Kỳ 2: Lên núi xem pơ mu bị “giết”

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa nằm trên địa bàn 2 huyện Bắc Yên và Phù Yên (tỉnh Sơn La). Hơn chục năm qua, hiện tượng khai thác các loại lâm sản trái phép, nhất là gỗ quý pơ mu vẫn thường xuyên xảy ra. Lực lượng kiểm lâm đã rất cố gắng bảo vệ rừng, nhưng “máu” pơ mu vẫn chảy từng ngày.

Kỳ 1: Lâm tặc “náo nhiệt” núi rừng

Tan hoang rừng pơ mu

Đặt chân đến địa bàn xã Suối Tọ, huyện Phù Yên (Sơn La), chắc hẳn không ai có thể quên được hình ảnh những thân cây pơ mu cổ thụ trên những đỉnh núi cao quanh năm ủ trong sương giá bị tàn phá ra sao. Thời điểm đó là vào tháng 03/2004. Để tận mắt chứng kiến cảnh người ta bất chấp nguy hiểm, pháp luật lũ lượt kéo nhau lên núi kiếm tiền bằng cách “giết” đi những cánh rừng pơ mu, cả đoàn phải mất 1 ngày đường đi bộ với sự hộ tống của lực lượng chức năng…

Cuối năm 2007, đã gần 4 năm trôi qua, kể từ ngày đau đớn khi phải chứng kiến cảnh lâm tặc tàn sát pơ mu một cách không thương tiếc.

Tưởng rằng, cái cảnh “rừng vàng” bị “xẻ thịt”, sự hoang tàn của đại ngàn đó sẽ không còn khi các cấp, ngành đã rất nỗ lực vào cuộc sau những gì báo chí nêu. Vậy mà, đến giờ, lại phải tiếp tục chứng kiến những thân cây pơ mu cổ thụ cao hàng chục mét, có đường kính 2 đến 3 người ôm của khu bảo tồn bị đốn hạ trái phép.

Để rung lên hồi chuông đã quá hoen gỉ, lại một lần nữa, băng qua những cánh rừng già, dốc đá trơn trượt để lên núi thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, xem cảnh lâm tặc “mổ xẻ” pơ mu, kiếm lời trái phép.

Lần này không phải là địa bàn xã Suối Tọ, huyện Phù Yên mà là những cánh rừng pơ mu nằm chon von trên đỉnh núi mờ sương chạy qua xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Để đến được đó phải mất gần 2 ngày đường đi bộ và đi qua những ngôi nhà của đồng bào H’Mông 100% làm bằng gỗ pơ mu, thậm chí đến cả máng lợn, ghế ngồi, giường ngủ… cũng làm bằng pơ mu.

 
Nhiều khoảng rừng chỉ còn trơ gốc.

Dọc những chặng đường đi qua, vẫn là những cảnh tượng đã quá cũ, với những gốc cây pơ mu đang chảy nhựa bởi những vết cưa, vết rìu. Những thân cây pơ mu sù sì dài hàng chục mét, đường kính 2 đến 3 người ôm khi đổ xuống đã kéo theo cả những tầng cây dưới đổ theo mình, làm tan hoang cả một khoảng rừng.

Cùng với pơ mu vừa bị đốn hạ còn tươi nguyên là những cây bị lâm tặc chặt hạ trước đó vài tháng nhưng chưa kịp mang đi, nằm chỏng trơ dưới những hủm sâu, lưng chừng núi hay vắt ngang trên đường đi. Ban đầu, trên những đoạn đường qua, còn đếm được những gốc pơ mu bị chặt trộm, bởi con số đó nhiều quá không muốn đếm nữa…

Cũng vì khai thác trái phép, nên pơ mu ở đây không được tận thu hết mà khai thác rất hoang phí. Khi chặt hạ một cây pơ mu, lâm tặc chỉ lấy phần giữa để xẻ ra những hộp gỗ, còn lại gốc, ngọn và bìa bắp đều bỏ lại, dùng để làm lán, củi đốt hay phó mặc cho thời gian làm khô héo…

Trong rừng sâu, một lần nữa phải chạm trán với từng tốp lâm tặc đang từng ngày tàn phá không thương tiếc “tấm áo giáp xanh” bảo vệ chính cuộc sống của họ. Cũng chính vì lợi nhuận từ loài gỗ quý thuộc họ thông cùng cái giá hời của các chủ đầu nậu trả, bất chấp nguy hiểm, sự kiểm tra gắt gao của lực lượng kiểm lâm, mà những người nông dân hiền lành bỗng trở thành lâm tặc. Hằng ngày, họ cuốc bộ bằng đôi chân trần, lẩn trốn trong rừng sâu 4-5 ngày, lấy rừng làm đất “khai hoang” kiếm tiền.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa có tới 613 loài thực vật, 348 loài động vật, trong đó có 59 loài động vật và 6 loài thực vật ghi trong sách đỏ thế giới. Phong phú là vậy, nhưng 3 ngày đi trong những khu rừng già ẩm ướt không nghe nổi một tiếng chim hót hay dấu vết của thú rừng, thay vào đó là sự tan hoang, xơ xác. Cũng chính bởi sự xâm nhập của đội quân phá rừng cùng với những tiếng cưa máy, rìu chặt ồn ã và những bước chân vác gỗ trong nhiều năm qua, sự thanh bình của núi rừng đã không còn nữa.

“Nghề nguy hiểm”?

Công việc giữ rừng của những cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên thiên Tà Xùa ở đây vẫn được gọi là “nghề nguy hiểm”. Bởi lẽ, để bảo vệ được mỗi gốc pơ mu, các anh phải ngày đêm ăn ngủ trong rừng khi đi kiểm tra tuyến. Họ và gia đình còn phải liên tiếp gánh chịu sự “khủng bố” của lâm tặc cùng những áp lực từ nhiều phía.

Những cán bộ kiểm lâm ở đây bảo rằng, mỗi lần bắt được một vụ vận chuyển, khai thác gỗ trái phép là y như rằng các anh và gia đình lại nhận được điện thoại dọa nạt, lăng mạ của lâm tặc.

Đến ngay như gia đình ông Hạt trưởng Khu bảo tồn còn bị lâm tặc khủng bố bằng nhiều cách như: Ném đá vào nhà, làm bùa ngải đặt trước cửa nhà, gọi điện thoại dọa vợ con, đổ hàng chục xô phân vào nhà hay nguy hiểm hơn là đổ cả a xít vào nhà khi mọi người đang ngủ.

Nhiều địa bàn vùng núi cao, khi đi kiểm tra tuyến phải để xe máy lại bên đường, khi quay lại, xe máy đã bị cắt hết lốp và phá hỏng…

 
Lâm tặc hoành hành núi rừng.

Có cán bộ kiểm lâm sau một lần bắt gỗ lậu còn bị chúng tổ chức trói, đánh và đè xuống đất rồi kề dao vào cổ một cách bạo lực như… trong phim hành động. Đó là vụ xảy ra tại trạm Suối Khang, xã Suối Tọ (huyện Phù Yên). Kiểm lâm viên bị chúng trói đánh là anh Vừ Xuân Tạ, người H’mông, cán bộ Hạt kiểm lâm Tà Xùa do trước đó lực lượng kiểm lâm đã bắt gỗ của lâm tặc. Sáng hôm sau, chúng kéo gần 40 người cầm dao vây trạm. Sau khi chửi bới và dọa nạt, chúng trói anh Vừ Xuân Tạ rồi đưa lên bản và… đánh.

Mặc dù, lúc đó trong trạm có 1 khẩu súng nhưng vì lâm tặc đông, lại sợ gây hấn nên cán bộ trạm phải giấu khẩu súng đi. Nhưng thực ra, cán bộ trạm không dám làm gì vì lực lượng quá mỏng. Lâm tặc đa phần là người H’mông do bị xúi giục.
Người thân của một cán bộ kiểm lâm nơi đây tâm sự: “Nhiều lúc thấy chồng đi sớm về khuya, thậm chí là đêm không về vì phải phục bắt gỗ hay đêm không dám về vì đường xa, sợ bị phục đánh là lại thấy lo. Những lúc ở nhà ban đêm phải khoá trái cửa, có người gọi biết đích xác là hàng xóm hay người thân mới dám ra mở cửa…”.

Anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ kiểm lâm trạm Suối Chiếu, xã Mường Thải, nói: “Cũng rất may gia đình, vợ con ở ngoài huyện khác nên cũng đỡ lo hơn chút. Không như các anh em là người trong huyện, mỗi khi bắt giữ gỗ lậu lại phải lo cho việc đi lại của mình và người thân vì sợ bị trả thù. Anh em ở đây trừ lúc làm nhiệm vụ mới đi đêm, còn không dám đi một mình ra ngoài lúc đêm xuống”.

Cũng do sự uy hiếp của lâm tặc nên mỗi lần đi kiểm tra tuyến hay thu giữ gỗ trái phép, các anh phải thường xuyên đi cùng nhau, thậm chí còn phải mang thêm cả mũ bảo hiểm để tránh sứt đầu, mẻ trán khi đi trong rừng. Mỗi khi lực lượng kiểm lâm tổ chức đoàn kiểm tra, thậm chí còn dùng mẹo “điệu hổ ly sơn” nhưng khi đó lâm tặc lại… im hơi lặng tiếng, trả lại sự yên tĩnh “tạm thời” cho núi rừng.