Mỏi mòn chờ ngân hàng gen vật nuôi

ThienNhien.Net – Với khoảng 49.200 loài sinh vật, Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có nổi một ngân hàng gen vật nuôi quốc gia.

Phung phí tài sản quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, cả nước hiện có khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật, 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt, trên 11.000 loài sinh vật biển. Tuy nhiên, đi kèm với những con số ấn tượng này là sự cần thiết cấp bách về một ngân hàng gen quốc gia. Đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đề cập đến tầm quan trọng của việc thành lập ngân hàng gen quốc gia, nhưng tất cả vẫn còn phải… chờ.

Gà ri - một giống gà quý của Việt Nam được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu và huấn luyện vật nuôi (Viện Chăn nuôi) (Ảnh: M.T)
Gà ri – một giống gà quý của Việt Nam được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu và huấn luyện vật nuôi (Viện Chăn nuôi) (Ảnh: M.T)

Theo Bộ KHCN, thời gian qua, Nhà nước đã có các khung pháp lý về bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen động-thực vật tương đối đầy đủ. Tuy vậy, đối tượng nào được ưu tiên và cách sắp xếp như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ. Rất nhiều vùng hẻo lánh và các địa bàn khá rải rác, nên không đủ kinh phí để thực hiện. Một rào cản nữa là sau khi phát hiện được nguồn gen thì thường thiếu kinh phí để bảo tồn và sau đó tiếp tục nghiên cứu kết luận liệu đó có thể xem là nguồn gen mới hay không.

TS Võ Văn Sự – Chi hội Động vật hoang dã (Hội Chăn nuôi Việt Nam) cho biết, nước ta có nhiều nguồn gen bản địa tốt như vịt trời, gà H’Mông, gà ác… “Việt Nam đang đứng trước một thế bất lợi khi ngành chăn nuôi đang bị “ngoại hóa” ngay tại sân nhà. Từ năm 2012, nhiều sản phẩm chăn nuôi như thịt và sản phẩm chế biến từ thịt nhập khẩu được giảm thuế. Không những vậy, tình trạng buôn lậu trâu, gà, bò trong những năm qua phổ biến và gây hại lớn cho ngành chăn nuôi” – ông Sự nói.

Hiện đa phần các nguồn gen bản địa quan trọng vẫn được bảo tồn một cách “tự giác” tại nông thôn, đặc biệt là ở miền núi. Tuy nhiên, các quần thể vật nuôi này không được an toàn: Chết do bệnh tật, đói rét, lai tạp. Từ năm 1990, thực hiện “Đề án Bảo tồn nguồn gen vật nuôi Việt Nam”, Viện Chăn nuôi đã tiến hành bảo tồn các giống, với hai hình thức: Tại khu vực nông thôn và tại một trạm của viện. Tuy vậy, để bảo tồn tại các loại cơ sở kiểu này cần có nguồn kinh phí đảm bảo để không lỗ trong bối cảnh sắp tới nguồn vốn vẫn ở mức rất thấp.

Gen nội không thua gì gen ngoại

Theo TS Nguyễn Văn Bắc- Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay có 2 cách chọn giống: Nhập từ nước ngoài về hoặc chọn từ trong nước. Các nước thường thu thập các nguồn gen tốt trong nước và trên thế giới về, sau đó chọn tạo thành các dòng thuần, giống ông bà, bố mẹ, thương phẩm và bán ra cho những nước cần, trong đó có Việt Nam.

“Ở Việt Nam khi cần, không cơ quan, đơn vị nào chỉ ra được 10 con bò đực giống hay 10 con heo đực giống tốt nhất nước… Trong khi đó gen nhập khẩu từ nước ngoài có tốt hơn Việt Nam hay không thì không trả lời được” – TS Bắc nói. Theo ông, từ việc không quản lý được số lượng, chất lượng gen trong nước nên chúng ta đang lãng phí lớn nguồn gen nội. Đây là một tài sản quốc gia bấy lâu nay chưa được khai thác hợp lý.

Khi hỏi về giải pháp cho vấn đề này, TS Bắc cho biết, điều cần thiết nhất là phải lập cơ sở dữ liệu các nguồn gen vật nuôi trong nước. Thông qua việc tuyển chọn hàng năm, dần dần Việt Nam mới có được một nguồn gen tốt phục vụ cho nghiên cứu, chọn tạo dòng, giống vật nuôi trong nước  và thậm chí xuất khẩu các giống tốt như một số nước đã làm.

Bỏ rơi các giống thuần chủng

“Hiện tại công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi vẫn cơ bản hoạt động theo quy chế 1997 của Bộ KHCN. Bên cạnh đó có Pháp lệnh giống vật nuôi. Tuy nhiên giữa hai văn bản này không khớp với nhau và cũng không cập nhật được các quy tắc của FAO trong lĩnh vực này”. TS Võ Văn Sự

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước, người đang nuôi hơn 50.000 con gà công nghiệp cho biết: “Nếu nước ta có được giống gà nuôi công nghiệp thuần chủng thì tôi nghĩ lợi nhuận cho người nuôi sẽ tăng hơn, giá bán cạnh tranh hơn. Mỗi con gà bố mẹ nhập từ nước ngoài về đã hơn 2USD nên dẫn đến chi phí của người nuôi khá cao.

Từ trước đến nay trại gà của tôi toàn nhập giống gà thương phẩm từ các công ty. Các công ty này lại nhập giống gà bố mẹ từ Mỹ, Pháp…, chưa từng dùng giống gà Việt Nam. Hiện cũng chưa thấy trại gà nào dùng giống gà bố mẹ có nguồn trong nước”.

Còn ông Trần Văn Bé- hộ chăn nuôi lợn tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cũng phản ánh: “Lúc còn nhỏ nhà tôi toàn nuôi các giống lợn thuần trong nước, thịt thơm ngon và ít mỡ. Khi mở trang trại, toàn bộ giống nhập đều là tên nước ngoài như Yorkshire, Đại bạch, Duroc… Mấy giống thuần của Việt Nam không thấy nữa. Nếu có những giống lợn cho năng suất cao, phẩm chất thịt tốt mà thuần Việt tôi sẵn sàng nuôi, nhưng bây giờ muốn kiếm giống thuần rất hiếm mà lại không kinh tế, nuôi ăn chơi thì được”.

Theo TS Võ Văn Sự, chúng ta vẫn chưa có kế hoạch thường xuyên, cập nhật tình hình để giám sát các quần thể vật nuôi bản địa, chỉ thi thoảng mới có các dự án điều tra. Vì thế sau một thời gian “ngoảnh lại” thì đã muộn. Hậu quả của việc sao nhãng như nói trên, thí dụ như cừu Phan Rang, trước năm 2004 nguồn gen còn nguyên vẹn, nay hầu như đã bị lai.

Trong khi đó, ở cấp quốc gia, chưa hình thành một bộ máy – ít nhất là để điều phối công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi từ trung ương tới địa phương. Và cho đến nay ở nước ta chính thức chưa đưa ra một bộ tiêu chí chuẩn để đặc tả nguồn gen vật nuôi. “Yếu tố cần thiết nhất là sự vào cuộc của nhà nước. Quan trọng nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu về các vật nuôi trên cả nước. Chỉ có nhà nước mới đủ quyền hạn và khả năng làm điều này. Và khi có được thống kê số lượng, chất lượng các loại vật nuôi, lúc đó chúng ta mới mời gọi được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khác cùng làm” – TS Nguyễn Văn Bắc nói.

Đề án bảo tồn nguồn giống vật nuôi Việt Nam do Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) chủ trì thực hiện từ năm 1990 đến nay cũng chỉ chi cho việc bảo tồn một cơ số rất nhỏ- gia súc: đực 3-10 con, cái <50 con; gia cầm trống 20 con và mái 100-200 con. Đương nhiên cơ số bảo tồn đó đều nằm ở mức báo động rất nguy hiểm.
TS Vũ Chí Cương- Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia: Cần đầu tư  ít nhất 1 triệu USD/ngân hàng

Nước ta có rất nhiều giống bản địa tốt. Hiện Tổ chức JICA (Nhật Bản) đang hỗ trợ Viện Chăn nuôi quốc gia xây dựng nguồn gen bản địa về lợn. Việc thành lập ngân hàng gen để bảo tồn các loài là rất cần thiết. Bên trồng trọt đã có trung tâm bảo tồn giống các cây trồng, thì tại sao bên chăn nuôi không có. Tuy nhiên, để xây dựng một trung tâm rất tốn kém, như quốc tế thường mất 10 triệu USD để xây dựng một ngân hàng lớn, còn ở nước ta nếu muốn xây dựng cũng cần phải ít nhất 1 triệu USD và chỉ có nhà nước hỗ trợ mới thực hiện được.

TS Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT): Phải tính sử dụng sao cho hiệu quả

Việc thành lập ngân hàng gen theo tôi là cực kỳ quan trọng, bởi hiện có trường hợp như du khách đến chỉ cần mua vài quả trứng gà Đông Tảo về họ có thể nhân ra rất nhiều con gà khác, khi đó giống bản địa riêng có của chúng ta sẽ bị mất đi.

Chúng ta đang có 2 dạng bảo tồn nguồn gen vật nuôi là bảo tồn trong phòng thí nghiệm và bảo tồn ở ngoài sản xuất. Tôi cho rằng, bảo tồn ở ngoài sản xuất là rất cần thiết, nếu chúng ta không thực hiện, các giống bản địa sẽ bị mai một, thậm chí bị mất hết do quá trình lai tạo, giao phối cận huyết diễn ra.

Tuy nhiên, vấn đề là thành lập xong ngân hàng gen rồi chúng ta phải sử dụng như thế nào, bởi nếu chỉ bảo tồn mà không sử dụng thì không có ý nghĩa gì, vì thực tế có những giống bây giờ chỉ còn con đực, không còn con cái…

Ngọc Lê (ghi)