Kết mây giữ rừng

Đỗ Xuân Cẩm nguyên là giảng viên trường Đại học Nông Lâm Huế. Vào thời điểm nghỉ hưu 2007, anh được Tổ chức tầm nhìn Thế giới mời làm tư vấn quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp bền vững cho dự án phát triển cộng đồng tại huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Vốn là giảng viên chuyên về cây rừng, Đỗ Xuân Cẩm là người am hiểu khá tường tận về vốn cây rừng của dải đất miền Trung khắc nghiệt; từng buồn phiền vì phải làm nhân chứng bất đắc dĩ về sự "suy vong" của nhiều loài thực vật có giá trị. Vì thế, khi bắt tay vào phục hồi rừng, anh muốn tạo ra cơ hội mới cứu vớt những loài cây đó. Mây nếp chính là loại cây đầu tiên anh quan tâm tới.

Xưa, mây rừng vốn là nguồn nguyên liệu quý giá cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu; từng được sử dụng trong việc xây dựng nhà ở nông thôn, làm chõng mây, ghế mây, nôi trẻ em… Nhưng con người mải mê khai thác, không hề nghĩ tới việc nuôi trồng, nên mây ngày một cạn kiệt. Mãi thời gian gần đây mới có nhiều dự án quan tâm tới việc phục hồi cây mây. Hà Tĩnh trở thành địa phương trồng nhiều mây giống nhất.

Có mặt trong nhiều cuộc hội thảo, nhìn cây mây được khôi phục, Đỗ Xuân Cẩm thấy vui mừng. Nhưng anh cảm thấy e ngại trước việc mây đang được trồng theo kiểu “gỗ vườn”, trong khi mây vốn là một loài cây đặc sản rừng. Do đặc điểm thân mềm, cây mây không vươn theo chiều cao mà dài ra theo chiều ngang, tựa vào cành nhánh cây khác hoặc có thể len lỏi qua từng khe đá. Cây mây rừng có kích cỡ khác nhau tùy loài, có loài có thân có thể to bằng cổ tay, dài hàng trăm mét .Việc khai thác mây vì thế rất khó khăn, đến mức trở thành tục ngữ “rút mây động rừng”.

Đỗ Xuân Cẩm tiếp cận mây theo cách “trả mây về rừng”. Nhưng thay vì trồng mây thành rừng, anh đã tư vấn cho dự án hướng dẫn người dân trồng mây thành vành đai bảo vệ rừng cho từng nhóm gia đình. Ý tưởng của anh lập tức được dự án chấp thuận. Thậm chí họ còn quyết định triển khai mô hình điểm ngay trong đầu năm 2008, thay vì nếu theo trình tự thì đây là công việc của năm 2009.

Thôn 1 xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) có 22 hộ người dân tộc Kor chuyên sống nhờ vào khai thác rừng tự nhiên. Từ đầu tháng 01/2008, 10 hộ đầu tiên của thôn đã tiến hành trồng cây mây nếp trên 3 ha rừng với chiều rộng 20 mét tính từ mép rừng vào. Hàng ngày các hộ cử 2 người đi tuần tra bảo vệ vành đai mây và cả khu vực rừng được giao quản lý. Đến kỳ chăm sóc, tỉa cây thì tất cả cùng đi làm. Nhìn cây mây sinh trưởng tốt, các hộ gia đình đều tin rằng chỉ 3 năm sau họ có thể thu hoạch gỗ mây, mà vẫn giữ được vành đai xanh mãi mãi. Vành đai này không chỉ là hàng rào chắc chắn cho khu rừng của họ, mà còn góp sức chống xói mòn sạt lở đất, cản trở dòng chảy mỗi khi bão lũ xảy ra.

Với các chuyên gia về đa dạng sinh học như Đỗ Xuân Cẩm, thì hàng rào mây nếp đó còn là “khu bảo tồn” gen quí giá, vì chỉ sau 5 năm mây bắt đầu cho quả giống. Mây nếp luôn cho giá trị kinh tế cao hơn hàng chục loài mây khác và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Với tư cách là “tư vấn quy hoạch”, tới đây anh sẽ có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện trồng mây nếp tại mô hình điểm thôn 1, xã Tiên Lập. Anh hy vọng mọi việc diễn ra tốt đẹp, tạo niềm tin cho dự án mở rộng vành đai mây bảo vệ rừng. Thậm chí người dân ngoài vùng dự án, khi nhìn thấy “đa lợi ích” từ mây, họ sẽ tự trồng mây trên các mép rừng của gia đình mình.