Nhiều hộ dân không thuộc vùng ngập ở Lai Châu phải chạy ngập

ThienNhien.Net – Mặc dù việc tích nước lòng hồ Thủy điện Lai Châu chưa đạt đến cao trình cuối cùng (cốt 295 như thiết kế) song đã làm ngập nhiều hộ dân ở khu phố 10, thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, Lai Châu. Nước dâng đột ngột khiến bà con phải “tá hỏa” chạy, dù họ được xác định không nằm trong cốt ngập và không thuốc diện phải di chuyển tái định cư.

Nước dâng làm ngập nhà của nhiều hộ dân không nằm trong cốt ngập
Nước dâng làm ngập nhà của nhiều hộ dân không nằm trong cốt ngập

Khu phố 10, thị trấn Mường Tè những ngày vừa qua là “tâm điểm” của việc chạy ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu, dù việc sắp xếp di chuyển tái định cư cho người dân huyện Mường Tè đã hoàn thành trước đó cả nửa năm. Cụ thể, từ ngày 12-10, thủy điện Lai Châu thực hiện tích nước lòng hồ để chuẩn bị cho việc phát điện tổ máy số một vào cuối năm nay. Đến ngày 20-10, khi mực nước lòng hồ lên xấp xỉ tới cao trình 294,5 (theo như sự xác nhận của ông Phạm Hồng Phương – Giám đốc ban quản lý dự án nhà máy thủy điện Sơn La-Lai Châu) đã làm ngập năm ngôi nhà khiến tám hộ dân phải di chuyển; đồng thời đe dọa ngập và ảnh hưởng tới nhiều hộ khác. Do ngập nước, các hộ dân nêu trên đã phải di chuyển toàn bộ người và đồ đạc đến các nhà dân xung quanh và nhà văn hóa, trường mầm non của các khu phố khác để “sống tạm”. Phải chạy ngập bất đắc dĩ, cuộc sống của bà con đang yên ổn bỗng trở thành tạm bợ. Nhiều người tỏ ra bức xúc vì từ trước đến nay, gia đình họ được xác định không nằm trong cốt ngập, không phải tái định cư mà lại phải chạy ngập.

Gia đình chị Lê Thị Hiền là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt nước hồ dâng lần này. Ngôi nhà vợ chồng chị mới xây xong, về ở chưa đầy tháng đã bị ngập. Ngôi nhà gỗ cạnh đó là nhà chị cho ba hộ khác thuê ở cũng cùng cảnh ngộ, nước ngập vào nhà đến gần nửa mét. Ngay khi bị ngập, gia đình chị và ba hộ đi thuê đã được chính quyền địa phương và bà con khu phố hỗ trợ di chuyển toàn bộ đồ đạc đến gửi ở những nhà dân xung quanh. Tuy nhiên, do cuộc sống đang yên ổn bỗng nhiên trở thành “vạ vật” nên chị Hiền không khỏi bức xúc, chị bảo: “Nhà em được xác định không nằm trong cốt ngập, do đó vợ chồng em mới vay mượn để xây nhà. Nghĩ là sẽ sống ổn định ai ngờ tự nhiên nước lên lại thành ra bị ngập. Đã thế, chính quyền địa phương cũng không cảnh báo gì, mang tiếng có nhà riêng mà bây giờ phải đi ở nhờ, ở tạm… Mong sao chính quyền nhanh chóng giải quyết vấn đề để chúng em đỡ khổ”.

Tương tự gia đình chị Hiền, gia đình anh Lò Thế Văn cạnh đó cũng bỗng nhiên trở thành “vạ vật” vì ngập nước. Anh Văn cho biết: Hôm nhà bị nước ngập, anh phải tức tốc vượt gần 100 cây số từ đơn vị về để di chuyển đồ đạc chạy ngập. Đã nhiều ngày trôi qua, thời gian xin nghỉ tranh thủ sắp hết, việc phải di chuyển nhà cửa đột xuất như vậy khiến anh không yên tâm quay trở lại đồn công tác, anh mà đi, vợ con ở nhà chẳng biết trông chờ vào ai. Do đo anh Văn mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quan tâm để gia đình anh sớm ổn định lại cuộc sống, không còn phải đi “ăn nhờ ở đậu” như hiện tại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ khu vực bị ngập của khu phố 10 vừa qua đều không nằm trong cốt ngập (cốt 295) của lòng hồ thủy điện Lai Châu. Vì vậy người dân mới bị bất ngờ và không kịp ứng phó gì khi nước dâng. Mặc dù hiện tại nước đã rút, các hộ bị ngập cũng đã được chính quyền bố trí ở tạm tại các nhà văn hóa, trường mầm non hoặc tự túc đi ở nhờ nhà người thân. Tuy nhiên cuộc sống sinh hoạt tạm bợ của họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người phải bỏ cả công việc để ở nhà trực vì lo nước lại tiếp tục dâng.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những hộ đã phải di chuyển chạy ngập nêu trên, còn hơn chục hộ khác cũng sẽ phải di chuyển trong đợt này vì nằm dưới cốt của mực nước dềnh (cốt của mực nước dềnh là 297,7). Như vậy có nghĩa là khi nước dâng đến cốt 295 như thiết kế, thì khu phố 10 nêu trên sẽ có 5 ngôi nhà không nằm trong vùng ngập bị ngập. Còn khi xuất hiện nước dềnh do mưa lũ hay do bên kia thượng nguồn nước bạn Trung Quốc xả lũ thì số hộ bị ngập sẽ vào khoảng 20 hộ với gần 80 nhân khẩu. Đây là con số phát sinh mới bị “bỏ quên” trong tổng số 904 hộ của huyện Mường Tè đã được di chuyển trước đó cả năm trời.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, nguyên nhân của sự việc trên là do đơn vị tư vấn bắn cốt và bàn giao cốt chưa chuẩn. Đồng thời đơn vị tư vấn khi đo đạc mới chỉ tính mực nước chết của cốt 295 à chưa tính được mực nước dềnh ở cốt 297,7. Hiện, ngoài việc chỉ đạo các cơ quan chức năng; UBND thị trấn, các tổ chức đoàn thể khẩn trương giúp di rời các hộ trong vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. UBND huyện cũng đã yêu cầu đơn vị tư vấn vào đo đạc lại, đồng thời thực hiện thống kê, đo đạc cho các hộ hộ bị ảnh hưởng trực tiếp trong vùng ngập để lên phương án di chuyển và đề nghị bổ sung vào quy hoạch thực hiện di dân tái định cư thủy điện Lai Châu. Đối với vấn đề xử lý trách nhiệm, ông Trường cho biết: Trước mắt huyện sẽ tập trung cho công tác di chuyển, ổn định đời sống người dân trên vùng tái định cư. Huyện sẽ xin chủ trương của tỉnh họp với Ban Quản lý Nhà máy thủy điện Sơn La, các đơn vị tư vấn và các cơ quan, ban, ngành của huyện; sau đó mới đánh giá, quy trách nhiệm đối vừng đơn vị để xảy ra việc này. Quan điểm của huyện là đơn vị nào sai, đơn vị đó sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Ngoài số hộ bị “bỏ quên” phải di chuyển, trong lần nước dâng này, còn có hàng trăm mét đường giao thông bị ngập sâu trong nước khiến việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng. Tại khu phố 9 thị trấn Mường Tè, nước dâng đã ảnh hưởng đến sát khu vực 9 hộ gia đình đang sinh sống có nguy cơ sạt lở cao, trong đó có 4 hộ bị cô lập về giao thông; nước cũng làm ngập toàn bộ khu nghĩa trang khoảng 500 ngôi mộ tại khu vực Bản Bo (khu 5) của thị trấn Mường Tè.