Nguyên tắc Xích đạo chưa được các ngân hàng châu Á chú ý

ThienNhien.Net – Kể từ tháng 01/2014, các thể chế tài chính tham gia Nguyên tắc Xích đạo (EP) – bộ nguyên tắc xác định, đánh giá và quản lý những rủi ro về môi trường và xã hội trong tài trợ dự án – sẽ áp dụng một khung nguyên tắc mới sau khi được chỉnh sửa, bổ sung. Tuy nhiên, mặc dù sự chỉnh sửa này là rất phù hợp với châu Á, các hoạt động thực thi lẽ ra phải được đẩy mạnh hơn, thì cho đến nay tác động của Bộ nguyên tắc này đáng tiếc vẫn còn hạn chế.

Bằng chứng là trong số 78 thể chế tài chính cam kết thực thi Nguyên tắc Xích đạo, mới chỉ có 5 thể chế của châu Á, bao gồm một thể chế ở Trung Quốc, một thể chế ở Ấn Độ và ba thể chế ở Nhật Bản.

Cũng trong số 78 thể chế trên, có rất nhiều thể chế tài chính hoạt động trên phạm vi toàn cầu và đang trực tiếp đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn tại châu Á. Song thực tế, các dự án này thường không đáp ứng những tiêu chuẩn chính được nêu trong Nguyên tắc Xích đạo.

Xung đột và chậm trễ trong quá trình triển khai dự án vì thế trở thành vấn đề phổ biến ở châu Á, đồng thời là một chủ đề đặc biệt nóng ở các quốc gia Mê Kông – nơi những rủi ro về môi trường và xã hội từ việc xây dựng đập thủy điện, mỏ khoáng sản hay các đường ống dẫn dầu khí thường xảy ra do sự yếu kém trong công tác quản lý.

Quá trình triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt Myanmar – Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối từ phía các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương (Ảnh: Ko Taik/The Myanmar Times)
Quá trình triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt Myanmar – Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối từ phía các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương (Ảnh: Ko Taik/The Myanmar Times)

Đa số các cuộc biểu tình phản đối dự án khai mỏ, xây đập hay xây đường ống dẫn dầu đều hướng vào chủ dự án hoặc bộ máy chính quyền bảo trợ cho dự án. Tuy nhiên hiện nay, bản thân ngân hàng và các nhà đầu tư khác cung cấp vốn cho dự án đã nhận thức được rằng họ không chỉ đang gánh trên vai những rủi ro ngày càng lớn về mặt tài chính, mà còn đang dần biến thành đối tượng chính bị chỉ trích nếu quy trình thẩm định và trách nhiệm giải trình không được cải thiện đáng kể.

Theo đó, Nguyên tắc Xích đạo nên được các thể chế tài chính quan tâm nhiều hơn để giúp họ có thể quản lý rủi ro, đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện tốt dự án.

Rõ ràng là áp lực đối với nhà đầu tư cũng đang trở thành nhân tố ngày một quan trọng thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) châu Á. Các giao dịch chứng khoán trên khắp châu lục này đang được điều chỉnh lại cho đúng hướng, những chỉ số phi tài chính bao gồm quản trị, môi trường và xã hội (ESG) của doanh nghiệp cũng được yêu cầu công khai. Cùng với đó, các danh mục đầu tư chú trọng đến chỉ số phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm (SRI) đang ngày càng tạo được sức hút. Cả hai sẽ là những chủ đề quan trọng tại Hội nghị CSR châu Á diễn ra vào tháng 9 tới.

Cũng như phần lớn các cam kết và các khung nguyên tắc tự nguyện khác, còn nhiều ý kiến quan ngại về tính thiếu chặt chẽ và linh hoạt của Bộ Nguyên tắc Xích đạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự quản lý của chính phủ còn thiếu hiệu quả, Bộ nguyên tắc này có thể là một điểm xuất phát và một sự tham chiếu giúp cải thiện việc triển khai các dự án. Đặc biệt, đối với các hoạt động phát triển dễ xảy ra xung đột như các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Mê Kông, việc cải thiện quy trình thẩm định và trách nhiệm giải trình của các nhà đầu tư có thể góp phần tạo nên những thay đổi cần có.

Nhìn nhận quyền con người, nhất là liên quan tới các quyền về đất đai, là vấn đề đặc biệt gây nhiều tranh cãi, vì thế, Nguyên tắc Xích đạo III (EP III) có hiệu lực từ tháng 01/2014 đã dành ưu tiên không nhỏ để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, những thay đổi trong EP III còn bao gồm bổ sung dự án liên quan tới các khoản vay và khoản vay bắc cầu của doanh nghiệp vào phạm vi Nguyên tắc Xích đạo (bên cạnh tài trợ dự án và tư vấn tài trợ dự án), đồng thời bổ sung thêm một số yêu cầu về báo cáo. EP III cũng nhất quán hơn với các Tiêu chuẩn thực thi mà IFC đã cập nhật, trong đó bổ sung thêm hoạt động thẩm định nội bộ về quyền con người và nhấn mạnh quá trình tham vấn theo nguyên tắc đồng thuận, tự do, báo trước và được cung cấp thông tin cũng như tham chiếu tới “Những nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Quyền con người, Thực thi Khung Bảo vệ, Tôn trọng và Đền bù của Liên Hợp quốc”. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cùng các vấn đề liên quan cũng được đề cập trong bản Nguyên tắc Xích đạo mới này.