Giá gạo – “cơn sốt” đã hạ nhiệt

Các địa phương khuyến cáo người dân cần nắm thông tin chính xác, bình tĩnh, tránh bị kích động, lôi kéo đổ xô mua gạo dự trữ… tạo "cơ hội" để các cơ sở kinh doanh tăng giá gạo kiếm lời.

Giá tăng là do đầu cơ

Từ sáng 27/04 do thông tin giá gạo tại các tỉnh phía Nam tăng, giá gạo Hà Nội đột ngột tăng chóng mặt. Nhiều chủ đại lý gạo ở Hà Nội cũng giật mình với mức tăng chưa từng có này, giá gạo không tính theo ngày nữa mà biến động hằng giờ. Tính đến 14 giờ chiều, hầu hết các đại lý gạo tại chợ Xanh Kim Liên đều nhận được ít nhất 4 cú điện thoại báo giá mới từ nhà cung cấp. Giá gạo đã tăng vọt lên 12.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại. Mặc dù mỗi đại lý đều có 3 – 4 cơ sở lấy hàng, nhưng trong ngày 27/04 các nhà cung cấp đều thông báo hết gạo. Có nơi còn gác máy không nghe. Các quầy bán gạo của siêu thị cũng trống trơn. Hầu như tất cả số gạo dự trữ trong kho đã bị vét sạch. Có lẽ vì giá gạo tại siêu thị rẻ và không biến động như gạo ngoài thị trường tự do.Trong ngày Chủ nhật, người dân ở nhiều tỉnh, thành phố như Nha Trang, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cà Mau, Lâm Đồng… cũng đổ xô tới các cửa hàng gạo để mua về dự trữ.

Những tin tức về giá gạo tăng đột biến được đăng tải dồn dập trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến “cơn sốt” càng tăng nhiệt, trở thành câu chuyện thời sự cho mọi người nội trợ và những nơi có đông người. Và rồi, người nội trợ thì đổ xô đi mua, trong khi thương lái lại găm hàng chờ giá cao hơn.

Lý giải cho tình trạng “có một không hai” này, Giáo sư Võ Tòng Xuân- người có nhiều đóng góp lớn trong việc nghiên cứu, phát triển cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long- cho rằng giá gạo “sốt” chủ yếu do các thương lái đầu cơ, nhưng cũng có một nguyên do từ người tiêu dùng đổ xô đi mua gạo quá nhiều.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng khẳng định, nguyên nhân chính tạo ra cơn sốt gạo hiện nay là do đầu cơ. Cụ thể là lợi dụng cơ hội thế giới đang bị khủng hoảng lương thực, một số tiểu thương, nhà máy xay xát và một số doanh nghiệp cung ứng lương thực, thậm chí một số doanh nghiệp không kinh doanh lương thực cũng nhảy ra mua gạo để đầu cơ, ghìm hàng không bán ra, hoặc ngưng bán rồi sau đó đẩy giá lên cao để trục lợi.

Thực tế “cung” vẫn đủ “cầu”

Ông Trương Thanh Phong khẳng định, Việt Nam chẳng những không thiếu gạo cho tiêu dùng nội địa mà còn dư gạo để xuất khẩu.

Trong cuộc giao ban trực tuyến của Chính phủ sáng 27/04, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định Việt Nam không thiếu gạo và tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 của thế giới.

Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vừa thu hoạch xong vụ lúa đông xuân với tổng sản lượng toàn vùng đạt 9,4 triệu tấn, tăng 300.000 tấn so với năm ngoái. Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng đang vào mùa gặt và sản lượng lúa gạo ở khu vực này vẫn ước đạt 1,3 triệu tấn, chỉ giảm so với năm ngoái khoảng 80.000 tấn.

Tại các tỉnh phía Bắc, mặc dù đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã gây thiệt hại đáng kể cho nông dân, nhưng sau khi nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục, đã cơ bản hoàn thành diện tích gieo cấy, hiện lúa đang phát triển rất tốt. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, không xảy ra lũ lụt, mưa đá, trời nắng nóng khi lúa trổ đòng… sẽ thu hoạch được khoảng 6,5 triệu tấn gạo, bằng với sản lượng năm trước.

Như vậy, vụ đông xuân năm nay, tổng sản lượng lúa của cả nước ước đạt 17,2 triệu tấn, tăng khoảng 200.000 tấn so với vụ trước. Với lượng lúa này, Việt Nam không những đáp ứng đủ nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà vẫn có thể dành ra một lượng nhất định để xuất khẩu.

Xử lý nghiêm hành động đầu cơ

Để hạ nhiệt cơn “sốt ảo”, tại một số địa phương, cơ quan chức năng đã can thiệp để bình ổn giá gạo trở lại. Cụ thể, tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/04, Sở Thương mại đã có cuộc họp với các ban, ngành, Công ty Lương thực miền Nam, Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh, Công ty lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH chuyên kinh doanh gạo Vinh Phát… bàn giải pháp cấp bách để ổn định thị trường gạo.

Các Công ty lương thực đã cam kết rót ngay 2.000 tấn gạo bổ sung lượng gạo dự trữ cho hệ thống các siêu thị để bán cho người dân theo đúng giá niêm yết 11.000 đồng/kg gạo thơm thường, trong đó 500 tấn gạo đầu tiên đã được lệnh xuất kho cho Sài Gòn Co-op.

UBND các quận, huyện cũng chỉ đạo Phòng Quản lý thị trường các quận, huyện kết hợp với Phòng Kinh tế và Ban Quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu các hộ kinh doanh phải niêm yết giá bán công khai và cam kết không được tự ý tăng giá bán gạo. Nhờ vậy, thị trường gạo tại thành phố Hồ Chí Minh đang dần ổn định trở lại.

Cùng ngày, thực hiện Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Quảng Ngãi… đã khẩn trương chỉ đạo các huyện, thị xã, các ngành có liên quan, nhất là ngành Công thương, Quản lý thị trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống các cơ sở kinh doanh, mua bán đầu cơ tạo cơn sốt thiếu gạo ảo nhằm trục lợi; đặc biệt là giám sát chặt chẽ các cơ sở vựa gạo đầu mối, thương lái, nhà máy xay xát gạo “găm hàng” làm mất cân bằng cục bộ nguồn lương thực lúa, gạo. Đồng thời, các địa phương đã khuyến cáo người dân nắm thông tin chính xác, bình tĩnh, tránh bị kích động, lôi kéo đổ xô mua gạo dự trữ… tạo “cơ hội” để các cơ sở kinh doanh tăng giá gạo kiếm lời.

Qua sự việc này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, đồng thời với các biện pháp khống chế giá gạo bán ra, Nhà nước nên có biện pháp xử lý ngay đối với những người tích trữ, đầu cơ.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi, để xảy ra tình trạng vừa qua, trách nhiệm của Cơ quan Quản lý thị trường đến đâu?./.