Cuộc cách mạng xanh mới

Ngày 03/06, tại Roma, Italia, khai mạc Hội nghị cấp cao về an ninh lương thực thế giới: Những thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu và nhiên liệu sinh học. Ðây là cơ hội lịch sử để khởi động lại cuộc chiến chống đói nghèo và tăng sản lượng nông nghiệp ở các nước đang phát triển. Trong ba thập niên gần đây, giá lương thực giảm 75%. Nhưng từ năm 2005 đến nay, giá lương thực lại tăng lên 75%. Giá lúa mì, bơ, sữa tăng gấp ba lần từ năm 2000. Giá ngô, gạo và gia cầm tăng gấp hai lần. Giá dầu cọ, sắn, cũng tăng đáng kể.

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực tăng gần 40% năm 2007 so với 9% năm 2006 và trong năm 2008 sẽ tăng cao hơn nữa. Trong tình hình cung ít hơn cầu, giá nhiên liệu cao, việc Mỹ khuyến khích sản xuất nhiên liệu sinh học từ một số loại cây lương thực, thay đổi khí hậu ngày một trầm trọng, đồng USD mất giá (chiếm 55% giao dịch quốc tế), giá lương thực khó có khả năng giảm trong vài năm tới.

Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay cho thấy rõ sự mất cân đối giữa nguồn cung cấp lương thực trên toàn cầu và nhu cầu về lương thực của người dân trên toàn thế giới. Báo cáo do FAO chuẩn bị cho Hội nghị Roma cảnh báo, thế giới phải sẵn sàng đối phó tình huống giá lương thực tiếp tục tăng và gây rối loạn thị trường, đồng thời kêu gọi hội nghị nhất trí với các kế hoạch nhằm tăng sản lượng lương thực, tăng đầu tư nhằm thúc đẩy việc sản xuất lương thực và tăng hỗ trợ cho người nghèo. Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã công bố danh sách 22 nước bị đe dọa nghiêm trọng ở châu Á và châu Phi bởi cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu hiện nay.

Tại diễn đàn Hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki – Moon đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngừng ngay lập tức hoặc bãi bỏ các biện pháp kiểm soát giá cũng như những hạn chế thương mại khác đối với các sản phẩm nông nghiệp. Tổng Thư ký LHQ thúc giục các nước giảm thuế đối với sản phẩm nông nghiệp, nới lỏng các biện pháp cấm xuất khẩu và giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản nhằm giúp hàng triệu người nghèo trên thế giới khắc phục tình trạng giá lương thực tăng lên mức kỷ lục.

Ngoài ra, ông Ban Ki – Moon cũng đề nghị Mỹ và một số nước từng bước bãi bỏ trợ giá đối với nhiên liệu sinh học được sản xuất từ cây lương thực, đồng thời hy vọng các nhà tài trợ quốc tế sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể giúp thế giới đối phó nạn đói. Ông R. Zeigler, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho rằng, các nước đang phải gánh chịu hậu quả sau nhiều năm không chú trọng công tác nghiên cứu nông nghiệp, hệ thống tưới tiêu và các biện pháp hỗ trợ nông dân. Tình trạng mất đất, nguồn nước và sức lao động đã xuất hiện khi các nước đua nhau tiến hành công nghiệp hóa.

Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) cảnh báo, các giống cây tự nhiên có quan hệ với các cây lương thực cơ bản như lúa mì, gạo, khoai tây, đang bị “tổn thương nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi tăng cường bảo vệ các khu vực canh tác các giống cây là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho thế giới. Nhiều cây tự nhiên thường bao gồm những đặc tính có thể được chăm sóc để trở thành những cây lương thực và giúp chúng chống chọi hiệu quả với các loại sâu bệnh mới và sự biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia nhận định rằng, việc thu hẹp khoảng cách về sản lượng, phân bổ vùng chuyên canh lúa cho các địa phương có thể giải quyết được tình trạng thiếu lương thực trong vài thập niên tới. Ðể làm được điều này, nông dân cần phải được mua hạt giống chất lượng cao hơn, cho nên sẽ cần nhà nước đầu tư nhiều hơn để nghiên cứu những giống lúa lai ghép…

Về lâu dài, một số biện pháp cụ thể sẽ được tính đến. Trước tiên, phải tiến hành các cuộc đàm phán dỡ bỏ rào cản thương mại đối với nông sản và bỏ trợ cấp đối với việc sản xuất ê-tha-non. Tiếp đó là tăng viện trợ, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ nông thôn và phát triển các ngành khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp; mở rộng viện trợ phát triển các ngành liên quan lương thực, kể cả các dự án liên quan an sinh xã hội, dinh dưỡng trẻ em và viện trợ lương thực cho những nước gặp khó khăn.

Cũng liên quan định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, vừa qua một cơ quan nghiên cứu có tên là “Ðánh giá quốc tế về Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp (IAASTD)” đã công bố báo cáo dày 2.500 trang. Báo cáo đề xuất một chương trình phát triển nông nghiệp cho 50 năm tới. Theo Giám đốc IAASTD, trong phát triển nông nghiệp, tiến hành công việc như hiện nay không phải là sự lựa chọn và nếu cứ tiếp tục các xu hướng này sẽ chỉ làm rộng thêm khoảng cách giàu-nghèo. Báo cáo kêu gọi các chính phủ và các cơ quan liên quan định hướng lại đầu tư, phân bổ nguồn vốn, tập trung vào nghiên cứu và hoạch định chính sách hướng tới yêu cầu của các tiểu nông, chú ý bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, đến các tập quán nông nghiệp sinh thái và kiến thức truyền thống của nông dân.

Thông điệp chủ yếu của Báo cáo là nông nghiệp bền vững, dựa trên đa dạng sinh học, kể cả nông nghiệp sinh thái và trồng trọt hữu cơ bao gồm tám vấn đề quan trọng: năng lượng sinh học, kỹ thuật sinh học, thay đổi khí hậu, sức khỏe con người, quản lý tài nguyên, kiến thức truyền thống, thương mại – thị trường và vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp. Phương pháp canh tác nông nghiệp hiện đại là đa dạng sinh học, thâm canh và hài hòa chứ không phải đi ngược lại các quy luật của tự nhiên. Ðây chính là nội dung của cuộc cách mạng xanh mới.