“Độ” xe đi chở gỗ lậu

Hiện ở Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn đang thu giữ gần 50 chiếc xe đạp đã được "độ, chế". Tất cả đều là xe nam, có gióng ngang. Hầu hết các bộ phận từ gióng xe, càng xe, trục ngang, trục dọc đều được tăng-bo bằng tuýp nước hoặc sắt xoắn phi 8, phi 10 để tăng cường độ chịu lực. Nan hoa xe cái nào cái nấy to vật, to hơn cả nan hoa xe máy. Lốp xe gần như đặc. Có xe cả bánh trước bánh sau đều lắp líp…

Chiếc Uoát gầm lên tuyệt vọng rồi đành “thúc thủ” dưới lòng con suối cạn. Mới đầu mùa, suối chưa có nước chảy. Nhưng mùn đất từ đám cỏ le, tranh và lá cây chết cháy mùa khô gặp mưa sớm nhão nhoét đến cả nửa mét, trơn như mỡ. Còn chừng hơn 5 cây số nữa mới tới chỗ rừng bị “tàn sát”. Hạt phó Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn Huỳnh Nghĩa Hiệp bần thần một lúc rồi quay ra hỏi: Đi bộ được không?

Động rừng

Bỏ chiếc Uoát và cậu lái xe trẻ măng của Hạt lại trông đồ giữa rừng, kiểm lâm Hiệp, kiểm lâm Thoan và tôi quyết định tiếp tục lội bộ vào tiểu khu 441 và 434, nơi tháng trước vừa xảy ra vụ “thảm sát” hơn 40 cây giáng hương thuộc nhóm gỗ 2A đặc biệt quý hiếm ngay giữa khu vực bảo vệ của Vườn quốc gia Yok Đôn. Thoan người gốc Hương Khê, Hà Tĩnh, làm cán bộ hợp đồng của Hạt được hơn 6 tháng nay.

Ở Hạt kiểm lâm Yok Đôn có 80 kiểm lâm biên chế chính thức và khoảng 30 cán bộ kiểm lâm hợp đồng trẻ như vậy. Thoan là cán bộ thuộc Trạm kiểm lâm số 4, đóng ngay đường vào buôn lõi Đrăng Phôk và cũng có nhà trong buôn luôn.

Sau vụ phát hiện lâm tặc chặt hạ số giáng hương nói trên, Thoan đã nhiều lần dẫn công an và các lực lượng chức năng khác vào hiện trường lập biên bản và thu gom gỗ tang vật nên thạo đường dẫn chúng tôi đi.

Rừng khộp đầu mùa tái sinh thật mãnh liệt. Mới chỉ sau mấy trận mưa mà le tép, cỏ tranh có chỗ đã cao lút đầu người. Lác đác dưới mặt đất điểm vài bông nghệ rừng nửa vàng nửa đỏ. Người có kinh nghiệm trong vùng bảo nghệ rừng ở đây còn có tên khác là cây chỉ thị. Nhìn trên mặt đất bằng phẳng như nhau, nhưng hễ chỗ nào mọc nhiều nghệ rừng, xe đi vào dính lầy ngay…

Dọc đường đi chúng tôi vẫn bắt gặp tiếng mang tác, nhồng kêu có vẻ khá yên bình. Nhưng đến tiểu khu 441, một quang cảnh đổ nát hiện ra thật tang thương. Chỉ một vạt rừng nhỏ đã có 12 cây giáng hương bị chặt hạ. Từng bụi le tép và cây tầm thấp đổ rạp theo các phía chứng tỏ có rất nhiều sự giày xéo nơi đây.

Chếch mé trên là tiểu khu 434, gần 30 cây cùng loại cũng đã bị lâm tặc “hành hình”. Ước tính số gỗ bị đốn hạ đợt ấy vào khoảng hơn 50m3, trong đó lâm tặc tẩu tán được 10 khối. Số còn lại đã được Công an huyện Buôn Đôn và các ngành chức năng thu gom làm tang vật để mở rộng điều tra.

Công nghệ “xẻ thịt” rừng

Hiện tại, giáng hương đang được đánh giá là loại gỗ có nguy cơ bị xâm hại cao nhất. Kiểm lâm Hiệp cho biết, giá 1m3 gỗ hương tại Buôn Đôn từ 6 đến 7 triệu đồng. Nếu mua tại rừng, giá bán chỉ bằng một nửa. Tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên thì thực tế giá gỗ hương bán tại Buôn Đôn cao hơn nhiều, không dưới 10 triệu đồng/m3. Nếu là trắc hay cẩm lai thì còn to tiền nữa.

Tuy nhiên, hai loại này, theo nhiều người dân nơi đây, đã gần như cạn kiệt. Đặc biệt là trắc. Chính vì mối lời kếch xù như vậy, việc phá rừng ở Yok Đôn, qua câu chuyện của các kiểm lâm, đã gần như một “dây chuyền công nghệ” khép kín.

Đầu tiên là công đoạn bán… cây đứng. Nghe tưởng chuyện hài, nhưng quả thực đúng như vậy. Công đoạn này chủ yếu do người địa phương thông thạo địa hình đảm nhiệm, vào rừng chỉ có mỗi một việc là đi tìm cây. Thấy cây rồi, họ đánh dấu bằng cách riêng rồi quay ra, gặp các “đầu nậu” và bán ngay… cái cây đang ở một chỗ nào đó trong rừng(!).

Đối tượng mua cây đứng có thể là mối thu mua quen biết từ ngoài phố vào hoặc chính là những tay đốn gỗ chuyên nghiệp. Mỗi cây đứng như thế bán được từ 300 đến 500 nghìn đồng, tùy cây to hay cây nhỏ, cây ở gần hay cây ở xa.

Gặp đám này, kiểm lâm có biết cũng đành “bó tay” bởi có vô số các viện dẫn “hợp lý” cho việc lang thang trong rừng: đi tìm
trâu, bò thả rông, đi nhặt chai cục (mủ cây cầm xe, chế biến nấu chảy dùng để quét mạn thuyền chống rò rỉ rất tốt) hay đi lấy củi…

Sau khi mua cây trong rừng rồi, các đầu nậu bắt đầu tìm đến những thợ đốn cây chuyên nghiệp. Đây là công đoạn thứ hai. Công đoạn này có thể do người địa phương hoặc đám “tiều phu thứ thiệt” ở nơi khác đến. Một chiếc cưa máy do Trung Quốc hoặc Đài Loan sản xuất giá chỉ từ 1,5 đến 2 triệu đồng kể cả độ cưa (chúng tôi sẽ giải thích ở phần sau). Mỗi cây bị đốn hạ, “tiều phu” được trả từ 100 đến 300 nghìn đồng.

Với những chiếc cưa xăng như thế, việc hạ một cây có đường kính trên dưới 1 mét chỉ mất khoảng… 5 phút. Nếu những cây mục tiêu nằm gần nhau, trong một đêm, một “tiều phu” lành nghề có thể “vật ngã” hàng chục cây gỗ quý hiếm. Còn nếu bị kiểm lâm phát hiện, chỉ việc… vứt cưa đi là xong.

Trong trường hợp “đen” lắm bị bắt quả tang cũng chỉ phạm tội với cái cây đang cưa, còn các cây khác bên cạnh, dù mới cưa xong, chúng cũng chối bay. Nếu không thầu vận chuyển, sau khi hành sự, các “tiều phu” chỉ việc tìm chỗ giấu cưa rồi “bách bộ” ra ngoài nhận tiền, tìm quán nhậu và… chờ phi vụ mới.