Hà Nam: Dân kêu khổ vì ô nhiễm từ công ty nấu, tái chế sắt

Hà Nam – Hơn chục năm qua, người dân ở xóm Ba Hàng, xã Tiêu Động (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp vì không chịu nổi ô nhiễm môi trường phát ra từ quá trình hoạt động của Công ty TNHH Việt Đức.

Khói phát ra từ hoạt động đốt lò, nấu sắt phế liệu của Công ty TNHH Việt Đức tại xóm Ba Hàng, xã Tiêu Động, tỉnh Hà Nam). (Ảnh: NDCC)

Vừa qua, phản ánh đến Báo Lao Động, đại diện nhân dân, cử tri xóm Ba Hàng, xã Tiêu Động (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) tỏ ra vô cùng bức xúc khi cho biết, hơn chục năm qua, cuộc sống, sinh hoạt của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm từ hoạt động của Công ty TNHH Việt Đức đóng trên địa bàn.

Đơn phản ánh của người dân. (Ảnh: Báo Lao động)

“Công ty Việt Đức chuyên nấu, tái chế sắt phế liệu thành phôi và cán thép thành phẩm hoạt động suốt ngày đêm, gây ô nhiễm nghiêm trọng tại nơi chúng tôi sinh sống. Mỗi khi nhà máy của công ty đốt lò gây khói, bụi, mùi khét đến ngạt thở; muội từ nhà máy ám đen mái nhà chúng tôi, gây ô nhiễm nguồn nước mưa mà chúng tôi vẫn dùng để ăn uống”, đơn thư do tập thể người dân xóm Ba Hàng cùng ký tên nêu.

Vẫn theo người dân, bên cạnh khói bụi, mùi khét, tiếng ồn của nhà máy, của máy xúc; tiếng nổ của các loại vật liệu nổ lẫn trong phế liệu… cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, bữa ăn giấc ngủ của nhân dân nói chung, việc học hành của hàng nghìn học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến gần nhà máy nói riêng.

Vị trí đặt nhà máy, đồng thời là trụ sở Công ty TNHH Việt Đức. (Ảnh chụp từ Google Map)

Công ty TNHH Việt Đức. (Ảnh: T.D)

Anh H (một người dân sinh sống gần nhà máy của Công ty TNHH Việt Đức), cho biết: “Từ khi Công ty Việt Đức đi vào hoạt động cho đến nay, sức khỏe của người dân chúng tôi dần đi xuống. Trẻ em dễ bị ho, viêm phổi, hen phế quản,… Rác thải của nhà máy người ta đem đổ ngay cạnh đường gây ô nhiễm nặng nề”.

“Đẩy mạnh kinh doanh sản xuất là đáng khuyến, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nhưng việc tái chế sắt phế liệu như Công ty Việt Đức đã đang hủy hoại môi trường do khí thải, hóa chất gây ra. Môi trường vốn trong lành là thế nhưng nay đã bị ảnh hưởng nặng nề, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên xã, huyện nhưng tình trạng này đâu lại vào đó”, anh H nói tiếp.

Từ phản ánh trên, ngày 7.12, PV Lao Động đã trực tiếp về khu vực đặt nhà máy của Công ty TNHH Việt Đức tại xóm Ba Hàng, xã Tiêu Động (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) để ghi nhận, xác minh sự việc.

Theo quan sát, nhà máy rộng hàng nghìn m2 nằm trên mặt đường Tỉnh lộ 497 (DT.974 cũ), gần khu dân cư 2 bên đường và Trường THPT Nguyễn Khuyến. Tại thời điểm ghi nhận, lò đốt phía trong nhà máy này đang không hoạt động, chỉ có công nhân, người lao động đang phân loại, sắp xếp sắt phế liệu và sắt, cán thép thành phẩm.

Mặc dù theo phản ánh nhà máy có 6 lò đốt để nấu sắt nhưng doanh nghiệp không hề lắp đặt, xây dựng ống khói tập trung để hút khói lên cao. Cơ sở vật chất, mái tôn, các kết cấu, khung thép bên trong nhà máy đã rất cũ kỹ, ám đen.

Trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Tiêu Động (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) về đơn thư của người dân, PV nhận được câu trả lời: “Cái này nhân dân đã có nhiều phản ánh lên xã, lên cả huyện rồi. Công an tỉnh, công an huyện rồi bên môi trường cũng về làm việc hết rồi nhưng không phải lúc nào cũng nấu, không phải lúc nào cũng gây ô nhiễm. Có khi hôm nay rộ lên khói, ô nhiễm nhưng cả tháng sau đó thì lại không thấy gì nữa”.

Công ty TNHH Việt Đức từng bị thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam ra quyết định xử phạt. (Ảnh: Báo Lao động)

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Việt Đức được cấp phép hoạt động từ năm 2003, do ông Trần Hữu Lập – là người dân tại địa phương làm chủ.

Trước đó, năm 2013, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Việt Đức về hành vi “không thực hiện nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận”.

Trả lời PV Lao Động về sự việc, ông Trần Hữu Lập – Giám đốc Công ty TNHH Việt Đức, nói: “Hơn 1 tuần nay tôi có làm nữa đâu, tôi đang thu xếp từ giờ đến cuối năm nay nghỉ, không làm nữa. Việc người ta phản ánh thì kệ người ta thôi, công ty tôi năm nào cũng 2 lần làm quan trắc môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường rồi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng xuống kiểm tra thường xuyên”.