Thanh Hóa: Vấn nạn ô nhiễm chờ chính quyền trả lời

Khối phố 1 và 2 (thị trấn Rừng Thông, Đông Sơn, Thanh Hóa) hơn 10 năm nay phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng do phân xưởng thuốc trừ sâu và bãi rác thị trấn. Hàng trăm lá đơn kiến nghị suốt 10 năm qua vẫn không ai giải quyết. Và người dân vẫn phải đối mặt với ô nhiễm, bệnh tật.

Sống trong vùng nhiễm độc

Người thì còi cọc, ốm yếu (nhất là trẻ nhỏ, các cụ già), phụ nữ khi đi làm đồng thì chân tay lở loét, ngứa ngáy, muốn lội xuống ruộng thì phải đeo ủng, mang găng tay, tránh tiếp xúc với nước, hàng ngày thấy khó thở, tức ngực…

Vật nuôi lâu lớn, nhiều con chết không rõ nguyên nhân. Đó là những gì mà hàng ngàn người dân khối phố 1,2 (thị trấn Rừng Thông) đang phải đối mặt. Họ xác định là do chất độc từ kho thuốc trừ sâu dưới chân núi Kết gây ra.

Năm 1994, kho được xây dựng để dự trữ các loại thuốc bảo vệ thực vật như trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột cho các huyện đồng bằng. Thay vì phải cách xa khu dân cư nhưng kho lại nằm lọt thỏm giữa khu dân cư.

Chính vì vậy, hơn 10 năm nay, hàng ngàn người dân quanh khu vực kho thuốc phải hít thở bầu không khí nồng nặc. Ao hồ, giếng nước của nhiều gia đình chuyển màu đen kịt, tanh tưởi một mùi khó tả.

Ông Nguyễn Hữu Ba, Bí thư chi bộ khối phố 2, người đã nhiều năm nay gửi đơn thư đến các cấp chính quyền, cho biết: “Năm ngoái gia đình tôi có 15 con bò, 23 con dê thả quanh khu vực kho thuốc đột ngột chết”.

Bà Lê Thị Huệ (khối phố 2) 7 năm trước đấu thầu mảnh ao làng nuôi cá, cho biết: “Mấy năm trước gia đình tôi thu nhập nhờ 5 sào ao cá của làng, nhưng đùng một cái cá chết nổi trắng ao, được cán bộ kho thuốc đền bù 200.000đ, đến nay ao cá đành bỏ không”.

Nhiều người dân xung quanh cũng đang phải đối mặt với bệnh tật. Như nhà ông Ba, vợ thì mắc bệnh nan y, 2 đứa con bị suy dinh dưỡng. Hay bà Lê Thị Quyết, ông Nguyễn Xuân Tá… mắc bệnh phổi nhiều năm nay.

Mức độ khuếch tán của thuốc ra môi trường rất lớn, bằng chứng là các xã Đông Tiến, Đông Lĩnh (cách đó 4km), nhiều khối phố đã gửi đơn kiến nghị lên huyện vì mùi thuốc từ kho phát tán.

Nhưng đã hơn 10 năm với biết bao lá đơn, không hề có cơ quan nào quan tâm giải quyết.

Đổ quấy cho nhau

Kho thuốc trừ sâu của Chi cục Bảo vệ thực vật Thanh Hóa được xây dựng để dự trữ thuốc bảo vệ thực vật từ những năm 1994. Nhưng chi cục lại liên kết với Công ty TNHH một thành viên bảo vệ thực vật Sài Gòn cho thuê lại kho để đóng chai, đóng gói các sản phẩm thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ cung cấp cho các tỉnh phía Bắc, miền Trung…

Kho vẫn hoạt động bình thường và lượng thuốc được nhập về còn nhiều hơn: hàng năm tiếp nhận từ 1.000 – 1.500 tấn thuốc bán thành phẩm để sang chiết, đóng gói…

Ông Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch thị trấn Rừng Thông, cho biết: “Vì đây là đơn vị trực thuộc sự quản lý của tỉnh nên huyện đã kiến nghị lên tỉnh rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa thấy ai giải quyết. Hiện tại nhân dân mong muốn các ngành chức năng của tỉnh vào cuộc xác định mức độ ô nhiễm, sớm có biện pháp di dời kho ra xa khu vực dân cư để bảo vệ sức khỏe người dân”.

Còn ông Lê Tuấn Anh, phụ trách quản lý kho thuốc, cho biết: “Chưa xác định được do kho thuốc hay do bãi rác của thị trấn gây ô nhiễm, vì bãi rác cũng gây ô nhiễm nặng nhiều năm nay. Nếu cần phải di dời thì cả bãi rác và kho thuốc phải được xử lý cùng lúc. Chúng tôi sẵn sàng dời đi nơi khác nếu có sự chỉ đạo của cấp thẩm quyền!”.

Và đúng thực tế là bãi rác của thị trấn tồn tại từ năm 1994 đến nay cũng gây bức xúc cho dân không kém kho thuốc trừ sâu.
Như vậy hàng ngàn người dân thị trấn Rừng Thông đang sống trong sự nguy hiểm gấp bội. Vấn nạn ô nhiễm đang chờ các cơ quan, ban ngành tỉnh Thanh Hóa trả lời…