Ngày Môi trường Thế giới 2008: Từ bỏ thói quen thải Carbon

Giảm nhẹ biến đổi khí hậu, xoá nghèo, thúc đẩy kinh tế và phát triển, tất cả đều đòi hỏi chung một giải pháp: Chúng ta phải từ bỏ thói quen thải carbon. Đây chính là chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới 2008: ”Từ bỏ thói quen: hướng tới một nền kinh tế ít Carbon”.

Trong thông điệp dành cho Ngày Môi trường Thế giới 2008, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban-Ki-Moon đã nhấn mạnh, sự phụ thuộc của chúng ta ngày càng lớn vào nguồn năng lượng có nguồn gốc carbon đã tạo ra một lượng tích luỹ khí nhà kính đáng kể trong bầu khí quyển. Thế giới của chúng ta đang bị kìm kẹp bởi một thói quen carbon nguy hiểm. Tất cả mọi người sẽ phải chịu tổn thất và người nghèo sẽ là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ các thảm hoạ có liên quan đến thời tiết cùng sự lạm phát giá cả đối với lương thực.

Đốn rừng, trồng rừng để lấy đất chăn nuôi hay trồng những loại cây thu lời, lấy than củi, những thói quen đó đã không chỉ làm tăng một lượng lớn CO2 phát thải mà còn phá huỷ một nguồn tài nguyên quý giá có khả năng hấp thụ carbon khí quyển, tiếp tục góp phần vào biến đổi khí hậu. Kết quả là tất cả mọi người đều phải chịu tổn thất. Trong khi người nghèo sẽ gánh chịu hậu quả nặng nhất từ các thảm họa liên quan đến thời tiết và sự lạm phát giá đối với lương thực, thì những nước giàu nhất phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái kinh tế và một thế giới đầy xung đột liên quan đến những nguồn tài nguyên đang cạn kiệt.

Đối phó với tình hình trên, một loạt các chương trình hành động thiết thực đã được thực hiện. Đó là việc định ra lộ trình cắt giảm khí carbon, và hai mục tiêu chính là giảm mạnh sự sử dụng không hiệu quả các loại nhiên liệu hoá thạch, đồng thời tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Cơ chế Phát triển Sạch của Nghị định thư Kyoto năm 2006 đã huy động được 6 tỷ USD cho các dự án dầu tư vào năng lượng tái tạo.Ý tưởng về việc sử dụng năng lượng mặt trời đã được đưa vào thực tế. Cho đến nay, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc UNEP, kết hợp với 2 ngân hàng Ấn Độ, đã xây dựng một thị trường tín dụng đưa năng lượng mặt trời đến 100,000 người ở tiểu lục địa.

Đối với Việt Nam, sự biến đổi khí hậu đang dần có những tác động mạnh mẽ. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 1 thập kỷ, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam tăng 0,1 độ C. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mực nước dự kiến sẽ tăng khoảng 33cm đến năm 2050 và 1m đến năm 2100. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân tại khu vực này.

Nếu mực nước biển dâng cao 1m thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với điều gì? Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP, về kinh tế, tổn thất GDP sẽ là 17 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó, 12,2% đất canh tác sẽ mất, 1/5 dân số sẽ mất nhà cửa, thế mạnh xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí khó đảm bảo an ninh lương thực ngay trong chính quốc gia, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng lớn.

Hãy thay đổi thói quen thải carbon. Thực vậy, hầu hết các gia đình và doanh nghiệp đều có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng 10%, tức là giảm được 10% lượng phát khí thải nhà kính. Kế hoạch giảm thiểu carbon trước hết sẽ tập trung vào cách thức sử dụng năng lượng, ví dụ tiết kiệm điện năng cho nhà cửa, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm nhiên liệu bằng việc tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Việc tắt bớt đèn, động cơ, máy tính không sử dụng có thể giảm đáng kể năng lượng lãng phí và cả tiền bạc. Trong khi đó, trên thế giới, ngành giao thông vận tải chiếm đến 25% lượng năng lượng tiêu thụ và khí nhà kính, chủ yếu là từ đốt dầu và diesel. Chúng ta có thể từ bỏ thói quen thải carbon bằng việc sử dụng các động cơ hỗn hợp (dùng cả điện năng lẫn nhiên liệu). Những nhiên liệu thay thế bao gồm khí thiên nhiên nén (CNG), khí dầu hoá lỏng (LPG), khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) và nhiên liệu sinh học.

Theo ước tính của các nhà khoa học, một chuyến đi 2 ngày để đến dự một cuộc họp cách bạn 1000km có thể tốn kém đến 2000 USD cho một người (tính cả chi phí ăn nghỉ), trong khi đó nếu tiến hành họp trực tuyến thì chi phí là 200 USD. Như vậy, ta tiết kiệm được 1800 USD và khoảng nửa tấn carbon.

Việc giao tiếp truyền thông qua mạng đang dần được nhiều người quan tâm. Cuộc họp giao ban trực tuyến của Chính phủ sáng 27/04/2008 mới đây đã được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ bởi ai cũng thấy rõ tính tiện ích, hiệu quả, tiết kiệm của hình thức giao ban chỉ đạo này.

Đất nước ta dài trên 3.000 cây số, để triệu tập được cuộc họp giao ban lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước như thường lệ thì chi phí đi lại, ăn ở cho một lãnh đạo, một lái xe và 1 xe của địa phương đã tốn kém tiền triệu. Cộng lại, một cuộc họp như thế tốn một số tiền không nhỏ. Nhưng nếu họp tại 6 cụm với những địa điểm như: miền Trung thì đến Đà Nẵng, miền Tây Nam Bộ thì đến Cần Thơ, khu mực miền Đông thì đến Vũng Tàu hay TP.HCM, miền Bắc ở Hà Nội … thì rõ ràng khoảng cách đi lại chỉ bằng 1/4 hay 1/5. Như vậy hình thức họp giao ban trực tuyến đã tiết kiệm hàng tỷ đồng cho một lần hội nghị và cũng là một hành động thiết thực cho việc từ bỏ thói quen thải khí carbon.

Gần đây, UNDP vừa đưa ra một giải pháp với thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đó là việc tận dụng biến đổi khí hậu như một cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội. Theo một báo cáo, giá trung bình cho tín dụng carbon là 15 USD mỗi tấn, với mức dao động là 5-50 USD mỗi tấn. Để mua bán tín dụng, các cá nhân hoặc tổ chức sẽ trả tiền cho công ty bù đắp để tiến hành và quản lý các dự án mà có khả năng tránh, giảm hoặc hấp thụ khí nhà kính.

Như chúng ta biết, khí metan là khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kính cao hơn cả CO2, vì vậy lượng bù đắp chất lượng cao nhất là từ việc đốt khí metan ở các bãi rác. Green Gas International (www.greengas.net) là một công ty chuyên tạo ra tín dụng carbon bằng việc chuyển hoá khí thải thành năng lượng sạch thông qua việc hợp tác với các mỏ, bãi rác và nhà sản xuất biogas. Cũng theo báo cáo của UNDP, lợi ích toàn cầu của những dự án như vậy là 125 MW điện, tiết kiệm 4 triệu tấn CO2.

Việc thiết lập được một quỹ riêng cũng cần thiết nhằm hỗ trợ cho những hoạt động thiết thực thích nghi với biến đổi khí hậu như đẩy mạnh việc nghiên cứu, dự báo các hiện tượng bất thường của thời tiết, hỗ trợ nhân dân các vùng gặp thiên tai, bão lụt và khắc phục hậu quả, đồng thời cảnh báo, tiến hành các hoạt động ngăn ngừa những biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho người dân.

Cuối cùng, với bất kỳ giải pháp nào được đưa ra, nhận thức và sự thay đổi hành vi ở cấp độ cá nhân và tập thể vẫn luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Như cách tiếp cận 3R-giảm, tái sử dụng và tái chế-vào lối suy nghĩ của mỗi người dân đã được đẩy mạnh trong chiến dịch 3R từng được phát động tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Ví như theo một tính toán của các nhà khoa học, việc sử dụng giấy tái chế có thể giúp tiết kiệm 1,4 tấn CO2 cho mỗi tấn giấy và bìa các tông.

Có thể nói, nếu năm ngoái Ngày Môi trường Thế giới đã sử dụng thành công chủ đề “Băng tan: một Chủ đề Nóng bỏng?” để thúc đẩy các hành động nền tảng của hàng triệu người ở gần 100 nước trên khắp thế giới đối với thách thức về biến đổi khí hậu, thì năm nay, Ngày Môi trường Thế giới 2008 chính là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm phi carbon hoá xã hội. Đây cũng là một mốc quan trọng trong Lộ trình Bali, một Lộ trình được đặt ra để hướng thế giới đến một thoả thuận vào cuối năm 2009 về một chế độ giảm phát thải có tính quyết định đối với thời gian sau năm 2012.