Kết luận chính thức: Không có thuốc “tăng phọt”

Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa công bố chính thức kết quả nghiên cứu hiệu lực kích thích sinh trưởng và xác định dư lượng một số chế phẩm kích sinh trưởng đang sử dụng trên rau hiện nay. Theo đó, hoàn toàn không có chuyện phun thuốc “tăng phọt” làm cho rau thu hoạch được chỉ sau 2 – 3 ngày.

Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã thành lập hội đồng khoa học nghiên cứu việc sử dụng chất kích thích sinh trưởng (KTST) sử dụng trên rau do TS.Bùi Sỹ Doanh – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật làm Chủ tịch Hội đồng đã tiến hành phun thuốc thử nghiệm trên rau cải, xà lách ở địa phương khác nhau là Hà Nội, Quảng Ngãi và TP.HCM trên diện tích 50m2 và phun nhắc lại 8 lần.

Các loại thuốc được dùng thử nghiệm là “tăng phọt” 920, GA3, An khang 20WT, Megafarm 20WT. Trước khi Cục Bảo vệ thực vật làm thí nghiệm TS. Nguyễn Văn Khải đã từng làm một thí nghiệm về việc sử dụng thuốc kích thích trên rau tại Hà Tây với kết quả là rau lớn nhanh như thổi, điều này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi dai dẳng suốt mấy tháng qua.

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, có 8 loại thuốc điều hòa sinh trưởng được nông dân sử dụng, trong đó thuốc có trong danh mục là 7 loại. Trong 7 loại này có tới 6 loại thuốc thuộc nhóm TST, có 3 loại thuốc chứa GA3 là: Vimogreen 1,43 (56,4%), Lục diệp tố 1 lỏng (10,9%), Kích phát tố lá, hạt Thiên nông GA (3,6%). Riêng 1 loại thuốc KTST cây trồng ngoài danh mục mà nông dân sử dụng vẫn chưa rõ thành phần và hàm lượng hoạt chất.

Số lần thuốc KTST được nông dân sử dụng là 1 – 2 lần /lứa rau. Thuốc điều hoà sinh trưởng được dùng cho nhiều loại rau: Rau gia vị, rau ngót, xà lách, rau cải cúc, cải bắp; dưa chuột, cà chua, đậu, bầu bí và rau muống. Sau khi sử dụng thuốc, đã cho thấy sự thay đổi chiều cao cây và màu sắc lá. Chỉ sau 3 ngày, chiều cao cây xà lách chỉ tăng từ 6,0 – 13%, sau 7 ngày tăng 18,8 – 39,3% và sau 10 ngày tăng từ 14,3 – 36,6% so với cây đối chứng. Điều này phù hợp với bản chất của GA3 tác động đến khả năng kích thích ra hoa kéo dài cuống hoa, khiến cây xà lách ra hoa đồng loạt.

Ngoài ra, đường kính tán cây cũng có sự thay đổi. Trong khi đó, về chất lượng, rau xà lách phun thuốc TST có các chỉ tiêu về tỷ lệ vật chất khô, hàm lượng via min C, hàm lượng diệp lục giảm so với cây đối chứng. Ở cây cải, khi sử dụng thuốc KTST cũng chỉ có biểu hiện khác về chiều cao, còn màu sắc, biểu hiện ngộ độc đều bình thường.

Trao đổi với Báo chí, TS. Bùi Sỹ Doanh khẳng định: “Kết quả mà chúng tôi công bố là kết quả chính thức và cuối cùng. Tôi khẳng định không có chuyện phun thuốc kích thích 2 – 3 ngày đã thu hoạch được ra hoặc cây rau tăng trưởng gấp 3 – 4 lầ so với cây rau đối chứng không phu thuốc”. TS. Doanh cũng cho rằng, việc thử nghiệm ở 3 địa phương trên là đủ để đại diện cho 3 khu vực có nhiệt độ, độ ẩm, khí hậu khác nhau.