Hà Nội: Nhức nhối nạn đổ trộm phế thải

Sáng 05/06, liên ngành giao thông vận tải (GTVT) và Công an TP.Hà Nội đã sơ kết kế hoạch phối hợp liên ngành trong việc quản lý thu gom phế thải, quản lý các phương tiện chở đất phế thải và việc xử lý vi phạm trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều chính quyền địa phương chưa quan tâm

Theo đánh giá của Sở GTVT, việc đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội hiện gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do có nhiều công trình đang thi công, dẫn tới nguồn đất thải, phế thải các công trường thải ra rất lớn; các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải thường xuyên không che chắn, gây rơi vãi, bẩn bụi ra đường…

Đặc biệt, hiện có rất nhiều tổ chức, cá nhân thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm, cố tình đổ bừa bãi phế thải ra lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng. Đây là tình trạng vô cùng nhức nhối, được liên ngành GTVT và CATP tập trung xử lý nghiêm, giải quyết triệt để.

Hiện toàn thành phố có khoảng 3.200 phương tiện chuyên chở đất phế thải, nhưng chỉ có 15 điểm tập kết phục vụ nhu cầu đổ đất, phế thải của các công trình nhỏ, còn đối với công trình lớn chỉ có 2 điểm tập kết tại Yên Sở (Hoàng Mai) và Vân Nội (Đông Anh). Trong khi đó, hiện ở Hà Nội có khoảng 410 điểm xây dựng có nhu cầu đổ phế thải.

Qua một thời gian triển khai kế hoạch liên ngành, các đơn vị cũng đã thẳng thắn thừa nhận công tác quản lý chưa đề ra được các giải pháp thích hợp, chưa tạo điều kiện và bố trí các điểm đổ phế thải hợp lý; việc cấp phép xây dựng đưa ra điều kiện phải có hợp đồng thu dọn phế thải chỉ mang tính hình thức…

Bên cạnh đó, còn một số tồn tại mà ngành GTVT và CATP vẫn chưa khắc phục triệt để như: Việc vận chuyển phế thải từ các trạm trung chuyển đến bãi đổ phế thải đôi khi còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; lực lượng vận chuyển phế thải bằng xe thô sơ vẫn thường xuyên đổ trộm phế thải vào chỗ vắng vẻ, ít người qua lại khi vắng mặt lực lượng chức năng; chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này…

Xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT: Trong thời gian tới, lực lượng liên ngành sẽ tiếp tục duy trì các điểm trung chuyển phế thải xây dựng trên địa bàn các quận như hiện nay, yêu cầu mỗi quận có từ 2 đến 3 điểm đổ phế thải tập trung, nhất là ở các quận Tây Hồ và Cầu Giấy.

Cần phải xã hội hoá công tác quản lý, khai thác các điểm đổ phế thải xây dựng, tạo cơ chế thuận lợi cho các đơn vị khai thác, tìm kiếm các điểm đổ phế thải mới. Tại các điểm khai thác cát, các đơn vị bán và khai thác cát chịu trách nhiệm về trật tự ATGT và VSMT…

Đặc biệt, cần phải xử lý nghiêm, có chế tài mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Khôi – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội – nhấn mạnh: Liên ngành GTVT – CATP cần tăng cường việc thu gom, tưới rửa đường, tuyên truyền tới từng người dân việc giữ gìn VSMT để TP trở nên “Xanh – sạch – đẹp” hướng tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đặc biệt, ngành GTVT cần tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư giao thông tĩnh đi vào hoạt động; kiểm tra, xử lý các phương tiện chạy vòng vo đón trả khách, gây ách tắc giao thông…, đến năm 2010 có thể cải tạo hè, đường trên các tuyến phố chính. Nhân dịp này, UBND Thành phố đã tặng bằng khen và quà cho 22 đơn vị đạt thành tích trong đợt thi đua chống đổ trộm đất phế thải vừa qua.