Đề cử thêm 4 khu đất ngập nước cần được ưu tiên bảo vệ

Tiến sĩ Trần Ngọc Cường, Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Cục Bảo vệ Môi trường, cho biết Việt Nam đã đề cử thêm 4 khu đất ngập nước với các tổ chức quốc tế để công nhận thành khu vực tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ đất ngập nước.

Bốn khu này bao gồm Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Hồ Ba Bể ( Bắc Kạn), Rừng U Minh và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Sau vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định) và Khu Bàu Sấu-Cát Tiên (Đồng Nai) – khu vực đầu tiên được đánh giá là thành công trong việc thực hiện Công ước Ramsar, Việt Nam mong muốn các khu vực trên được hỗ trợ bảo vệ tốt hơn về đa dạng sinh vật.

Hiện vườn Quốc gia Tràm Chim với diện tích hơn 7.500ha có gần 200 loài chim nước, chiếm khoảng 1/4 số loài chim hiện có ở Việt Nam, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như sếu đầu đỏ.

Hồ Ba Bể là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và nằm trong vườn quốc gia Ba Bể. Hồ được hình thành cách đây hơn 200 triệu năm. Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo và giá trị lớn về đa dạng sinh học. Hồ Ba Bể đã được tổ chức Hồ nước ngọt thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.

Rừng U Minh (U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau) là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quí hiếm trên thế giới. Rừng có hệ sinh thái rừng ngập nước, đặc biệt 8 loài chim nước quan trọng và các loài động vât quý hiếm, góp phần cân bằng sinh thái, tăng độ che phủ của rừng, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, nơi có cột mốc cuối cùng của Việt Nam trên đất liền, với tổng diện tích 41.862ha – một vùng đất ngập mặn với quần thể thực vật chiếm ưu thế là cây đước, cây mắm vốn nổi tiếng trong và ngoài nước./.