Nguy cơ từ việc trồng sắn ồ ạt

Cây sắn vốn gắn bó với nông dân từ những ngày còn gian khó. Thuở nghèo đói, cơ hàn, chỉ cần mơ có được miếng sắn ăn lúc đói lòng. Bây giờ, sắn đã trở thành cây xoá đói giảm nghèo ở nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, do diện tích sắn phát triển quá nhanh, không theo quy hoạch khiến nhiều người lo ngại, nông dân sẽ phải trả giá đắt khi tiếp tục làm theo phong trào.

Phá rừng… trồng sắn

Giá nguyên liệu sắn tăng cao, từ 500 – 600 đồng /kg (năm 2006) lên 1.000 đồng /kg (năm 2007) và hiện nay là 1.500 đồng/kg, khiến người dân miền núi Phú Yên đổ xô trồng sắn. Nếu như trước đây, ở Phú Yên đã hình thành những vùng sắn “truyền thống” như Sơn Thành (Tây Hòa), Xuân Lãnh (Đồng Xuân) thì hiện nay, hầu như xã miền núi nào cũng thấy màu xanh của sắn. Theo bà con, với giá cả như hiện nay, mỗi hecta sắn cho lãi trên 10 triệu đồng.

Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2008, tỉnh Phú Yên đã trồng mới 3.270ha sắn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nếu trước năm 2006, toàn tỉnh mới có khoảng 9.400ha sắn thì nay con số này đã lên tới 13.200ha. Trong khi đó, quy hoạch vùng nguyên liệu sắn cho hai nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 chỉ có 9.500ha.

Tình trạng phát triển sắn quá mức còn phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu các cây trồng khác, nhất là cây mía, đặt các nhà máy đường vào nỗi lo thiếu nguyên liệu. Điều đáng nói là diện tích sắn được mở rộng không chỉ chuyển đổi từ đất của các cây trồng khác mà còn “lấn” sang đất rừng, dẫn đến tình trạng phá rừng làm rẫy trồng sắn có chiều hướng gia tăng.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, 3 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn tỉnh có 31 vụ phá rừng làm rẫy, tăng 26 vụ so cùng kỳ năm trước, làm thiệt hại hơn 25ha rừng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những trường hợp bị kiểm lâm phát hiện, lập biên bản, trên thực tế, diện tích rừng bị phá còn lớn hơn nhiều. Cây sắn đã chen chân đến tận rừng già, xâm lấn rừng cấm và ở cả những nơi có độ dốc lớn.

Tình hình phá rừng trồng sắn cũng diễn ra ồ ạt ở hai huyện Sa Thầy và Đắk Tô của tỉnh Kon Tum. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Sa Thầy, diện tích sắn đã vượt khá xa so với quy hoạch, lên đến 7.300ha, nhiều nhất tỉnh Kon Tum. Đất trồng sắn tăng lên bao nhiêu thì diện tích rừng giảm đi bấy nhiêu. Còn tại huyện Đắk Tô, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 15 vụ phá rừng làm rẫy (gần 20ha) trồng sắn.

Tại Đắk Lắk, mặc dù ngành chức năng không khuyến khích người dân phát triển sắn do cây trồng này làm giảm nhanh độ phì của đất nhưng diện tích sắn vẫn tăng chóng mặt. Toàn tỉnh hiện có 20.112ha sắn, chiếm 7% trong tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm, tăng 123% so với diện tích sắn năm 2003, vượt 13.040ha so với kế hoạch. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hiện tại trên địa bàn tỉnh có tới 4 nhà máy tinh bột sắn đang hoạt động và hiện mới chỉ đáp ứng chưa tới 50% tổng công suất.

Coi chừng “khủng hoảng thừa”!

Là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc và phân bón, chịu được hạn nên dường như sắn là lựa chọn của nhiều người dân, đặc biệt là ở Tây Nguyên, nơi có nguồn đất đỏ bazan vốn rất phù hợp với cây sắn. Chính vì dễ trồng và có lãi nên người dân mở rộng diện tích một cách tràn lan. Đặc biệt là khi nhiều nhà máy tinh bột sắn được xây dựng ở miền Trung, Tây Nguyên thì tình trạng phát triển cây sắn càng trở nên bức xúc.

Tính đến nay, khu vực Tây Nguyên đã có hơn 10 nhà máy tinh bột sắn đang hoạt động và nhiều nhà máy khác đang trong giai đoạn xúc tiến xây dựng, dẫn đến việc nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu trầm trọng. Hiện, các nhà máy trên địa bàn chỉ hoạt động khoảng 50% công suất.

Tuy nhiên, có một thực tế là càng trồng sắn càng làm xói mòn và suy kiệt chất dinh dưỡng trong đất. Ông Ma Phun ở buôn Dành B, xã Ea Bia (Sông Hinh – Phú Yên) cho biết: “Trước đây, 2ha sắn của tôi cho rất nhiều củ, nhưng nay năng suất giảm đáng kể vì rễ sắn hút hết chất trong đất”.

Dọc vùng đồi thuộc các huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên, hiện tượng sa mạc hóa diễn ra rất nhanh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phương thức canh tác “bóc lột” đất quá mức. Cây sắn đưa lên đồi còn làm bào mòn, rửa trôi lớp đất màu mỡ dưới tác động mạnh của mưa lũ.

Vấn đề cấp bách để tránh một cuộc “khủng hoảng thừa”, đồng thời giữ lại độ phì nhiêu cho đất là các địa phương cần phải có quy hoạch tổng thể và chi tiết về phát triển cây sắn. Nhà nước cần nghiên cứu tình hình tiêu thụ các sản phẩm từ sắn, trên cơ sở đó đưa ra quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng vùng, từng địa phương. Cần ngăn chặn nạn phá rừng trồng sắn đang phát triển tràn lan. Tăng cường phổ biến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và thu hoạch sắn, giúp nông dân nắm vững quy trình trồng sắn, đúng mùa vụ để bảo vệ đất, chống xói mòn, thoái hóa đất. Đưa các giống sắn mới năng suất cao, hàm lượng tinh bột lớn vào trồng. Cuối cùng là cần bố trí, xây dựng các nhà máy chế biến tinh bột sắn phù hợp với nguồn nguyên liệu, không nên đầu tư một cách ồ ạt.

Chúng ta đã phải trả giá rất nhiều từ sự phát triển theo phong trào. Đối với cây sắn, nếu không có những điều chỉnh kịp thời, rất có thể nông dân lại phải chịu học phí đắt cho một bài học không mới.