Rút ruột rừng thiêng

Quần thể di tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm trong số 62 di tích lịch sử của 20 tỉnh và khu tự trị được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định 313/VH-VP về việc "Xếp hạng di tích, danh thắng toàn miền Bắc đợt I", ngày 28/04/1962 do Bộ Trưởng Bộ văn hoá Hoàng Minh Giám ký. Sở Chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng là điểm di tích quan trọng trong quần thể di tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được bao bọc bởi 274ha rừng đặc dụng, khu vực "bất khả xâm phạm". Thế nhưng, thời gian qua "lâm tặc" vẫn ngang nhiên chặt tỉa cây "rút ruột" khu rừng thiêng này.

“Trước đây, khu rừng di tích lịch sử rộng hơn 1.000ha, nay chỉ còn vài trăm hécta. Chưa tàn phá diện rộng, chúng chỉ tỉa những cây to, thẳng; có người chặt về để gom làm nếp nhà sàn. Có hiện tượng cán bộ tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng. Nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, chẳng bao lâu nữa chúng phá nát rừng di tích Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng; xót xa lắm nhưng không biết làm sao được, tôi định báo cáo về Trung ương” – ông Lò Văn Bóng, bản Bua, nguyên cán bộ bảo vệ Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ bức xúc nói với đoàn cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, khi đoàn đến thăm gia đình, đầu tháng 5 vừa qua.

Ngày 16/05, trở lại xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) thẩm định thông tin về tình trạng chặt phá rừng di tích lịch sử. Ông Lò Văn Xúm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thời gian qua, một số kẻ xấu vào rừng chặt cây ở khoảnh 4 và 5 thuộc khu rừng di tích. Nguyên nhân rừng bị chặt phá là do công tác quản lý lơ là. Kinh phí hạn chế, những người làm công tác bảo vệ chưa gắn bó, chưa nâng cao trách nhiệm tuần tra canh giữ. Những người có trách nhiệm “làm căng” bị kẻ xấu trả thù; 113 người nghiện ma tuý là đối tượng đáng lo ngại về mất an ninh trật tự”.

Từ lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đi ngược lên núi chừng 600m, một cây gỗ to bị đốn đổ nằm lăn lóc trên đất. Ông Lò Văn Yên, cán bộ bảo lâm xã chỉ vào cây và nói: Dân làm nương hạ xuống lâu rồi! Trước đây có mấy vụ phá rừng, lấy gỗ bị lực lượng kiểm lâm huyện xử lý. Quan sát xung quanh thấy một số quả đồi bị “cạo” trắng chân để làm nương. Xé thảm thực vật, leo lên sườn đồi khoảng vài trăm mét, thấy bãi đất phẳng có những cọc gỗ đóng vắt chéo, tôi đang băn khoăn, tại sao trong rừng nguyên sinh mà sườn đồi bị xả thì ông Lường Văn Bích, Trưởng Công an xã giới thiệu: Đây là bãi lâm tặc dựng lều, căng bạt làm nơi xẻ gỗ. Cây đốn xuống, xẻ thành từng hộp rồi vận chuyển đi tẩu tán.

Nhìn ngược lên sườn đồi, bàng hoàng thấy gốc xoan đào, đường kính gần 1m vẫn còn rỉ nhựa; khúc gỗ dài vài mét, mấy bạnh bìa gỗ nằm trơ trên đất là vết tích của cuộc tỉa rừng di tích lịch sử. Cùng đoàn cán bộ xã, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào rừng thì thấy 1 ngọn cây dẻ, 3 gốc cây thộ lộ, đường kính từ 30 – 60 cm. Ông Yên cho biết thêm, ở khoảnh 4, phía quả đồi bên kia cũng có vài cây gỗ to mới chặt hồi đầu năm nay cũng chỉ còn ngọn và gốc.

Được biết, lâu nay, tổ bảo vệ rừng chỉ dựa vào nguồn kinh phí 10 nghìn đồng/ha/năm, dự án hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng (chưa được 3,3 triệu đồng/năm, chia cho 6 người). Ông Lường Văn Nanh bức xúc: Loại cây bị chặt nhiều là “mày thồ lộ”; “mày chà cái”… Bắt được quả tang phá rừng, “lâm tặc” không ký biên bản cũng chẳng làm gì được chúng.

Năm ngoái, gia đình bị kẻ xấu trả thù, cậy hòm lấy trộm 2 tạ thóc, chém đứt gân con trâu. Khi chúng tôi hỏi “nghe nói có con cháu cụ vào rừng chặt cây làm nhà, phải không ạ?” Ông Nanh tiếp lời: Một số thanh niên mới lập gia đình vào rừng chặt gỗ về làm nhà; người nghiện xẻ trộm gỗ về để bán lấy tiền tiêu xài. Tôi già lão nên dân bản hay thanh niên cũng đều là anh em, con cháu; cần răng đe giáo dục, đề nghị pháp luật xử lý, nếu ai tiếp tục phá rừng.

Mấy năm qua, bọn lâm tặc liên tiếp báo thù gia đình anh Yên, cán bộ bảo lâm xã. Anh Yên kể rằng: Mùa nào cũng vậy, cứ đến khi lúa vào thời kỳ đỏ đuôi là chúng dùng gậy vụt rụng 700m2. Năm ngoái, “lâm tặc” chém đứt cước chân con trâu làm thiệt hại kinh tế gia đình. Thông tin chúng tôi có được, từ nhiều năm, một số con cháu của người làm bảo vệ, coi rừng di tích như “rừng của nhà” tự cho mình phép chặt cây rừng di tích quốc gia.

Trong biên bản làm việc ngày 01/04, giữa UBND xã Mường Phăng với lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên và tổ bảo vệ rừng di tích Mường Phăng, đã kết luận: Từ năm 2002 – 2007, tổ bảo vệ do ông Lường Văn Nanh làm tổ trưởng không quản lý được rừng, để xảy ra tình trạng người dân lợi dụng chặt, hạ cây.

“Rừng Chỉ huy” có rất nhiều loại cây gỗ quý hiếm, vốn là nơi điển hình cho sự hội tụ thảo mộc, là “miếng mồi béo bở” mà “lâm tặc” luôn tìm cách rình rập. Ngày 07/04, ngay trong khu rừng này, lực lượng công an xã phát hiện, tịch thu 9 hộp gỗ sữa. Trong thời gian tác nghiệp ngắn, những vị trí chúng tôi đến được là nơi “máu rừng” mới bị đổ, những chỗ khác thì liệu cây có bị chặt phá?

Trên đường vào rừng di tích, không ít cây bị nhiều vết dao vạc vỏ, chặt, chém vào thân cây, làm rỉ nhựa, tổn thương. Lâm tặc “đánh lẻ”, lén lút vào rừng đốn cây, xẻ nhỏ thành khí từng hộp; chờ lúc nửa đêm rạng sáng vận chuyển đi tiêu thụ hoặc mang về cất dấu, tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Trước thực trạng “lâm tặc” hoành hành, mới đây, chính quyền địa phương bàn giao việc trông coi bảo vệ rừng cho lực lượng công an xã với hy vọng “gỗ lậu phải bắt tận tay”.

Dự luận đặt ra câu hỏi, tại sao khu rừng đặc dụng, di tích cấp quốc gia, niềm tự hào dân tộc, ở gần trụ sở UBND xã, có nhiều lực lượng bảo vệ vậy mà “lâm tặc” vẫn ngang nhiên chặt cây mà khi phát hiện gỗ vẫn vô chủ. Và tại sao lâm tặc có thể lập “xưởng cưa”, tổ chức sinh hoạt trong rừng di tích để xẻ cây! Có hay không “lâm tặc đội lốt” nằm trong đội ngũ cán bộ bảo kê, đứng sau những vụ “rút ruột” rừng?

Không biết rằng, hằng năm trong báo cáo “thành tích” của cơ quan chức nang cú nội dung này?! Rời Mường Phăng, chúng tôi mang theo băng khoăn: trong khi nhiều học sinh vùng cao phải viết trên những thanh gỗ tròn, khúc tre, đoạn nứa tận dụng ghép lại làm bàn học thì ở Mường Phăng, gỗ vứt ngổn ngang giữa rừng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là “Mốc lịch sử bằng vàng” không chỉ trong lịch sử dân tộc ta mà cả lịch sử nhân loại. Trận Điện Biên Phủ như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay Đống Đa của thế kỷ XX và trở thành niềm tự hào của các dân tộc bị áp bức, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chính phủ đầu tư hàng trăm tỷ đồng trùng tu, tôn tạo 8 hạng mục đặc biệt quan trọng của quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó có Sở Chỉ huy Chiến dịch Mường Phăng. Về Mường Phăng là về với cội nguồn. Việc bảo vệ rừng Mường Phăng là giữ gìn truyền thống cách mạng, cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.