Bình Định: Người dân “đình chỉ” một tổng kho ô nhiễm

Sáng 05/06, cổng chính kho lạnh (tên cũ) của Công ty cổ phần (CP) xuất nhập khẩu Bình Định bị phong toả chặt bởi một rào chắn gồm xe đạp, xe máy và gần 50 người là đại diện các nhóm dân cư khu vực 2, 4 phường Nguyễn Văn Cừ, TP.Quy Nhơn. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, các phương tiện vận tải ra vào kho phải án binh bất động trước những luồng mắt đỏ kè, giận dữ sau một đêm mất ngủ. Vụ việc chỉ tạm lắng nhờ cuộc "đối chất" kéo dài 3 bên tại văn phòng UBND phường.

“Quà tặng” Ngày Môi trường thế giới

20 giờ ngày 04/06, từ tổ 19, khu vực 2 Nguyễn Văn Cừ, TS Nguyễn Ngọc Quang, cán bộ Đại học Quy Nhơn gọi vào máy tòa soạn báo, than thở: “Chúng tôi chết mất. Người ta… đầu độc suốt tuyến đường Nguyễn Thị Định này”. Gặp lại sáng 05/06, TS Quang phờ phạc và phẫn uất: “Một kiểu kinh doanh thiếu lương tâm. Họ đã xem chúng tôi như súc vật, sống chết mặc bay”.

Ông Quang nói không phải đến giờ, bụi bẩn và côn trùng độc hại mới phủ lên cuộc sống thường nhật của người dân. Tổ trưởng tổ 19 Lê Quý Đôn tiếp mạch tố khổ bằng một hình ảnh khác: “Các phương tiện cơ giới gầm gào từ tối đến sáng. Họ huy động xe cẩu hạng nặng, bốc mỗi đợt hàng mét khối sắn lát đầy mùn bụi, mối mọt lên xe. Mỗi lần cần cẩu nhả hàng, chúng tôi phải nhắm mắt chịu trận sức công phá của một trái… bom bụi”.

Tổ trưởng Đôn cũng như ông Quang đều kể gia đình mình phải đóng cửa phòng ngủ để cố nuốt trôi “một bữa ăn lạo xạo độn cơm với cát bụi”. Đấy là chưa kể cảm giác ngứa ngáy, buốt xót hành hạ tận chân tơ kẽ tóc.

“Ăn, ngủ, giặt giũ, phơi phóng, mọi sinh hoạt đều bị bụi bặm… điều khiển, khống chế. Tôi đâu muốn bỏ công bỏ việc phơi mặt ra đây, nhưng tệ trạng này giằng dai suốt hai – ba năm rồi, cửa nào cũng gõ rồi – phường có, thành phố có, tiếp xúc cử tri có. Không dứt khoát, không xong”, cụ Trịnh Minh Chưa, 80 tuổi, người túc trực từ sáng sớm trước cổng kho lạnh, nói như muốn phân bua. Cụ Chưa nói, công việc mỗi sáng của mình là thanh toán hàng đống mọt sắn vương vãi khắp nhà và lớp bụi bẩn dày không dưới 1cm!

Tất cả sự chỉ trích gay gắt trên đều nhằm vào lô hàng 1.000 tấn sắn lát lưu bãi và trung chuyển qua hệ thống kho chứa do Công ty CP xuất nhập khẩu Bình Định làm chủ. Và đấy mới chỉ là một hiểm họa bên cạnh nguy cơ nhiễm xạ titan, cạnh cung cách vận hành của đoàn xe “không xem ai ra gì” đến rồi đi mỗi ngày qua khu kho lạnh. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Cừ – Nguyễn Khắc Minh: “Hôm qua, 04/06, tôi thử bám đuôi vài chuyến xe. Thật kỳ lạ, xe nào cũng “trần truồng”, không mảnh bạt che chắn. Chúng cứ vô tư vãi bụi từ kho cho đến cảng”!

 
Bên trong kho lạnh.

Dân giám sát nếu Doanh nghiệp có dấu hiệu bội tín

“Dù sao, tôi cũng cảm ơn người dân khu vực 2, khu vực 4. Nhờ họ mà Đảng ủy, chính quyền phường mới có cơ hội được tiếp cận lãnh đạo doanh nghiệp” – Chủ tịch phường Nguyễn Khắc Minh hướng câu bình luận chua chát về phía Phó Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Bình Định – Lê Đức Tân khi mở đầu cuộc đối thoại ba bên. Liệt kê những nỗ lực đơn phương nhằm liên kết trách nhiệm chủ kho với vấn nạn môi trường và sức khỏe cộng đồng cư dân sở tại, ông Minh lắc đầu thú nhận rằng xưa nay, hễ ra quân là… thất bại.

Nói có sách, mách có chứng, Chủ tịch Minh đứng lên đọc một mạch toàn văn hai biên bản lập ngày 28/05 và ngày 04/06, trong đó ngoài việc ghi nhận thực tế hiện trường (sắn lát đổ tràn ra ngoài, titan rơi vãi khắp nơi), còn có nội dung lưu ý doanh nghiệp về thời hạn xuất trình hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động của kho chứa (bao gồm cả văn bản cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường).

Thế nhưng, quá giờ G, ngày 30/05, Công ty CP xuất nhập khẩu Bình Định vẫn án binh bất động. Ý kiến trên được chuyên viên Phòng Tài nguyên – Môi trường TP.Quy Nhơn, cũng tên Nguyễn Khắc Minh phụ hoạ: “Chúng tôi tổ chức kiểm tra nhiều lần. Lần nào cũng chỉ “được phép” tiếp xúc với những người không có trách nhiệm. Do vậy, không ai giải đáp được thắc mắc từ cơ quan chức năng, chẳng hạn, với mặt hàng titan vung vãi khắp kho bãi, chúng có nguồn gốc từ đâu, do ai ký gửi?”.

Ông Minh cho biết, không chỉ thành phố, ngay cả Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Định cũng đang… bế tắc. “Đó là lý do hình thành một đề xuất lên UBND tỉnh về việc tồn tại của khu kho “ngoại hạng” này” – ông Minh kết luận.

Tại cuộc tiếp xúc, Phó Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Bình Định Lê Đức Tân thừa nhận có sai sót dẫn tới phản ứng gay gắt của người dân. Ông Tân hứa áp dụng các biện pháp thích ứng để đảm bảo việc vận chuyển 300 tấn sắn lát còn lại theo cách thức “chấp nhận được về mặt môi trường”, đồng thời cam kết chấm dứt bao chứa titan trước ngày 30/06. Chủ tịch phường Nguyễn Khắc Minh cho biết sẽ cử công an, du kích cùng đại diện dân phố giám sát “trên từng cây số” nếu doanh nghiệp có dấu hiệu bội tín.