ trưởng cho biết, trong những tháng vừa qua, đặc biệt gần đây thời tiết rất nóng, lượng tiêu thụ điện tăng cao đột biến, tuy nhiên ngành điện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Không những thế, công suất điện dự phòng của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức trên 20% và có thể còn tăng lên nữa khoảng 30%.

Việc cung cấp điện chưa đảm bảo nhu cầu chỉ xảy ra ở từng thời điểm và địa bàn cụ thể, chủ yếu là do chất lượng hệ thống phân phối điện ở nhiều nơi đã xuống cấp.

Trong bài phát biểu kết luận dài gần nửa tiếng đồng hồ của mình tại Diễn đàn VBF giữa kỳ 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, vấn đề điện và năng lượng chắc chắn sẽ được đảm bảo.

Thủ tướng cho biết, hiện có 1 số ý kiến quan ngại về việc nếu một số dự án điện chậm triển khai sẽ gây thiếu điện cho khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, vấn đề này đã được khắc phục, đảm bảo đủ điện cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Không những đảm bảo đủ điện mà Việt Nam còn tiến hành tiết kiệm điện, nâng cao chất lượng nguồn điện một cách hiệu quả.

“Việt Nam sẽ không thiếu điện, năng lượng kể cả đến 2020 hay 2030, tôi khẳng định như thế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tham dự diễn đàn.

Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp để ổn định giá thị trường điện, kiên quyết không bán điện dưới giá thành. Sẽ công khai minh bạch lộ trình giá điện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Bên cạnh tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đủ năng lượng sản xuất, Chính phủ cũng sẽ có chính sách hỗ trợ thẳng cho người nghèo chứ không bao cấp qua giá điện.

Về giải pháp phát triển nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục quản lý điều hành bảo đảm tăng cường tính ổn định của kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp để tạo sự vững chắc của nền kinh tế.

Một số chỉ tiêu kinh tế cũng được Thủ tướng khẳng định với các nhà đầu tư như: Kiểm soát lạm phát dưới 5% không chỉ trong năm 2015 mà cả các năm sau nữa; Điều hành tỉ giá ổn định phù hợp với tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại tệ, bảo đảm ngoại tệ đạt mức 12 tuần nhập khẩu; Bội chi ngân sách đảm bảo 5% và tới thấp dần theo luật ngân sách mới.

Đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công để đem lại hiệu quả đầu tư của nền kinh tế.

Mức tăng trưởng xuất khẩu sẽ được đảm bảo đạt mức từ 10 – 15%/năm, nhập siêu không quá 5%/năm.

Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, Chính phủ sẽ tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh để tăng trưởng tốt ở cả 3 khu vực công nghiệp – nông nghiệp và dịch vụ.

Phấn đấu năm 2015 tăng GDP 6,2%, dự kiến giai đoạn 2016 – 2020 GDP sẽ tăng tới 6,5 – 7%/năm.

Tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế hướng nâng cao năng suất, chất lượng để tạo sức cạnh tranh: Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước; thực hiện cổ phần hóa theo đúng lộ trình quy định, giảm vốn nhà nước.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng, các tổ chức, các định chế tài chính. Phấn đấu năm 2016 sẽ không còn ngân hàng yếu kém, vi phạm pháp luật, nợ xấu không quá 3%.

Việt Nam cũng sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế từ WTO đến các FTA đã ký kết.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện Việt Nam đang đàm phán giai đoạn cuối FTA với EU và TPP.

Nếu hoàn thành, Việt Nam sẽ hoàn tất 14 FTA với 55 đối tác, trong đó có tới 15 thành viên thuộc G20. Đây là cơ sở để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng và phát triển bền vững.