Lilly (12 tuổi, nhà hoạt động môi trường người Thái Lan) quyết định bỏ học để nhặt rác nhựa dọc những dòng kênh và đường phố Bangkok.
Cô bé người Mỹ gốc Thái mải miết thu gom vỏ lon, chai nhựa, túi nylon bị vứt bừa bãi trên đường. Hầu hết trong số này là những sản phẩm nhựa từ các hàng ăn dạo, tạp hóa, kiốt cà phê.
“Dù luôn cố gắng lạc quan nhưng con không khỏi tức giận. Môi trường đang trở nên tồi tệ với tốc độ không phanh. Chẳng phải đã đến lúc mọi người phải cùng ra sức bảo vệ lấy nó hay sao?” – Lilly chia sẻ.
Thái Lan mỗi năm thải nhựa ra biển với số lượng đứng thứ sáu toàn thế giới. Theo thống kê, trung bình hằng năm mỗi người dân nước này dùng 3.000 túi nylon, gấp 12 lần một công dân EU.
Tháng 6 vừa rồi, khu chợ trung tâm Bangkok “Central” cam kết: Một ngày hằng tuần, họ sẽ nói không hoàn toàn với túi nylon trong toàn bộ chuỗi. Thay đổi này được lấy cảm hứng từ anh hùng nhí Lilly và những nỗ lực của cô.
Trong tháng 9-2019, nhiều thương hiệu lớn bao gồm chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cũng tuyên bố ngừng sử dụng túi nylon kể từ tháng 1-2020.
Lilly cho biết: “Nếu những người ở vị trí lãnh đạo từ chối lắng nghe, hành động, chỉ còn cách tiếp cận những nơi phân phối đồ nhựa, túi nylon và thuyết phục họ”.
Giới truyền thông thế giới gọi Lilly là phiên bản Thái của Greta Thunberg – nhà hoạt động môi trường Thụy Điển 16 tuổi.
Cuộc chiến vì môi trường
Tháng 8-2018, Greta bỏ học để biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển, yêu cầu chính phủ giảm ngưỡng khí thải CO2 theo hạn ngạch của Công ước Paris về biến đổi khí hậu. Greta lúc này chỉ mới 15 tuổi.
Cái tên Greta Thunberg nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu. Cô truyền cảm hứng cho làn sóng biểu tình “Thứ Sáu vì môi trường” được khởi xướng tại Stockholm (Thụy Điển), sau đó lan rộng đến nhiều thành phố lớn ở châu Âu và nay đã trải khắp 123 nước trên toàn thế giới.
Greta cũng được mời phát biểu trước nhiều lãnh đạo cấp cao trên thế giới tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP 24, Diễn đàn Kinh tế thế giới và Nghị viện châu Âu.
Tháng 3-2019, Greta được đề cử giải Nobel Hòa bình.
“Người ta nói mọi người phải chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu. Sự thực không phải vậy. Nếu ai cũng có lỗi thì chẳng ai có lỗi cả. Một số cá nhân, tập thể hiểu rất rõ những hậu quả môi trường họ đang gây ra nhưng sẵn sàng phớt lờ chúng để đổi lấy lợi ích kinh tế. Tôi nghĩ rất nhiều các vị đang ngồi đây thuộc nhóm người này” – Thunberg phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới.
“Người lớn nói họ yêu con cháu mình nhưng liệu họ có biết chính họ đang đánh cắp đi tương lai của chúng tôi không? Họ lo lắng khi con cái mình bỏ bê trường học và tham gia biểu tình. Nhưng tại sao chúng tôi phải đến trường và học tập cho tương lai khi nó không tồn tại?” – Greta chia sẻ với trang Great Big Story.
“Bỏ ngoài tai những bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu thì đơn giản, nhưng khi bọn trẻ không ngừng thắc mắc tại sao người lớn cứ xả rác trên Trái đất của chúng thì việc phớt lờ quả thực không dễ tí nào” – điều phối viên của Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc Kakuko Nagatani-Yoshida nhận định.
Biến đổi khí hậu 2.0
Không thể phủ nhận rằng giới truyền thông thế giới trong ba thập niên trở lại gần như thất bại trong việc hiểu và nói về môi trường. Năm 2019, người ta vẫn nhắc đến biến đổi khí hậu như một khái niệm xa xôi về không gian lẫn thời gian.
Trên thế giới, rừng mưa nhiệt đới Amazon ở Nam Mỹ bị cháy trên diện rộng. Hạn hán kéo dài ở châu Phi và Úc. Bão tuyết kéo dài ở Bắc Mỹ. Nhiệt độ tại nhiều thành phố biến động gần 30 độ chỉ trong vòng 24 tiếng.
Ấy vậy mà khi nói về biến đổi khí hậu, rất dễ dàng bắt gặp những cái tặc lưỡi tai hại. Đây, một lần nữa, là ví dụ cho việc chúng ta đang làm không tốt nhiệm vụ nghe – hiểu – nói về môi trường.
Biến đổi khí hậu không những là một vấn đề phức tạp mà còn là một viễn cảnh đáng sợ. Nhưng chúng ta không nên vì thế mà trốn tránh nó.
Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy Trái đất còn 12 năm trước khi những hậu quả của biến đổi khí hậu đạt mức “không thể quay đầu”.
Không phải chỉ còn 12 năm, mà có tới tận 12 năm.
Chuyện vĩ mô phải đi từ vi mô
“Cháu là Greta Thunderberg, 15 tuổi, đến từ Thụy Điển (…) Cháu học được rằng không ai là quá nhỏ bé để tạo ra sự khác biệt cả” – nhà hoạt động môi trường nhí phát biểu tại Hội nghị COP 24.
Thật vậy, không ai là quá nhỏ bé để tạo ra sự khác biệt.
Bảo vệ môi trường có thể đơn giản là cùng đọc – nghe – hiểu – nói và hành động. Nó đến từ những thay đổi đơn giản nhất trong lối sống: Chủ động hạn chế đồ nhựa một lần, không xả rác; chủ động tái chế, tái sử dụng; cân nhắc về lựa chọn tiêu dùng.
Chuyện vĩ mô, suy cho cùng, phải đi từ những bước vi mô.