Đồng bằng vắng bóng trâu

Ở các vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), con trâu gắn liền với nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Trên đồng ruộng từ bao đời nay, con trâu thay thế con người để kéo cày, làm đất, kéo lúa… là hình ảnh rất quen thuộc. Thế nhưng thời gian gần đây, đàn trâu ở ĐBSCL sụt giảm nghiêm trọng và đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong. Đâu là nguyên nhân?

Lập nghiệp… nhờ trâu!

Ông bà xưa có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, điều này hoàn toàn đúng, bởi rất nhiều gia đình ở nông thôn khởi nghiệp từ con trâu và nhờ đó mà vươn lên khá giả.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người dân xã Định Hòa (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) tôn vinh ông Bảy Mẫn (Trần Văn Mẫn), 82 tuổi, là người nuôi trâu giỏi nhất vùng. Năm 11 tuổi, ông đã đi chăn trâu, lớn lên lấy vợ cũng chọn con trâu làm kế sinh nhai.

Hồi đó, đất rộng người thưa nên con trâu được xem là phương tiện chính trong sản xuất nông nghiệp. Đến mùa vụ là ông Bảy Mẫn dắt đôi trâu đi cày thuê từ đồng nhà Định Hòa rồi sang đồng Phong Hòa, Tân Hòa…

Đầu vụ đông xuân, ông lại đem trâu đi bừa, trục đất cho bà con gieo sạ. Khi thu hoạch lúa, ông tiếp tục đi kéo lúa từ ruộng về nhà… Cứ như vậy, đôi trâu của ông làm việc quanh năm.

Cần cù, chịu khó và làm đất kỹ lưỡng nên “mối mang” ngày càng nhiều. Từ 1 đôi trâu, ông tăng đàn lên 4 đôi và đi cày thuê chuyên nghiệp khắp nơi xa gần. Có năm ông đưa trâu sang tận đồng Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) cày, trục, kéo lúa… suốt mấy tháng mới về.

Ông nhớ lại: “Hồi trước, cái gì cũng cần trâu nên làm thấy ham lắm. Xong mỗi vụ kiếm vài trăm giạ lúa dễ ợt”. Năm 1970, ông Bảy Mẫn là một trong những hộ xây nhà tường khang trang sớm nhất Định Hòa. Sau đó, ông mua 55 công ruộng và nuôi 10 đứa con khôn lớn… tất cả đều nhờ đàn trâu mà ra.

Anh Lê Văn U, ấp Định Tân, xã Định Hòa cho biết: “Cách nay 20 năm, sau khi cưới vợ và ra ở riêng được cha mẹ cho 1 đôi trâu. Từ việc dùng đôi trâu cày thuê, kéo mướn mà đến nay đã mua được 4 công ruộng”.

Tương tự, ông Võ Văn Tư, xã Tân Thành (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) cũng nhờ đôi trâu mà cất nhà tường và mua đất. Ông Danh Hùng Sơn, thị trấn Sóc Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) tâm sự: “Trước đây, gia đình nuôi 10 con trâu nhưng tới mùa vụ là làm không kịp nghỉ. Thu nhập khá lắm, sống khỏe ru…”. Hàng loạt gia đình khác ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… cũng nhờ trâu mà khá giả.

Đàn trâu nguy cơ… biến mất!

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhìn nhận: “Những năm qua con trâu đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bởi sức người không thể kéo cày, trục đất thay trâu được”.

Khoảng năm 1990 đến nay, khi cơ giới hóa trên đồng ruộng phát triển mạnh, máy xới, máy làm đất… ngày càng nhiều thì sức trâu không còn phổ biến như trước. Tại nhiều nơi, đàn trâu liên tục giảm mạnh và không ít xã ở ĐBSCL, con trâu đã không còn (!?).

Ông Nguyễn Văn Minh (ở Vĩnh Long) buồn rầu nói: “5 năm nay rất ít người thuê cày, trục nên nuôi trâu không còn tác dụng. Cuối cùng đành phải bán trâu, dù rất tiếc nhưng đâu còn cách nào khác”.

Ông Lê Minh Khánh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, lo lắng: “Đàn trâu giảm một cách nghiêm trọng mà không cưỡng lại được. Hiện toàn tỉnh chỉ còn vỏn vẹn 377 con trâu và nguy cơ tiếp tục giảm”.

Tại An Giang, trong 80.000 con trâu, bò thì số lượng trâu chỉ có 5.063 con. Đồng Tháp cũng còn lại khoảng 2.000 con; Long An gần 11.445 con trâu; Kiên Giang 8.536 con; Trà Vinh không đến 2.400 con trâu; “tệ” nhất là Vĩnh Long chỉ còn 192 con trâu…
Cứu đàn trâu đang là vấn đề cấp bách đặt ra. Theo ngành thú y các tỉnh ĐBSCL, tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa trên đồng ruộng là tính tất yếu của sự phát triển.

Hiện tại, đàn trâu không còn dùng kéo cày như trước, tuy nhiên việc bảo vệ, duy trì loại gia súc này là rất cần thiết, bởi con trâu gắn liền với nông thôn Việt Nam từ bao đời nay.

Theo đó, các tỉnh đưa ra giải pháp căn cơ là chuyển sang nuôi trâu lấy thịt. Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp phân tích: “Số lượng đàn trâu của Đồng Tháp hiện nay không đủ cung cấp trong tỉnh, lấy đâu mà bán cho thị trường TP.HCM rộng lớn”.

Tại Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang… số lượng trâu cũng không đáp ứng đủ tiêu thụ tại chỗ. Anh Trương Văn Luốc, Phó Trạm thú y huyện Tri Tôn (An Giang) thừa nhận: “Thịt trâu ngày càng hiếm.

Hiện tại muốn ăn thịt trâu phải chạy xuống Long Xuyên hay sang tận Kiên Lương, Hòn Đất…tìm mua mỏi mắt!”. Theo ông Hai Mít, thương lái buôn trâu bò ở biên giới An Giang thì mấy năm qua, thịt trâu tiêu thụ ở ĐBSCL và thị trường TP.HCM phần lớn nhập từ Campuchia sang.

Do nguồn cung không đủ cầu nên mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chính thức có công văn gởi Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ cho phép “nhập trâu, bò” từ Campuchia.

Điều này cho thấy các tỉnh ĐBSCL hoàn toàn có thể phát triển nghề “nuôi trâu lấy thịt”, giống như “nuôi bò lấy thịt” làm rầm rộ mấy năm qua. Được vậy, vừa giữ đàn trâu, vừa cung cấp nguồn thịt trâu bổ dưỡng cho người tiêu dùng, không phải nhập khẩu từ nước ngoài?

Vấn đề ở chỗ chính quyền địa phương và ngành liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện để khôi phục đàn trâu như: hỗ trợ vốn, lập dự án cho vay nuôi trâu (giống như cho vay nuôi bò), trồng cỏ, đầu tư con giống…

Phải làm quyết liệt nhiều giải pháp mới mong giữ được đàn trâu, để con cháu sau này biết đến mặt mũi con vật từng một thời giúp người dân nông thôn lập nghiệp.