Bảo tồn thiên nhiên để hạn chế suy thoái đa dạng sinh học

Trước sự tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn và sụt lở đất làm cho sự suy thoái đa dạng sinh học ở nước ta ngày càng gia tăng, các Bộ, ngành chức năng và các địa phương đã và đang tập trung thực hiện Chiến lược Quản lý hệ thống Khu bảo tồn thiên nhiên đến năm 2010 của Chính phủ, trong đó tăng tỷ lệ diện tích có rừng được coi là giải pháp hữu hiệu nhất.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nước ta đã thành lập 126 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích lên tới 2,5 triệu ha, chiếm 7,6% diện tích tự nhiên và hầu hết tập trung trên đất liền, trong đó có 28 vườn quốc gia chiếm trên 1 triệu ha đất.

Kể từ năm 2003 đến nay, vốn đầu tư cho bảo vệ đa dạng sinh học ngày càng tăng về tổng kinh phí cũng như đa dạng các nguồn vốn. Riêng nguồn ODA dành cho đa dạng sinh học liên tục tăng, từ mức dưới 10 triệu USD/năm lên tới trên 20 triệu USD/năm.

Đặc biệt, kinh phí từ ngân sách Nhà nước cũng đã được tăng cường từ nguồn chi thường xuyên cho công tác quản lý đa dạng sinh học, đến nguồn đầu tư thông qua các dự án đầu tư trọng điểm như Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình 135 và các chương trình quốc gia khác. Chỉ tính riêng năm 2004, kinh phí từ nguồn đầu tư cơ bản đạt 48,02 triệu USD (tổng chi chung của cả nước là 3.760 triệu USD); từ nguồn chi thường xuyên là 1,05 triệu USD (tổng chi chung của cả nước là 7.506 triệu USA).

Nhờ đó, đến nay diện tích những cánh rừng tự nhiên trong các khu bảo tồn, các vườn quốc gia của Việt Nam được các tổ chức môi trường quốc tế đánh giá đạt chất lượng, yêu cầu cần thiết để duy trì sự đa dạng sinh học hiện có, nhiều khu đã được công nhận là di sản tự nhiên của thế giới, là khu dự trữ sinh quyển quốc tế và là di sản tự nhiên của ASEAN. Chưa kể 2 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập, và 15 khu bảo tồn biển đang trình Chính phủ phê duyệt.

Nhằm nâng cao chất lượng rừng, từ năm 1996 Nhà nước đã ban hành chính sách đóng cửa rừng và ngừng việc khai thác rừng tự nhiên. Cộng với Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (giai đoạn 1998-2010) hiện đã nâng mức che phủ của rừng của cả nước từ 27,2% lên khoảng trên 40%. Bước đầu, có 2 tỉnh là Ninh Bình và Thái Bình thực hiện phục hồi lại hàng nghìn ha rừng ngập mặn.

Giáo sư Võ Quý cho rằng: “Mặc dù Việt Nam là một trong những nước có mức độ đa dạng sinh học cao, chiếm 6,5% số loài trên thế giới, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học với mức độ cao nếu như không thúc đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ và trồng rừng (bình quân mỗi năm có khoảng 12.000 ha bị cháy và 5.000 ha rừng bị chặt phá). Vì các loài sinh vật chỉ có thể chống đỡ được với những biến đổi về môi trường khi sinh sống trong một hệ sinh thái ổn định bền vững”.