Đói gay gắt nơi thượng nguồn khe Choăng

Mười năm trước tôi đã có dịp vào tận cùng khe Choăng xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An. Giờ trở lại, cuộc sống của tộc người Đan Lai dường như chẳng mấy thay đổi, nghèo đói như bóng mây che phủ lên bản làng.

Đìu hiu lưng đèo

Bản Bu – khe Choăng cách tỉnh lỵ Nghệ An 200km về phía Tây Bắc. Đường từ trung tâm Châu Khê vào thượng nguồn khe Choăng quả là gian nan, bên vực, bên suối, phải qua những đoạn cua gấp tay áo. Càng về chiều trời càng nhiều mây, báo hiệu cơn giông sẽ ập tới trong chốc lát.

Anh Luyến, Phó chủ tịch xã Châu Khê giục: “Chỉ cần một trận mưa lớn là đường bị chia cắt, giao thông tắc nghẽn, chúng ta sẽ bị cô lập. Vào sớm rồi rút ra ngay!”. Dòng khe Choăng từ thung lũng lao ra, chắn ngang lối đi. Tiếng nước réo ầm ĩ.
Xe máy đang lao xuống dốc thì đột ngột phanh gấp. Phía trước, ngọn núi Tha Ma sừng sững án ngữ, hai bên là núi, bốn bề là núi. Núi cao che khuất tầm nhìn. “Bản Bu đấy!”, giọng anh Luyến đã thấm mệt.

Đầu bản có mấy ngôi nhà ngói khá “sang”, nhưng đó là nhà công vụ của Kiểm Lâm, Biên Phòng, kế tiếp là trường học. Chúng tôi nhận ra những ngôi nhà sàn quen thuộc nằm lưng chừng núi, nghèo nàn và đơn điệu.

Nỗi buồn lan tỏa trong tôi. Mười năm rồi, bản Bu vẫn vậy. Vẫn những ngôi nhà sàn bé nhỏ, bóng người đìu hiu lưng đèo, tiếng lục lạc theo dấu chân trâu váng vất hoàng hôn. Cái nghèo khổ toát ra từ ánh mắt trẻ thơ ngây dõi theo khách lạ bên đường, từ dáng cô sơn nữ bồng con đứng bên liếp cửa, từ những căn nhà sàn xiêu xẹo.

Trưởng bản Lê Đức Cảnh dẫn chúng tôi trèo lên đoạn dốc cuối bản thăm nhà chị La Thị Xuân. “Chị Xuân khổ lắm!”, ông Cảnh nói rồi quay mặt đi. Trên gương mặt đen đúa, rắn rỏi của người đàn ông Đan Lai, tôi đọc được những nỗi buồn.

Chị Xuân không chồng, có hai đứa con. Kinh tế gia đình chị thuộc diện “cùng đinh” nhất bản Bu vì không đất canh tác, không đất rừng, không nương rẫy. Hàng ngày, chị đi chặt nứa về bán cho Lâm trường, vẫn không đủ gạo nuôi con. Đói, mẹ con chị ăn sắn trừ bữa. Sắn hết, chị vào rừng đào củ mài.

Nhiều hôm đói quá, chị Xuân phải cầm rá đi xin sắn của bà con trong bản. “Cả tuần nay các cháu nhỏ chưa được ăn cơm. Hôm nào mẹ kiếm được cái ăn, con mới no cái bụng”, mắt chị La Thị Xuân ngân ngấn nước.

Nhà của chị hướng ra bờ sông, trông chẳng khác gì túp lều canh ngô canh lúa ở trên nương. Bên trong, chiếc “giường” dựng bằng mấy chiếc cọc choán phần lớn diện tích. Nhúm quần áo cũ nhàu nhĩ lẫn với chiếc chăn chiên rách nát ngổn ngang trên sạp nứa.

Tôi nhìn quanh, nhà chị chẳng có nổi một chiếc hũ đựng lương thực. Bếp lửa vẫn đỏ, nhưng trống không, xoong nồi nằm lăn lóc bên tro than và dưới đáy nồi hình như còn thừa mấy mẩu sắn khô. “Sắn cũng hết rồi, mai chưa biết ăn gì!”, chị Xuân khóc.
Ông La Văn Quế có 8 đứa con, hiện ông đang sống với cậu con trai La Văn Hào. Gia đình anh Hào nhận 1 ha rừng, khai hoang trồng 3 sào sắn và một ít rẫy trồng lúa. Vợ chồng anh Hào nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống khó khăn.

Ông Quế cụt chân trái, thương binh hạng 2/4, giọng nói đứt quãng: “Hàng tháng nhận được lương, tôi mua gạo nuôi các cháu. May mà tôi có suất lương thương binh, nếu không còn khốn khổ hơn nhiều!”.

Tuy có rẫy trồng lúa và được hưởng chế độ chính sách, nhưng hoàn cảnh của ông La Văn Quế cũng rất chật vật. Nhiều hôm, con trai ông phải vác cuốc lên rừng đào củ mài về cải thiện bữa ăn. “Bữa may mắn thì đào được dăm cân. Nhiều người cùng đi “săn lùng” nên củ mài dần dần trở nên khan hiếm!”, anh Hào kể.

Chúng tôi quay lại đầu bản, bước chân nặng trĩu. Tôi gặp ông Viềng Thanh Toán, nguyên Trưởng bản Bu ngày nào. Ông Toán kể: “Cả bản có 70 hộ thuộc diện nghèo đói, khó khăn, trong đó khoảng 35 hộ thường xuyên đứt bữa. Đói, nhiều người phải ăn sắn quanh năm. Rồi đến sắn không có mà ăn, chúng tôi vác cuốc vào rừng đào củ mài. Đào mãi, củ mài cũng hết!”.

 
Đìu hiu bản Bu.

Đói nghèo triền miên

Nguyên nhân khiến cuộc sống của bản Bu ngày càng khó khăn là do thiếu đất sản xuất. Cả bản hơn 700 người nhưng chỉ có 6 ha ruộng, diện tích nương rẫy ngày càng bị thu hẹp lại. Trưởng bản Lê Đức Cảnh cho biết: “Năm 1999, Nhà nước giao đất giao rừng cho 74 hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Từ năm 2003 đến nay có thêm 60 hộ, nhân khẩu tăng nhưng 60 hộ này không được giao rừng. Chủ trương mở mang diện tích ruộng nước đưa ra song gặp nhiều khó khăn!”. Thiếu đất canh tác, nhiều gia đình Đan Lai ở thượng nguồn khe Khặng lâm vào cảnh đói ăn triền miên.

Gần đây, Lâm trường huyện Con Cuông cho phép dân bản Bu vào rừng khai thác lâm sản phụ để tăng thêm thu nhập. Nứa trở thành loại cây “cứu đói” cho nhiều gia đình trong bản. Mỗi tấn nứa chặt được, họ đem bán cho đội thu mua của Lâm trường với giá khá “bèo”. Thế nhưng để chặt, gom được 1 tấn nứa, quả là một công việc hết sức nhọc nhằn.

“Ban đầu, nhiều hộ vào rừng chặt nứa rất hăng hái, song lượng người đi càng ngày càng thưa dần vì muốn chặt được nứa thì phải lặn lội vào vùng sâu vùng xa. Cố gắng lắm, mỗi lao động chỉ chặt được 1 đến 2 tạ nứa/ngày!” – Ông Cảnh nói.

Hạt lúa trên nương trở nên hiếm hoi, con cá dưới khe cạn kiệt, một bộ phận lớn người Đan Lai ở bản Bu chỉ biết trông chờ vào nương sắn. Đã từ lâu, sắn trở thành lương thực chính. Sáng sắn, trưa sắn, tối sắn, nhiều gia đình phải ăn sắn quanh năm. “Ăn sắn mãi, quen rồi, không chán nữa!”, chị La Thị Xuân nói. Nhưng với những hộ nghèo như mẹ con nhà chị Xuân, đến sắn cũng không có mà ăn.

Chính quyền xã Châu Khê, huyện Con Cuông và các cơ quan đoàn thể địa phương vẫn phải loay hoay với “phương án chống đói” cho người Đan Lai. Một dạo, người của Lâm trường sở tại xuống họp dân, bàn cách tạo quĩ đất phát triển thêm diện tích trồng lúa.

Dân giúp Lâm trường khai hoang đất đai trồng keo, khi cây keo chưa kịp lớn thì cho các hộ dân trồng lúa. Keo của Lâm trường, lúa của dân. Nhưng rồi cuối cùng, diện tích đất gieo lúa chẳng khai khẩn thêm được là bao.

Trưởng bản Lê Đức Cảnh bảo: “Tổng cộng chỉ được phép phát triển có 5 ha. Bản Bu có 708 nhân khẩu, 5 ha rẫy chia cho từng ấy người, thử hỏi được bao nhiêu?”. Ngoài ra, cuộc chinh phục đại ngàn còn gặp phải sức ì của phong tục, tập quán.
Người Đan Lai còn có một cái tên khác rất dân dã: Tộc Lá Vàng. Tương truyền, những năm tháng sống du canh du cư, từng nhóm người lang thang trong chốn rừng sâu núi thẳm. Mỗi lần tìm được vùng đất mới, họ lấy những chiếc lá chuối kết thành mái nhà và khi lá chuyển sang màu vàng, bèn rủ nhau chuyển đến nơi khác.

Câu hát dân ca Đan Lai như nói hết nỗi nhọc nhằn, vất vả của kiếp người phiêu bạt: “Theo dấu chân nai/ Tra vào hạt lúa/ Theo dấu chân cọp/ Bỏ vào hạt ngô/ Lang thang đầu suối/ Đìu hiu lưng đèo/ Sống đời nghèo khổ/ Như dòng suối nhỏ/ Như lá rừng chiều”.

Cứu trợ – muối bỏ biển

Theo Trưởng bản Cảnh, tỷ lệ dân số mù chữ ở bản Bu lên tới trên 40%. Cả bản hiện có 114 học sinh cấp tiểu học, 14 học sinh THCS và 1 em học cao đẳng. Ông La Văn Bốn là người đầu tiên, cũng là người Đan Lai duy nhất của Châu Khê có trình độ văn hóa đại học.

Cô nữ sinh đang theo học năm thứ 2 trường CĐ Sư phạm Nghệ An là cháu gái của cựu nhà giáo La Văn Bốn. Khi cái ăn chưa no, hành trình đi tìm cái chữ của người dân vùng rẻo cao sẽ còn gặp nhiều trắc trở, gian nan.

Đầu năm 2008, tỉnh Nghệ An xuất 3,2 tấn gạo cứu trợ cho người dân bản Bu. “Miếng khi đói bằng gói khi no”, hạt gạo đến với đồng bào lúc khó khăn đã phần nào làm ấm lòng người dân miền sơn cước. Nhưng hơn 3 tấn gạo chia cho 708 nhân khẩu để chống chọi với trận đại hàn giá buốt, quả như muối bỏ biển.

Bản Bu có 134 hộ, trong đó chỉ có 12 hộ dân tộc Thái và 1 gia đình người Kinh, còn lại là người Đan Lai. Ông Cảnh liệt kê một loạt hộ “đói kinh niên”: Bà La Thị Mận, một mẹ hai con, trong tay không một tấc đất sản xuất; Gia đình ông Lương Văn Kính có 3 miệng ăn, hoàn cảnh tương tự nhà bà Mận; Hộ anh La Văn Triển có 5 nhân khẩu, đói gay gắt… “Nhiều lắm, không kể hết được đâu!- Ông Cảnh thở than- Bản Bu thiếu gạo trầm trọng!”.

Các già làng cho hay bản Bu đang phát động phong trào trồng rừng. Mỗi gia đình phấn đấu trồng 50 gốc mét và 500 cây keo. Người Đan Lai ở thượng nguồn khe Choăng chờ đợi những cánh rừng sẽ tươi xanh trở lại, nhưng hiện tại, nhiều hộ dân nơi đây đang đói quay quắt khi nguồn lương thực tối thiểu cạn dần…