Rừng ngập mặn Cà Mau: Chuông buồn ngân đến bao giờ? (kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Cà Mau, Bạc Liêu chính thức thông qua quy hoạch 3 loại rừng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, sự thay đổi quy hoạch này làm cho trên 30.000 ha rừng “bốc hơi”. Cà Mau cũng đang chuyển dần chủ sở hữu rừng từ doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty. Theo đó đến năm 2010, toàn bộ rừng trồng của Cà Mau sẽ tư nhân hóa.

Kỳ 1: Rưng rưng những cánh rừng tàn

Kỳ 2: Nhọc nhằn cuộc mưu sinh

Kỳ cuối: Quy hoạch, quản lý rừng: Những dự báo buồn

 Quy hoạch… mất đất rừng

Năm 1975 diện tích rừng của Minh Hải (gồm cả Bạc Liêu và Cà Mau) trên 230.000 ha; đến năm 1995, diện tích này còn lại 200.000 ha. Khi tái lập tỉnh Bạc Liêu, diện tích rừng của Cà Mau còn lại trên 180.000 ha. Cho đến nay con số chính thức được công nhận diện tích đất lâm phần của Cà Mau là 108.000 ha. Gần đây Cà Mau quy hoạch lại 3 loại rừng, và theo lần quy hoạch này diện tích rừng đã giảm trên 30.000 ha so với trước quy hoạch.(diện tích rừng sản xuất giảm đi nhiều, còn diện tích rừng phòng hộ có tăng song không đáng kế).
 
Lý giải về việc “mất  trên 30.000 ha” này, Sở NN&PTNT giải thích: trước khi rà soát quy hoạch rừng, diện tích đất lâm nghiệp được tính bao gồm cả diện tích đất kênh bờ của các hộ sản xuất nông lâm kết hợp, nay quy hoạch này loại ra số diện tích này. Một lý do khác được đưa ra là do: các đơn vị rừng đước chuyển mục đích để xây dựng trụ sở làm việc, các khu dân cư, khu hành chính với tổng diện tích trên 223 ha; khu vực rừng tràm chuyển đổi làm khu dân cư, đường ống dẫn khí khu Khí – Điện – Đạm Cà Mau với diện tích 66 ha; diện tích bị xoáy lở 318 ha… Tuy nhiên, theo khảo sát của nhóm phóng viên chúng tôi, tại khu vực rừng đước, được xem là rừng sản xuất thuộc các huyện Ngọc Hiển, Phú Tân, Năm Căn hầu hết được giao khoán cho người dân. Tại đây người dân làm bờ bao để bảo vệ mặt nước, mỗi người là một ô vuông riêng. Chính vì vậy không thể tách diện tích bờ bao ra khỏi rừng được. Một số người dân cho biết, họ nhận khoán đất rừng với tỷ lệ sử dụng đất là 3/7; 4/6 hoặc 5/5 chính vì vậy đã trừ phần đất sản xuất nông lâm ngư kết hợp ra rồi.

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, diện tích sau khi quy hoạch lại 3 lọai rừng của tỉnh còn lại 6.338 ha, mất 1.726 ha. Lý do “mất” vì UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 trước đó, cho phép chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng từ đê biển trở vào đất liền NTTS. Tại Sóc Trăng, sau khi quy hoạch lại 3 loại rừng, diện tích RNM cũng giảm đi trên 3.000 ha so với trước khi quy hoạch.

Chắc chắn những nhà quy hoạch có bước chuẩn bị và luận cứ khoa học của mình trước khi đưa ra con số cụ thể trồng và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thật khó chấp nhận được khi mà mỗi lần quy hoạch diện tích rừng lại mất đi. Thời gian càng về gần thì rừng càng ít, nhất là RNM. Và không rõ, đến lần quy hoạch thứ bao nhiêu thì rừng sẽ còn là con số không?

Quản lý rừng theo cách nào

Theo lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đến năm 2010 tất cả các doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa. Doanh nghiệp lâm nghiệp cũng không ngoại lệ. Để chuẩn bị cho bước “chuyển mình” này, Cà Mau đã tách ghép hàng loạt Lâm ngư trường trở thành Cty lâm nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp. Ông Ngô Chí Dũng, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: “Theo lộ trình, ngoài các khu bảo tồn quốc gia, vườn quốc gia Cà Mau sẽ còn lại hai công ty lâm nghiệp chính. Đó là Cty lâm nghiệp Ngọc Hiển (đại diện cho RNM) và Cty Lâm nghiệp U Minh (đại diện cho rừng ngập lợ). Hai Cty này hoạt động theo luật doanh nghiệp và sẽ được cổ phần hóa sau năm 2010”. Ông Dũng lý giải: hiện nay giá trị cây tràm, cây đước rất thấp, nên khi thành lập Cty sẽ phải tính toán đến đầu ra cho sản phẩm cây tràm, cây đước. Được biết, cho đến nay Cà Mau đã có đến 5 dự án thu mua nguyên liệu cây tràm, cây đước để sản xuất, chế biến gỗ, làm giấy…

Đã là doanh nghiệp thì kinh doanh theo luật doanh nghiệp. Đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, hiện tài sản “đất rừng” tại Cà Mau hầu hết là của người dân quản lý, nhiều người đã được cấp sổ chủ quyền hợp pháp. Chính vì vậy họ góp vốn với Cty theo cách nào cho đến bây giờ địa phương này cũng chưa biét cụ thể. Ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc Cty Lâm nghiệp 184, huyện Ngọc Hiển đang quản lý 6.400 ha đất lâm phần nhưng có đến 6.200 ha là đất của người dân, tỏ ra lo lắng: “ Về danh nghĩa, chúng tôi quản lý rừng, nhưng quản lý về mặt nhà nước, nay trở thành Cty thì khó mà quản lý được. Đất là của dân, nếu có phá rừng, chúng tôi cũng chỉ báo cáo với UBND xã, kiểm lâm chớ không thể xử lý được”. Theo ông Vũ, cần phải có lộ trình trong việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp lâm nghiệp, bởi khi người nông dân trở thanh công nhân của Cty nhưng tất cả từ tập quán sản xuất, cách nghỉ, cách làm, cách ứng xử đều còn nguyên nông dân sẽ rất khó khăn.

RNM ven biển vẫn còn đó, rừng sản xuất đang thu hẹp, các tỉnh có rừng đang ra sức kêu gọi các nhà đầu tư khai thác chế biến gỗ. trong khi người dân sống dưới tán rừng (kể cả đước và tràm) đều khó khăn. Chưa ai dự đoán được điều gì khi những người nông dân trở thành công nhân của Cty cổ phần lâm nghiệp. Nhưng có một điều chắc chắn là diện tích rừng đang vơi dần theo năm tháng. Một giải pháp cho rừng ngập mặn phát triển ngay bây giờ vẫn chưa muộn.