Người trồng rừng

ThienNhien.Net – Vượt một quãng dài đường ngoằn ngoèo uốn khúc, cuối cùng cũng đến được cánh rừng lâu nay được nghe mà chưa thấy. Hơn 1000 héc ta rừng nằm lắng những gió dữ gió lành. Những con đường được khai mở dần từ ngày người trồng rừng đặt chân đến Đông Hồi, nhẫn nại bò đi.


Người đàn ông cao gầy, tóc điểm bạc, nước da ngăm đen, vầng trán lằn từng dấu gió, dấu nắng dừng xe, đưa chúng tôi vào một khu đất rộng 450ha, mênh mông. Những cây lim nhỏ, run rẩy trước ánh nắng bắt đầu gay gắt. Dường như giống cây này quý ngay từ khả năng chịu đựng và tươi tốt. Một vùng thẫm mướt, non tơ, xanh lấp lánh trong mênh mông những sim, mua và cỏ.

Sửa lại một dáng cây, không ngước lên, người đàn ông nói với chúng tôi về viễn cảnh như đang trước mắt: 70 năm nữa, những cây lim bé nhỏ hôm nay sẽ cho doanh thu năm nghìn tỉ. Tôi nhẩm tính: ông ngoài sáu mươi, lao động như vậy, nếu sống hết cái vòng đời chật hẹp một trăm năm vẫn còn thiếu ba bốn mươi năm nữa? Trên gương mặt cương nghị ánh lên nghị lực của đợi chờ, của niềm tin.

Bán kính hàng chục km, không một quán nhỏ, không có bóng nhà. Ở đây không có bia, ở đây không trà đá. Ở đây không có sóng điện thoại di động, chỉ có sóng biển cồn cào phía núi đông. Những âm thanh nghìn năm mà không chán, không nhàm.

Người trồng rừng dường như không có quá khứ, không từng nhớ mình đã từng là giáo viên ở một trường học danh giá mà nhiều giáo viên khác thèm muốn, không từng nhớ mình từng là Đại biểu Quốc hội và hẳn cũng không còn nhớ lắm cái ngày đặt những bước chân quen đi đường nhựa, để bước những bước rơm rớm trên đá, trên gai, để đưa những nhát rựa mở lối cho đất lại hồi sinh, ở một nơi mà cả trại phong Quỳnh Lập cũng lùi xa.

Hỏi ông thích đọc sách gì, ông im lặng, sự im lặng của đá. Hỏi về những công việc khác, ông thản nhiên như không. Ông nói: những công việc khác, không có tôi, vẫn vậy. Nhưng những cây nơi rừng xước mà tôi trồng, muông thú nơi rừng xước mà tôi thả, không có tôi thì không biết sẽ đến đâu.

Chợt nhớ cách đây hàng chục năm, người viết bài này có nghe tin đồn có một người mua sáu chục cá thể hươu thả vào một khu rừng nào đó, không ai tin. Nhưng chuyện đã xa. Giờ hỏi ông về những con hươu, ông nói, với cái giọng tỉnh bơ: thỉnh thoảng vẫn gặp hươu trong khu rừng này, nhưng không biết có còn đủ. Có thể nhiều con đã đi đến những cánh rừng khác. Ở đâu cũng vậy, miễn là nó về với tự nhiên. Khi thả chúng ra, tôi không bao giờ nghĩ chúng còn thuộc về tôi. Hỏi ông nghĩ gì khi ông cùng những người khác trồng rừng trong khi nhiều người khác, kể cả quan chức, lại phá rừng, ông nói, cũng thản nhiên: tôi chẳng nghĩ gì cả, tôi rất ghét những kẻ phá rừng.

Chúng tôi ra nơi ghềnh đất phía đông. Biển mênh mông, xanh thẫm, những lá buồm xa xa hắt lên không gian một màu khó tả. Những con sóng đuổi nhau lăn tăn, khắc khoải. Bên kia là cảng biển Nghi Sơn của Thanh Hoá, một vầng khói vừa lên, lơ lửng.

Một trảng đất chừng vài trăm mét vuông, mấy tổ đa đa. Tổ chim hình tròn, đường kính chừng vài ba đề xi mét, những viên sỏi xinh được chồng lên nhau như kiểu con người xây thành. Không biết từ bao giờ chim mẹ đã đẻ trứng, hai quả trứng bằng trứng gà so, hoặc nhỉnh hơn, lấm tấm màu đất. Phía bên kia, lại một tổ, hai chú chim non đã ra đời, đang run rẩy, chú chim thứ ba đang loay hoay vươn cái mỏ non mềm ra khỏi vỏ, chim mẹ chắc đi kiếm mồi. Chúng tôi ngồi nhẫn nại theo dõi từng chuyển động của chiếc vỏ trứng, mới thấy được nhọc nhằn và kiên nhẫn của sinh sôi. Chim mẹ từ đâu về kêu xao xác. Xa xa mé thấp, mấy đứa trẻ đi nhặt củi khô, người trồng rừng không dấu nổi thoáng lo lắng cho số phận mấy tổ chim. Trên đường trở ra, mấy người đi vừa quan sát mặt sỏi để tránh làm hỏng những quả trứng trong những tổ đá giữa, hoặc bên đường. Trưa lặng, trong từng chùm xanh thẫm lá bất chợt vàng lên những khóm hoa, một vài cánh rụng bâng khuâng. Một vài chú ong vo ve đi tìm nhựa sống.

Những trảng đất được bạt bằng, nơi dự định mọc lên khu nhà doanh nghiệp trung tâm ngan ngác tổ chim. Chỗ tính toán làm cổng ra vào, bằng sức người và máy móc đã mọc sừng sững hai tảng đá, là hai ông hộ pháp, là tả thanh long hữu bạch hổ, là… tôi đang toan hỏi thì người đàn ông đã ra bên mép nước, đứng trầm ngâm như thể mọc lên từ đất. Hình như ở mép nước này, người đàn ông – cây đá – này đã sáng tác nên ca khúc của mây, của nước và cây.

Loanh quanh trong rừng với những đèo dốc quanh co với nỗi ngay ngáy lo xe cạn xăng, cuối cùng cũng đã về đến trụ sở doanh nghiệp trong nỗi lo lắng, trong sự tá hoả đi tìm của những người giúp việc.

Hơn một nghìn héc ta rừng, bốn trăm năm mươi héc ta lim, hàng trăm cây bầu gió. Bảy mươi năm sau, riêng chỗ lim ấy cho năm nghìn tỉ. Người trồng rừng thoáng tiếc thời gian, tự ví với chiếc xe đạp cọc cạch muốn thồ ngàn tấn. Không biết ngày ông ngã xuống, những cây gỗ quý mà ông trồng đã cây nào kịp lớn để bao bọc ông – chàng Tô Vũ Đông Hồi đã mười bảy năm vì sự sống của chúng mà hi sinh một đời sống đầy tiện nghi ở một thành phố đang lên. Với ông, điều đó hẳn không quan trọng. Dưới mái đầu điểm bạc hẳn đang xôn xao những dự định mới cho cái nơi con người biết làm ra sự sống bằng mọi sự nhẫn nại, bằng sự kết hợp chặt chẽ năng lượng của mình với năng lượng của tự nhiên.