Thiên tai rồi sự cố dồn dập, tăng trưởng GDP Việt Nam khó chạm đích

ThienNhien.Net – “Chúng tôi không đưa ra mức dự báo cụ thể, nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó đạt được. Chính phủ đang cố gắng đạt mức 6,5% nhưng chúng tôi cho rằng, ngay cả con số này cũng khó”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nói.
300916-gdp
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê chính thức công bố ngày 29/9, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang thể hiện sự duy trì khá ổn định khi quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,40%).
Như vậy, mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm nay thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.

Hạn hán, xâm nhập mặn triền miên

Chia sẻ về nguyên nhân khiến GDP sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, những năm trước nông nghiệp đã “cứu giúp” cho nền kinh tế. Năm nay ngành này tăng trưởng chậm lại, chỉ chiếm 15% GDP.

“Trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây”, ông Lâm cho hay.

Ông Lâm cho hay: Trong 9 tháng năm nay, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mà đỉnh điểm là tháng Ba, tháng Tư và đầu tháng Năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân tại vùng bị thiên tai.
Đặc biệt, hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, xâm nhập mặn đã vào đến vùng lõi của Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương sau này.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chỉ tính từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 4/2016, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại trên 5.200 tỷ đồng; 390.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; 233.000 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại và gây ảnh hưởng trực tiếp đến 4.052 ha nuôi trồng thủy sản không thể vận hành sản xuất…

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng: “Đây là là những hiện tượng dai dẳng trong nhiều năm tới do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sông MeKong. Năm nay lũ ở đồng bằng Sông Cửu Long hầu như không có, nên việc tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt khu vực nông nghiệp rất quan trọng”.

Do vậy, theo ông Lâm, việc trồng cây gì, nuôi con gì thay cho những sản phẩm truyền thống ở đây cũng sẽ là bài toán cấp thiết đặt ra.

Sự cố Formosa

Thiên tai không phải là nỗi lo duy nhất của nền kinh tế Việt Nam. Vừa qua, sự cố môi trườngdo Formosa gây ra đã làm không biết bao người dân các tỉnh miền Trung điêu đứng.

Trả lời câu hỏi sự cố Formosa ảnh hưởng như thế nào tới GDP, ông Lâm cho hay: “Chúng tôi đã có những đánh giá về tác động của sự cố Formosa tại từng tỉnh chịu ảnh hưởng. Chủ yếu là tác động đến ngành thủy sản”.

Cụ thể, theo ông Lâm, sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng 4 tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng; ngư dân phải tạm dừng đánh bắt ở vùng ven bờ và vùng lộng nên sản lượng thủy sản khai thác của các địa phương giảm mạnh.

Cụ thể, sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng so với cùng kỳ năm trước của Hà Tĩnh giảm 3,66 nghìn tấn (giảm 14,4%); Quảng Bình giảm 6,0 nghìn tấn (giảm 13,4%); Quảng Trị giảm 4,8 nghìn tấn (giảm 27,1%); Thừa Thiên – Huế giảm 7,2 nghìn tấn (giảm 23,9%).

“Khai thác thủy sản 4 tỉnh này mặc dù không phải quá lớn song cũng có ảnh hưởng nhất định đến đời sống và tăng trưởng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ này cũng như toàn nền kinh tế”, ông Lâm cho hay.

Sự cố cá chết do Formosa còn làm tăng số lao động thất nghiệp cả nước trong 9 tháng đầu năm 2016 lên 40.000 người. Riêng tỉnh Hà Tĩnh có gần 25.000 người mất việc làm, nhất là lao động trong lĩnh vực đánh bắt và kinh doanh thủy sản, dịch vụ hậu cần, nuôi trồng, sản xuất muối.

Tổng cục Thống kê cho rằng, sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng 4 tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế – xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Hết thời mạnh vì dầu thô?

Theo báo cáo, ngành khai khoáng 9 tháng năm nay giảm tới 3,60%, làm giảm 0,28 điểm phần trăm, nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác giảm so với cùng kỳ năm trước; khai thác than gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do giá giảm.

Ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia cho rằng, bất chấp việc khai thác tài nguyên, khoáng sản đang gặp khó khăn, nền kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Điều đó có nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã không chỉ tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên như trước kia.

Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi liệu rằng tăng trưởng GDP cả năm 2016 có đạt mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 6,7%, ông Tuyến lại cho rằng: Tăng trưởng GDP có thể đạt thấp hơn mục tiêu đề ra. Còn thấp hơn bao nhiêu chủ yếu phụ thuộc vào ngành khai thác dầu thô.

“Sản lượng khai thác dầu thô bình quân 1 tháng được gần 1,3 triệu tấn. Nếu 3 tháng còn lại tiếp tục đà này, thì ngành này dù đóng góp âm, nhưng tỷ trọng đóng góp vẫn nhiều vào mức tăng trưởng cả năm”, ông Tuyến cho biết.

Mới đây, theo chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch. Việc có thêm 1 triệu tấn dầu sẽ mang lại cho ngân sách khoản thu khoảng 350 triệu USD. Số tiền thu về sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu tăng trưởng năm nay. Tuy nhiên, theo như quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, đạt được mục tiêu 6,7% năm nay là rất khó.

Bên lề cuộc họp báo khi được hỏi về khả năng liệu tăng trưởng kinh tế có cán đích mức 6,7% đặt ra hồi đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nói: “Chúng tôi không đưa ra mức dự báo cụ thể, nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó đạt được.

Chính phủ đang cố gắng đạt mức 6,5% nhưng chúng tôi cho rằng, ngay cả con số này cũng khó”, ông Lâm cho biết.

Mới đây, khi công bố báo cáo cập nhật kinh tế châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 xuống chỉ còn 6%, còn năm 2017 là 6,3%.