Vụ lâm tặc “cướp rừng”: Máu người giữ rừng có đổ xuống vô ích?

11 lâm tặc bị bắt trong vụ “cướp rừng” ở Đắk Lắk khiến 5 cán bộ bị thương đã được thả ngay sau 24 tiếng tạm giữ. Và dù ngày 14/04 Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar đã ký Công văn số 429/CV – UBND đề nghị Công an và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện nhanh chóng khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định khởi tố nào được ban hành.

Đắk Lắk: Lâm tặc “cướp rừng”, 5 cán bộ bị trọng thương

Lâm tặc ngày càng ngang tàng và hung hãn thách thức lực lượng giữ rừng. Những ngày qua chúng vẫn tiếp tục tàn sát rừng Cư M’gar bất chấp sự phẫn nộ của dư luận.

Người giữ rừng mất mạng, đổ máu, và luôn bị đe dọa

Vụ lâm tặc “cướp rừng” khiến 5 cán bộ trọng thương tại rừng Buôn Ja Wầm xảy ra chỉ mấy tháng sau khi anh Nguyễn Minh Huệ – Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm hi sinh trong 1 vụ đối đầu với lâm tặc.

Ngày 27/11/2007, đoàn tuần tra của anh Huệ gặp 1 tốp 20 lâm tặc đang dùng cưa xăng khai thác gỗ tại tiểu khu 540. Lần này do được chuẩn bị trước nên quân của anh Huệ đủ đông để “đánh thắng” được bọn lâm tặc và thu giữ được toàn bộ tang vật gồm 1 xe độ chế, 1 xe cày MTZ loại lớn và 7m3 gỗ.

Để đưa “chiến lợi phẩm” về, đích thân anh Huệ phải lái chiếc MTZ của lâm tặc kéo theo một cây gỗ lớn. Do không quen điều khiển chiếc xe này nên anh Huệ đã bị xe lật đè lên người. Tai nạn xảy ra giữa rừng sâu nên khi đồng đội đưa được anh Huệ tới bệnh viện cấp cứu thì đã quá muộn.

Chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh Huệ bị đau tim nặng, khi nghe tin chồng hy sinh đã liên tục bị ngất và đến nay phải nằm điều trị tại bệnh viện Trung Ương Huế. Ở nhà 3 đứa con nhỏ của anh Huệ phải tự nheo nhóc nuôi nhau.

Ông Dương Văn Sơn – Phó giám đốc Cty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết đã nhiều lần xin các cơ quan chức năng làm chế độ cho anh Huệ nhưng vẫn chưa được giải quyết.

May mắn hơn anh Huệ, anh Hoàng Biên – Phó Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm cũng bị một nhóm lâm tặc xông thẳng vào trụ sở chém nhiều nhát chí mạng nhưng đã được đồng nghiệp can thiệp và kịp thời đưa anh đi cấp cứu.

Nguyên nhân anh Biên bị chém xuất phát từ việc cán bộ lâm trường thu giữ một chiếc cưa máy của nhóm lâm tặc do Hiếu “cụt” (trú tại xã Ea Kiết huyện Cư Mgar) cầm đầu.

Sau vài lần đến lâm trường xin lại cưa không được, Hiếu “cụt” đã huy động hàng chục đàn em mang theo gậy sắt, mã tấu đến đập phá trụ sở đuổi đánh và chém người. Hành vi côn đồ hung hãn của Hiếu “cụt” sau đó chỉ bị tòa án huyện Cư M’gar đề nghị xử phạt hành chính.

Đáng nói hơn, trước khi tổ chức hành hung anh Biên, Hiếu “cụt” đã từng đích thân mang mã tấu đến trụ sở lâm trường bổ thẳng vào giữa đỉnh đầu một nhân viên của lâm trường tên là c vì anh này dám chặn bắt gỗ lậu của Hiếu “cụt”.

Vụ chém Y Soen Hiếu “cụt” cũng chỉ bị xử án treo. Sau hàng tháng trời điều trị tại bệnh viện, Y Soen bình phục nhưng sau đó anh cũng phải xin nghỉ việc vì những tin nhắn đe dọa từ đàn em của Hiếu “cụt” luôn khiến anh phải sống trong tâm trạng hoang mang lo lắng.

Lâm tặc ngày càng hung hãn, manh động

Những người dân sống quanh rừng cho chúng tôi biết lâm tặc ngày càng tỏ ra hung hãn, manh động. Cách đây vài năm trở về trước, khi họ thấy có “va chạm” giữa lực lực lượng giữ rừng và lâm tặc, thì phe phải bỏ chạy luôn là lâm tặc.

Còn bây giờ mỗi khi xảy ra “cuộc chiến”, thì hầu hết phía phải rút lui là lực lượng giữ rừng. Lâm tặc ngày nay không chỉ tổ chức đi theo từng băng nhóm đông đảo, chúng còn mang theo hung khí để sẵn sàng chống trả.

Thâm độc hơn, các ông trùm còn quy nạp nuôi dưỡng những tên nghiện heroin. Những tên này vì cần tiền để hút chích nên có thể làm bất kỳ điều gì theo sự sai bảo của ông chủ, kể cả liều mình lăn xả vào chống trả và hành hung lực lượng giữ rừng.

Nhiều cán bộ kiểm lâm Cư M’gar cũng công nhận với chúng tôi rằng hầu hết những cuộc đụng độ gần đây họ đều thất bại vì lâm tặc quá liều lĩnh và manh động.

Nhưng “thù ngoài” chưa nguy hiểm bằng “giặc trong”. Chính ông Nguyễn Xuân Khu- Hạt trưởng hạt kiểm lâm Cư Mgar – khẳng định rằng từ lâu ông đã nghi ngờ có một vài cán bộ kiểm lâm của ông làm nội gián cho lâm tặc.

Những cán bộ biến chất này khiến cho công việc giữ rừng vốn đã khó khăn càng trở nên nan giải. Hầu hết những đợt ra quân chống lâm tặc đều bị những tay nội gián này báo trước cho lâm tặc tẩu thoát.

Ông Phạm Đình Tường, Giám đốc lâm trường Buôn Ja Wầm cho biết để chuẩn bị tốt cho trận “đại chiến” đêm 11/04 vừa qua, cán bộ lâm trường phải ăn cơm nắm nằm phục nhiều ngày đêm liền tại các điểm quan trọng.

Khi thấy lâm tặc quá đông, lâm trường đã phải cầu cứu đến lực lượng kiểm lâm, công an và bộ đội. Và cũng như những lần ra quân lớn khác, đích thân ông Tường đã thu giữ điện thoại di động của những người tham gia trong đoàn công tác (chỉ để điện thoại cho những nhóm trưởng liên lạc với nhau) nhằm đảm bảo bí mật thông tin tuyệt đối.

Qua bao lần đã phải đổ máu, và thậm chí là đã có người hi sinh, những người giữ rừng nói giờ đây họ chỉ hy vọng là máu của họ đã không đổ xuống một cách vô ích.

Nhưng qua những gì đã xảy ra, thì hy vọng “giản dị” đó xem chừng cũng khá xa vời nếu không có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt hơn của chính quyền và các cơ quan chức năng để những tên lâm tặc không còn dám hung hãn, manh động chống
lại người giữ rừng và cướp rừng một cách trắng trợn như hiện nay.