Sản xuất lương thực Việt Nam trong giai đoạn cận suy thoái kinh tế thế giới

Giá gạo bỗng nhiên tăng cao khiến người ta vừa lo vừa mừng. Mừng là vì suốt một thời gian quá dài, người nông dân trồng lúa vô cùng cực khổ, nhưng luôn luôn bị thua thiệt, lợi tức tuy có tăng nhưng so mặt bằng giá cả trong xã hội thì mức tăng đó không đáng kể, vì giá lúa luôn luôn bị kiềm chế ở mức thấp. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đa số người dân sống nhờ cây lúa phải chịu bán lúa giá thấp cho số ít người không trồng lúa. Lo là vì giá gạo tăng cao sẽ “góp phần cho lạm phát” trong nước. Nhưng có thật thế không?

Nhìn lại những diễn biến về thị trường lúa gạo trong mấy tháng nay, chúng ta thấy rằng sau khi Việt Nam trúng thầu vào đầu tháng 02/2008 cung cấp 300.000 tấn gạo cho Philippines với giá 320 USD/tấn loại 25% tấm và 340 USD/tấn loại 5% tấm, thì giá gạo Philippines bỗng nhiên tăng từ 18 P/kg (tương đương 7.020 đồng) lên 12.400 đồng/kg, và giữa tháng 04/2008 lên đến 14.820 đồng/kg (tương đương 775 USD/tấn).

Chính phủ Philippines dự báo vụ lúa tới sẽ trúng mùa, nhưng thấy vật giá leo thang, những nhà giàu lo mua gạo dự trữ khiến cho bọn đầu cơ không đưa gạo ra thị trường. Cơ quan Lương thực của Nhà nước phải xuất kho dự trữ để bán phân phối với giá bù lỗ 7.020 đồng/kg cho dân nghèo. Đồng thời cảnh sát Philippines đang truy lùng bọn đầu cơ gạo, và cho đến ngày 14/04 đã bắt 16 nhà đầu cơ (phần lớn là người Philippines gốc Hoa). Vì lúa của Philippines chưa gặt, mà kho dự trữ sắp cạn, Tổng thống Philippines, Gloria Arroyo đã điện thoại cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin mua gạo khẩn cấp với giá 700 USD mỗi tấn. Giá gạo tăng đột biến lại xuất phát từ chính Philippines, nước có Viện Quốc tế nghiên cứu lúa (IRRI) từ gần 40 năm nay.

Các chuyên gia đã phân tích tình trạng thiếu gạo của Philippines là vì trong khi dân số tăng rất nhanh (nay đã gần 100 triệu vì không có chính sách kế hoạch hóa gia đình), Nhà nước đã vội vã chuyển đất lúa cho các công trình đô thị hóa và công nghiệp hóa trong khi nông dân mất đất không có việc làm lại rất đông. Trong khi đó, tình hình sản xuất lúa của một số quốc gia Đông Nam Á cũng không suôn sẻ: Indonesia, Bangladesh và miền Trung Việt Nam bị ngập lũ, miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam bị rét kéo dài đã làm thiệt hại một số diện tích cây lương thực; miền Nam Việt Nam lại bị rầy nâu và bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá phá hại đôi chút. Tất cả đã khiến nguồn cung cấp gạo cho thị trường quốc tế bị giảm đáng kể.

Trong khi đó, nhu cầu về gạo lại tăng nhanh từ đầu năm 2008, mà nguồn gốc sâu xa có thể qui về chính sách năng lượng mới khuyến khích sử dụng ngũ cốc (bắp, lúa mì) để lên men tạo rượu cồn ethanol thay thế xăng của Mỹ. Năm 2005, Tổng thống Mỹ G. Bush ký ban hành luật “An toàn năng lượng thế kỷ 21” buộc giảm sử dụng xăng dầu bằng cách pha nguyên liệu sinh học (cồn ethanol, dầu biodiesel) vào xăng dầu (năm 2006 pha 3%; 2009 pha 5%; 2012 pha 10% và tới năm 2017 là 15% ethanol).

Từ đó, nông dân trồng bắp của Mỹ đã đua nhau xây nhà máy chưng cất cồn ethanol, khiến giá bắp từ 1,6 USD/bushel (36 lít) lên 3,27 USD/bushel. Lượng ethanol sản xuất vượt qua khả năng chuyên chở nên bị ứ đọng và rớt giá từ 2 USD/gal (3,8 lít) xuống còn 1,55 USD/gal. Thêm vào đó, sản lượng lúa mì của châu Úc sản xuất cũng bị giảm do hạn hán, nên giá bột mì tăng gần gấp 3 lần trong vòng 2 năm qua, khiến cho những quốc gia từng lệ thuộc vào bột mì và bắp không mua nổi giá cao đó, họ chuyển sang sử dụng gạo, đẩy nhu cầu gạo tăng lên.

Một lý do khác khiến thiếu hụt ngũ cốc là sự thay đổi tập quán ăn của những người dân khá giả. Họ thích ăn nhiều thịt và cá hơn là ăn nhiều cơm như trước. Lượng hạt lương thực cho người đã được các công ty chế biến thức ăn gia súc và cá tôm sử dụng ngày càng tăng.

Tóm lại, khối lượng ngũ cốc (gạo, bắp, lúa mì) bị giảm trong khi nhu cầu tăng quá nhanh, kết hợp tình trạng con buôn đầu cơ đã khiến cho giá các hạt lương thực tăng nhanh, đúng theo qui luật cung cầu của nền kinh tế thị trường.

Ngày 15/04/2008, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã lên đến 1.000 USD/tấn loại 25% tấm. Trong giai đoạn này chỉ có Thái Lan hưởng lợi, trong khi nông dân Việt Nam phải bó tay, ngậm ngùi nhìn gạo của mình chỉ được các công ty quốc doanh của nhà nước mua dễ dàng với giá quá rẻ so với giá của nông dân đồng nghiệp ở Thái Lan.

Thiết nghĩ đây là một sự thiệt thòi lớn cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chúng ta không thể nói “vì để kiềm chế lạm phát” và “để bảo đảm an toàn lương thực quốc gia” mà không cho xuất khẩu gạo. Trước hết, tình trạng lạm phát của Việt Nam, trầm trọng hơn các nước láng giềng, không phải do gạo lên giá mà là do điều hành vĩ mô chưa hiệu quả (bắt đầu cội rễ từ quyết định cho lên giá xăng dầu, đến những đầu tư công kém hữu hiệu).

Và “bảo đảm an toàn lương thực” lại là một lý do khó chấp nhận vì vụ đông xuân 2007-2008 của ĐBSCL vẫn trúng mùa, theo đánh giá của Bộ trưởng Cao Đức Phát và qua quan sát đồng ruộng các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang. Và vụ hè thu 2008 đã bắt đầu mạnh. Chúng ta có thể thu hoạch mùa lúa mới chỉ trong vòng 80-90 ngày với những giống lúa cao sản, kháng rầy nâu. Nói cách khác, lý do không xuất khẩu gạo để “bảo đảm an toàn lương thực” là khó được bà con nông dân của ĐBSCL chấp nhận.

Việt Nam chúng ta có thể làm gì?

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có họp với các tỉnh ĐBSCL, và cho phép nông dân làm vụ 3. Đó là một hướng đi hợp lý. Thêm vào đó, các tỉnh không nên khuyến khích nông dân trồng giống lúa chất lượng cao, mà chỉ nên trồng giống lúa cao sản kháng rầy nâu. Chúng ta nên thấy rằng Việt Nam không có khả năng cạnh tranh với Thái Lan để xuất khẩu gạo cao cấp, vì giống lúa thơm của Thái Lan thật sự rất thơm, nhưng dài ngày và năng suất thấp (khoảng 3 tấn/ha). Họ có nhiều gạo để xuất khẩu vì diện tích lúa của họ trên 10 triệu ha (ta thì chỉ còn dưới 4 triệu ha) mà dân của họ chưa đến 70 triệu. Thái Lan thì không có nơi nào sản xuất đại trà 7 tấn/ha như của Việt Nam vì chúng ta trồng giống cao sản ngắn ngày kháng rầy nâu, 3 vụ/năm đến 7 vụ/2 năm. Đây là thời buổi thế giới cần có nhiều gạo để ăn, không nhất thiết phải có gạo ngon. Vì vậy, nếu ta trồng giống kháng rầy năng suất cao, Việt Nam sẽ liên tục sản xuất nhiều gạo hơn mà không phải lo chống diệt rầy nâu, bệnh lúa rất tốn kém như trong vài năm qua.

Song song với lúa, Nhà nước và các tỉnh nên xem lại qui hoạch để tìm ra các vùng sản xuất cây trồng khác lúa. Chúng ta nên khuyến khích nông dân tăng gia trồng khoai lang, khoai mì và bắp ở các vùng khó khăn vì đất và nước tưới. Quy hoạch cơ cấu, diện tích cây trồng phải hài hoà và rất thận trọng, không nên xoá diện tích cây công nghiệp vội.

Vì sao? Vì rút kinh nghiệm khủng hoảng gạo của Nhật Bản -Trung Quốc năm 1995. Sau năm đó, Việt Nam và Trung Quốc đều tập trung gia tăng trồng lúa. Nhưng mùa lúa 1996 của Nhật lại bình thường, họ không nhập của Trung Quốc nữa, và do đó Trung Quốc không nhập gạo của Việt Nam. Giá gạo trở lại bình thường, phá tan hy vọng bán giá cao của Việt Nam.

Bây giờ, cả nông dân Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ đều đang tập trung trồng lúa cao sản, ở Philippines và Indonesia cũng vậy. Liệu giá gạo sẽ tiếp tục tăng cao hay không? Câu trả lời có thể là “sẽ tiếp tục tăng, nhưng không quá cao như hiện nay.” Giá 1.000 USD/tấn chỉ là nhất thời khi lượng cung còn ít như hiện nay mà thôi. Thái Lan bán được giá cao một phần nhờ Chính phủ Việt Nam giúp – cấm xuất khẩu gạo Việt Nam.