ThienNhien.Net – Thủy điện tích nước, gần hai triệu dân Vu Gia nguy cơ “chết khát” nhưng Bộ Tài nguyên & Môi trường đã “né” yêu cầu đối thoại công khai của địa phương này.
Tiếp tục kiện Bộ TN&MT
Ngày 6/4, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng (Sở NN&PTNT) cho biết, theo kế hoạch, ngày 10/4, Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TNMT) sẽ tổ chức đối thoại rộng rãi với Đà Nẵng và các bên về những bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2, đã đẩy vùng hạ du sông Vu Gia lâm cảnh thiếu nước trầm trọng.
Kế hoạch này được Bộ đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ hồi tháng 2/2014, sau khi Đà Nẵng gửi Công văn yêu cầu các thủy điện trả lại nước cho vùng hạ du sông Vu Gia, nếu không Đà Nẵng sẽ kiện Bộ TNMT ra tòa.
Tuy nhiên, chỉ còn 4 ngày nữa phía Đà Nẵng lại nhận được công văn hỏa tốc của Bộ TNMT do Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển ký chỉ “mời họp cho ý kiến về Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn”.
Cuộc họp vào ngày 10/4 tại trụ sở của Bộ này thành phần được mời tham dự “bó hẹp” gồm đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, UBND TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tổ soạn thảo Dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa cạn.
Ông Thắng nhấn mạnh: “Nếu Bộ vẫn có những quyết định bất hợp lý thì chúng tôi vẫn sẽ “bung” lại, vẫn sẽ tiếp tục kiến nghị cho đến khi nào lợi ích chính đáng của 1,7 triệu dân Quảng Nam, Đà Nẵng ở hạ lưu sông Vu Gia được đảm bảo”.
Cũng theo ông Thắng, có hai vấn đề mà Đà Nẵng nêu ra: Thứ nhất, sẽ khiếu kiện Bộ TN-MT về việc lập quy trình vận hành liên hồ chứa gây tác động rất lớn cho hạ du vì quy trình này chỉ làm lợi cho thủy điện, bất chấp quyền lợi của hạ du.
Lý do, Dự thảo đã vi phạm nghiêm trọng các Khoản 2, 5, 7, 8 Điều 3 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm Khoản 1 Điều 9 về các hành vi bị cấm; Khoản 1, 2 Điều 54 về điều hành, phân phối tài nguyên nước; Khoản 1 Điều 55 về chuyển nước lưu vực sông; Khoản 3 Điều 60 về phòng, chống hạn hán, lũ lụt, ngập úng nhân tạo… của Luật Tài nguyên nước. Thứ hai, Đà Nẵng có thể khởi kiện, bắt chủ đầu tư đền bù những thiệt hại do thủy điện Đăk Mi 4 gây ra.
Gần 2 triệu dân vùng hạ du nguy cơ “chết khát”
Ông Thắng chia sẻ, thời điểm hiện tại, miền Trung đã bắt đầu mùa nắng nóng. Vụ Hè Thu cũng chỉ còn một tháng nữa vào vụ. Vì thế, nếu khoảng thời gian này thủy điện Đắk Mi 4 không trả lại nước khu vực vùng hạ du sông Vu Gia sẽ không còn kịp nữa.
Và như vậy, toàn bộ diện tích khoảng 30.000ha lúa, hoa màu của người dân gồm Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam) và TP.Đà Nẵng sẽ lâm vào tình trạng khô hạn, mất mùa.
Tình hình sẽ càng khốc liệt hơn nhiều, nguồn nước sinh hoạt chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu như Dự thảo quy trình vận hành liên hồ thủy điện, thủy lợi do được thông qua mà chưa bàn bạc, thống nhất điều chỉnh lại.
Theo ông Thắng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 trả lại cho sông Vu Gia 25 m3/giây (thủy điện này lấy nước của sông Vu Gia để phát điện nhưng lại trả nước về sông Thu Bồn) nhưng quy trình này làm trái chỉ đạo. “Đơn vị tư vấn lập Dự thảo chỉ biết đặt lợi ích của thủy điện lên trên hết, bất chấp “việc sống còn” của 1,7 triệu người dân vùng hạ du sông Vu Gia”, ông Thắng bức xúc.