Chủ động chống hạn, ngăn mặn và dịch bệnh trong vụ Đông Xuân

ThienNhien.Net – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ thực hiện một số biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2010 -2011 thắng lợi.


Trong Công điện số 20/CĐ-BNN, ngày 28/10/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo vụ lúa Đông Xuân 2010 – 2011 ở Nam Bộ sẽ phải đối mặt với tình hình thiếu nguồn nước ngọt, hạn hán nặng đồng thời với xâm nhập mặn sâu hơn; dịch bệnh hại lúa, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn còn nguy cơ nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ, nhất là không thực hiện nghiêm các quy định về thời vụ gieo sạ.

Để đảm bảo sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2010 – 2011 ở Nam Bộ là vụ lúa quan trọng nhất trong năm thắng lợi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ chỉ đạo tăng diện tích gieo sạ trong tháng 11 đạt khoảng 60% diện tích, diện tích còn lại gieo sạ trong tháng 12 và toàn vùng chấm dứt gieo sạ trước 30/1 để né hạn, mặn cuối vụ.

Các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo chống hạn, mặn các cấp và phê duyệt kế hoạch chống hạn, mặn của địa phương ngay từ đầu vụ để chủ động chống hạn, mặn trong cả vụ, bao gồm tu sửa bờ bao, bờ vùng để giữ nước ngọt; tu sửa, xây dựng các cống ngăn mặn, nạo vét kênh mương và xây dựng thủy lợi nội đồng; tu sửa các trạm bơm, tăng số trạm bơm điện… tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên môn và các đoàn thể trong công tác thông tin tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hoạt động phòng chống hạn, mặn.

Ngoài ra, cần cảnh giác với dịch bệnh hại lúa, giám sát chặt chẽ đồng ruộng để phát hiện kịp thời dịch bệnh. Ttrước mắt UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND huyện, thị tổ chức phát động phong trào đánh bắt chuột và phòng trừ ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ, trước khi xuống giống; các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày (90-95 ngày), chất lượng cao, chọn giống chống chịu mặn cho các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn. Mỗi tỉnh, thành xác định không nhiều hơn 5 giống lúa là giống chủ lực để sử dụng tại địa phương; hướng dẫn nông dân bón phân cho lúa theo sát sự sinh trưởng của cây lúa để tránh lãng phí phân bón, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”.