TP. Cần Thơ: Ô nhiễm môi trường, ai lo?

Trong những năm qua, ngành công nghiệp quận Ô Môn nói riêng, TP. Cần Thơ nói chung phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, địa phương cũng đang đối mặt với vấn đề hết sức nan giải, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) do các nhà máy, xí nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất trên lĩnh vực chế biến phụ phẩm cá tra, cá ba sa gây ra.

Dân khốn đốn vì ô nhiễm môi trường

Mỗi khi đi qua khu vực Bình Lập và khu vực Thới Trinh, phường Phước Thới, quận Ô Môn, người đi đường phải đưa tay bịt mũi vì mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hiệp Thừa Phát (gọi tắt Công ty Hiệp Thừa Phát).

Và nhiều năm qua người dân ở 2 khu vực này vẫn phải sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng như thế. Ông Nguyễn Hải Tĩnh, ở khu vực Thới Trinh, bức xúc nói: “Công ty Hiệp Thừa Phát hoạt động gần như 24/24 giờ. Trong quá trình sản xuất, khí thải của công ty có mùi hôi tanh giống như mùi thối rữa của xác chết động vật, hít vào cứ buồn nôn khó chịu. Đã vậy, Công ty còn thải bụi tro với khói đen bay mù mịt cả khu vực, nước thải thì Công ty xả trực tiếp xuống kinh, rạch. Tình trạng ô nhiễm này thật trầm trọng, thế mà người dân ở đây phải chịu đựng đã mấy năm nay”.

Còn ông Vũ Đức Tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phước Thới nói: “Nhà tôi đóng cửa kín mít cũng không tránh được mùi hôi. Người dân khiếu nại lên UBND phường thì được trả lời địa phương đã kiến nghị lên quận, người dân khiếu nại đến quận thì quận trả lời vượt quá thẩm quyền xử lý, đã kiến nghị đến Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Cơ quan có thẩm quyền xử lý không kiên quyết thì làm sao công ty khắc phục được. Trong khi đó, hằng ngày chúng tôi phải sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề như thế”.

Theo tìm hiểu, được biết, Công ty Hiệp Thừa Phát được cấp phép hoạt động vào tháng 10/2006, ngành nghề sản xuất chủ yếu là chế biến phụ phẩm cá tra, cá ba sa và sấy xương chế biến thành thức ăn gia súc. Đây là hoạt động gây mùi hôi rất khủng khiếp. Lúc cao điểm, Công ty xử lý đến 12 tấn phụ phẩm/ngày nhưng không xử lý mùi hôi, chất thải mà thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên, gây hôi thối nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh.

Trong tháng 04/2007, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ô Môn đã tiến hành kiểm tra, phát hiện Công ty Hiệp Thừa Phát không có bộ phận xử lý nước thải, khí thải và chưa làm bản Đánh giá tác động môi trường. Phía Công ty cam kết đầu tư trang thiết bị và sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm. Đến tháng 10/2007, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ô Môn tiến hành kiểm tra lần thứ 2 thì tình hình vẫn như cũ, Công ty vẫn chưa có động thái nào khắc phục tình trạng ô nhiễm, chỉ mới làm bản Đánh giá tác động môi trường. Điều này cho thấy Công ty Hiệp Thừa Phát chưa có thiện chí khắc phục tình trạng ONMT.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại VMP (gọi tắt Công ty VMP) tọa lạc ở khu vực Thới Hòa B, phường Long Hưng, quận Ô Môn cũng hoạt động trong lĩnh vực chế biến phụ phẩm cá tra, cá ba sa. Ngày 05/05/2008, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ô Môn đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các qui định về bảo vệ môi trường đã phát hiện công ty này chưa có thiết bị xử lý mùi hôi, khí thải, nước thải và chưa làm bản đánh giá tác động môi trường.

Một người dân có nhà ở gần Công ty VMP, cho biết: “Từ khi Công ty VMP hoạt động, quán giải khát của tôi có buôn bán được gì đâu. Ai đi ngang qua khu vực này cũng đều tăng ga muốn vọt lẹ vì mùi hôi thối phát ra từ Công ty VMP, nói gì đến chuyện dừng xe lại uống nước. Công ty sản xuất thu lợi nhuận nhưng tại sao bắt người dân chúng tôi phải gánh chịu ô nhiễm?”.

Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ô Môn, hiện nay, trên địa bàn quận có đến 4 công ty và 2 doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chế biến phụ phẩm cá tra, cá ba sa, thủy sản. Điều đáng lo ngại là trong số 6 doanh nghiệp chỉ có 1 doanh nghiệp làm bản Đánh giá tác động môi trường theo qui định. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gây ra mùi hôi thối rất khủng khiếp nhưng lại không đầu tư trang thiết bị để xử lý chất thải, không khí, nước thải.

Phải hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường

Những năm trước đây, nhiều công ty, xí nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản rất lúng túng về việc xử lý phế phẩm thủy hải sản. Việc hình thành ngành chế biến phụ phẩm thủy hải sản thành thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản đã giải quyết được bài toán này. Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp chế biến phụ phẩm thủy hải sản hoạt động phải tuân thủ chặt chẽ các qui định về môi trường. Nếu không thì lợi ích các chủ doanh nghiệp hưởng, còn người dân phải gánh chịu thiệt thòi do môi trường bị tác động xấu.

Theo một chuyên viên của Phòng Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ, việc đầu tư trang thiết bị xử lý ONMT là khoản chi không thu lợi nhuận. Do đó, nhiều doanh nghiệp ngán ngại bỏ tiền ra mua trang thiết bị xử lý OMNT, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hoạt động gây ONMT kéo dài, làm người dân bức xúc.

Trao đổi với chúng về vấn đề này, ông Dương Duy Hiệp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ô Môn, cho biết: “Việc quản lý và xử lý những doanh nghiệp hoạt động gây ONMT rất khó khăn. Theo qui định, những lĩnh vực hoạt động sản xuất có nguy cơ gây ONMT bắt buộc doanh nghiệp phải làm Đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn đầu thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi thành lập, nhiều doanh nghiệp lại phớt lờ qui định này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những khoản đầu tư hái ra tiền nên coi nhẹ việc đầu tư trang thiết bị xử lý ô nhiễm. Mặt khác, đối với doanh nghiệp do cấp thành phố cấp phép thì không thuộc thẩm quyền xử lý của quận, do đó quận chỉ biết kiến nghị đến cấp thành phố khi phát hiện đơn vị có dấu hiệu vi phạm, vì vậy việc xử lý chậm chạp.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng doanh nghiệp hoạt động gây ONMT đối với trường hợp đã xử phạt hành chính mà doanh nghiệp vẫn tái phạm thì cấp có thẩm quyền cần mạnh tay rút giấy phép hoạt động. Đồng thời, đơn vị cấp phép thành lập doanh nghiệp cũng cần quan tâm, hạn chế việc cấp phép đối với những ngành nghề có nguy cơ gây ONMT cao.

Về việc xử lý Công ty Hiệp Thừa Phát và một số doanh nghiệp khác, theo ông Dương Duy Hiệp: Qua kiến nghị của UBND quận Ô Môn, mới đây, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra Công ty Hiệp Thừa Phát và một số doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực chế biến phụ phẩm cá tra, cá ba sa. Qua ghi nhận thực tế, các doanh nghiệp hoạt động gây mùi hôi thối, khói bụi rất dữ dội mà nổi cộm là Công ty Hiệp Thừa Phát. Thanh tra Sở đã tiến hành lấy mẫu khí thải, nước… để tiến hành phân tích mức độ ô nhiễm. Tháng tới, sẽ có kết quả phân tích mức độ ONMT, khi có kết quả phân tích, đối với những trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý của quận thì quận kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc. Đối với trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của quận thì quận sẽ xử lý đến nơi đến chốn.

Doanh nghiệp hoạt động sẽ tạo nguồn thu thuế cho Nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Nhưng không vì thế mà bất chấp pháp luật, hoạt động gây ONMT kéo dài, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và điều kiện sinh hoạt của người dân. Và việc xử lý những doanh nghiệp hoạt động gây ONMT, cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay, kiên quyết để buộc doanh nghiệp phải khắc phục, chấp hành đúng qui định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi ONMT gây cản trở đến sự phát triển kinh tế và xã hội ở địa phương và người gánh chịu thiệt thòi không chỉ là người dân mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch…

Do đó, ngoài việc nhanh chóng có biện pháp xử lý những doanh nghiệp vi phạm, cơ quan có thẩm quyền cần hạn chế cấp phép thành lập doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề có nguy cơ gây ONMT cao nhưng không đáp ứng những qui định về bảo vệ môi trường. Có như vậy, mới góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng ONMT do các nhà máy, xí nghiệp gây ra, có chiều hướng gia tăng như hiện nay.