Tulsi Tanti, người biến gió thành tiền

Trong muôn vàn những nẻo đường đi tới thành công trên thương trường, có lẽ con đường mà Tulsi Tanti lựa chọn là rất độc đáo: Biến những cơn gió tự nhiên thành nguồn năng lượng hữu ích, vừa phục vụ đời sống, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

Đóng vai trò là người khởi xướng, ông cũng là người giành được thành công lớn nhất trong ngành công nghiệp năng lượng điện gió tại Ấn Độ. Danh tiếng của Tulsi Tanti không chỉ được biết tới trong bản danh sách những tỷ phú của thế giới với khối tài sản cá nhân 10 tỷ USD mà ông còn được người dân tôn vinh là “Anh hùng trong chiến lược bảo vệ môi trường sống”.

Được thành lập năm 1995 bởi ý tưởng chuyển sức gió thành nguồn điện thay thế phục vụ sản xuất của Tulsi Tanti từ khi ông vẫn còn quản lí doanh nghiệp dệt Suzlon tại Surat, Suzlon Energy Ltd bước vào khai thác một lĩnh vực kinh doanh điện gió hầu như chưa có ai đặt chân tới. Đánh dấu sự khởi đầu ấn tượng bằng cánh đồng gió đầu tiên tại Vankusavade, quận Maharashtra, Suzlon Energy Ltd từng bước mở rộng hoạt động sản xuất sang các loại thiết bị phụ kiện và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Dưới bàn tay chèo lái của Tulsi Tanti, từ trụ sở chính đặt tại Pune, các sản phẩm của Suzlon Energy Ltd lần lượt chiếm lĩnh thị trường nội địa rồi tiến sang thị trường nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực từ Australia, Trung Quốc, New Zealand, Hà Lan cho tới Đức và Mỹ. Tới năm 2006, sau hơn 1 thập kỷ hoạt động, Suzlon Energy Ltd đã vươn lên vị trí là nhà sản xuất turbin gió lớn nhất châu Á và lớn thứ 5 thế giới với tổng thu nhập 868 triệu USD với nguồn nhân lực lên tới 13.000 người.

Ý tưởng độc đáo là bí quyết thành công

Sinh năm 1958 trong một gia đình làm nông nghiệp có 3 anh em trai tại tỉnh nghèo Gujarats Saurashtra; từ nhỏ, do bố mất sớm, Tulsi Tanti đã phải trải qua những tháng ngày lao động cực khổ và một cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Hàng ngày, vừa học tập, Tulsi Tanti vừa phải lao động kiếm tiền. Hoàn cảnh khắc nghiệt đó đã sớm xây dựng cho cậu bé Tulsi Tanti một ý chí quyết tâm vượt lên hoàn cảnh và thi đỗ vào Khoa điện tử trường Đại học Rajkots Saurashtra.

Xác định “Học tập là nền tảng đi tới thành công”, Tulsi Tanti rất chuyên cần nghiên cứu lý thuyết từ sách vở và sau đó vận dụng vào thực tế. Do hoàn cảnh khó khăn, để có thể tự trang trải học phí, Tulsi Tanti bắt đầu tính tới việc kinh doanh nhỏ. Đi vay được một khoản tiền nhỏ, Tulsi Tanti cùng 2 người em trai lập đầu mối nhận vận chuyển đồ thực phẩm đông lạnh cho các xí nghiệp trong vùng.

Công việc kinh doanh đầu tiên này không lớn nhưng những khoản lợi nhuận nho nhỏ thu được cũng đủ để Tulsi Tanti trang trải cuộc sống và đóng học phí. Bắt đầu từ đây, ý nghĩ về một tương lai gắn liền với kinh doanh cứ bám riết lấy Tulsi Tanti, bất chấp trong thời điểm đó, những gì cậu có vẫn chỉ là hai bàn tay trắng.

Tốt nghiệp đại học, Tulsi Tanti xin vào làm việc tại Công ty dệt may Suzlon ở Surat. Trên nền tảng những kiến thức chuyên sâu đã tích luỹ được, Tulsi Tanti mạnh dạn đưa ra những sáng kiến đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị giúp doanh nghiệp đạt được bước tăng trưởng rõ rệt.

Không lâu sau đó, Tulsi Tanti được bổ nhiệm vào vị trí quản đốc, rồi cuối cùng là người đứng đầu của Suzlon. Trên cương vị mới, bên cạnh không ít những khó khăn phải giải quyết, Tulsi Tanti còn phải đối mặt với khó khăn về nguồn năng lượng điện phục vụ sản xuất do thời điểm đó, chính phủ áp dụng chính sách tăng giá điện. Bằng tầm nhìn xa trông rộng của mình, Tulsi Tanti nghĩ ngay tới nguồn năng lượng thay thế là điện gió vừa rẻ vừa rất ổn định.

Mặc dù phải bỏ ra một khoản tài chính lớn, Tulsi Tanti vẫn quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy nhỏ tự sản xuất điện năng chỉ vỏn vẹn hai turbin chạy bằng sức gió. Đúng như những tính toán của Tulsi Tanti, nguồn năng lượng cần thiết phục vụ sản xuất dệt đã được cung cấp đầy đủ, Suzlon vừa giảm được một khoản chi phí lớn cho điện năng vừa nắm được thế chủ động trong sản xuất.

Biến gió thành tiền

Ý tưởng kinh doanh những cơn gió và chuỗi những thành công lớn của Tulsi Tanti từng được không ít người xem như một câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi, làm thế nào để một người xuất thân trong hoàn cảnh nghèo khó lại có thể vươn lên đỉnh cao của sự nghiệp. Có thể khẳng định rằng, khởi nguồn cho những thành công của Tulsi Tanti chính là khả năng phát hiện cơ hội kinh doanh và đưa ra được ý tưởng độc đáo nhưng cũng không kém phần mạo hiểm. Đó là cách xác định thời điểm.

Sau khi vấn đề khó khăn về nguồn điện của doanh nghiệp dệt đã được giải quyết triệt để bằng nguồn năng lượng thay thế, Tulsi Tanti lập tức hướng tầm mắt sang thị trường kinh doanh năng lượng trong nước. Nhận thấy nhu cầu về điện năng trước mắt và lâu dài đều rất lớn nhưng nguồn cung lại thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là các khu vực vùng nông thôn xa xôi, sau nhiều ngày trăn trở, năm 1995, Tulsi Tanti đưa ra quyết định táo bạo là thành lập nên công ty điện gió Suzlon Energy. Tới năm 2001, Tulsi Tanti từ bỏ hẳn lĩnh vực dệt để tập trung vào kinh doanh điện gió.

Quyết tâm thực hiện bằng được dự án nhà máy điện gió, Tulsi Tanti và các anh em trong gia đình đã gom tất cả các nguồn tài chính, thậm chí là bán đi nhiều tài sản để có được khoản tiền 600.000 USD. Vì đây là một trong lĩnh vực đặc thù nên máy móc và các loại trang thiết bị không phổ biến, Tulsi Tanti phải tốn không biết bao công sức, thời gian tới nhiều quốc gia châu Âu tìm kiếm đối tác.

Cuối cùng, một đối tác nhỏ của Đức là Công ty Sudwind cũng đồng ý cung cấp 10 turbin gió cùng các trang thiết bị khác để xây dựng nhà máy điện Vankusavade, quận Maharashtra. Ngay sau khi khánh thành và đi vào hoạt động, Vankusavade, quận Maharashtra đã trở thành cánh đồng gió đầu tiên của Ấn Độ và khu vực châu Á đạt công suất 201 megawatts. Suzlon nhanh chóng thiết lập được mạng lưới phủ rộng trên khu vực Pune và một số tỉnh thành lân cận. Ngay trong năm đầu tiên, lợi nhuận của Suzlon đã tăng vọt.

Minh chứng rõ nhất là khi có tên trên sàn giao dịch chứng khoán của Bombay Stock Exchange, Suzlon là một trong số ít doanh nghiệp được xếp vào danh sách những đơn vị có nguồn vốn hơn 4,0 tỷ USD. Chỉ sau ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu của Suzlon đã tăng lên tới mức kỷ lục là 60%. Nắm giữ 70% nguồn vốn của doanh nghiệp, ngay từ giữa thập niên 90, Tulsi Tanti đã trở thành một trong những số ít triệu phú tiền đô của Ấn Độ.

Dựa trên tốc độ tăng trưởng nhanh của Suzlon, Tulsi Tanti tập trung xây dựng chiến lược chiếm lĩnh thị trường nội địa để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi tiến sang thị trường quốc tế. Tận dụng triệt để thế mạnh tiên phong của Suzlon, Tulsi Tanti lần lượt cho nghiên cứu địa hình, khí hậu và nhu cầu của thị trường các tỉnh thành, đồng thời mở rộng mạng lưới các chi nhánh cung cấp điện tại chỗ. Bên cạnh đó, ông còn cho xây dựng nhà máy sản xuất các loại phụ kiện phục vụ khâu bảo dưỡng, thay thế thiết bị hỏng hóc.

Với tầm hoạt động ngày một rộng, để đảm bảo quản lí hiệu quả, Tulsi Tanti nâng Suzlon thành quy mô tập đoàn và thiết lập các chi nhánh trọng điểm. Ngoài khả năng kinh doanh độc lập, Tulsi Tanti còn có biệt tài tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là những nhà quản lí. Đầu tiên, phải kể tới Andre Horbach, Giám đốc điều hành giàu kinh nghiệm, từng nắm giữ vị trí Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn công nghiệp GE Consumer & Industrial EMEA. Tiếp đến là chuyên gia tài chính Patrick Krhenbühl cũng được mời về nắm giữ vị trí giám đốc tài chính của tập đoàn. Đây là những nhân vật đóng vai trò then chốt giúp Tulsi Tanti triển khai thành công các chiến lược kinh doanh của Suzlon.

Bước vào triển khai chiến lược mở rộng hoạt động ra thị trường các quốc gia trong và ngoài khu vực, rào cản lớn nhất đối với Tulsi Tanti là sức ép cạnh tranh từ các tên tuổi lớn trong lĩnh vực điện gió của Đức, Đan Mạch, Hà Lan với hàng chục năm kinh nghiệm. Để giải bài toán hóc búa này, Tulsi Tanti tiến hành các chương trình hợp tác với nhà sản xuất công nghệ điện gió Sudwind và đầu tư xây dựng đầu mối đầu tiên R&D Center đặt tại Đức.

Ngoài công việc nghiên cứu, thiết kế, R&D Center còn đảm nhiệm luôn chức năng sản xuất các thiết bị điện gió thế hệ mới. Liên tiếp sau đó, Tulsi Tanti tranh thủ thâu tóm thêm một số nhà máy sản xuất cánh quạt, turbin, khối quay. Song song với đó, hai trung tâm nghiên cứu và sản xuất thiết bị phụ trợ khác đặt tại Hà Lan và Ấn Độ cũng ra đời. Riêng mảng marketing, một trong những khâu tiên phong trong việc thu hút nguồn khách hàng ngoài nước, Tulsi Tanti cho thiết lập đầu mối tại Đan Mạch, đặt dưới sự điều hành trực tiếp của người em trai Girish.

Tới năm 1999, Suzlon đã cho ra đời sản phẩm turbin máy điện gió đầu tiên cùng những dịch vụ khách hàng hoàn hảo từ trùng tu, bảo dưỡng, sửa chữa cho tới thay thế trang thiết bị phụ trợ… Đây là những nền tảng vững chắc đảm bảo thành công cho chiến lược vươn ra thị trường toàn cầu của Suzlon.

Ông trùm điện gió của Ấn Độ

Nắm được nhu cầu rất lớn về cánh quạt gió tại khu vực Minnesota của Mỹ, năm 2003, Tulsi Tanti quyết tâm giành được bản hợp đồng cung cấp 24 turbin cho khu vực Minnesota và hợp tác với doanh nghiệp DanMar & Associates xây dựng nhà máy sản xuất cánh quạt gió. So với các đối thủ cùng tham gia đấu thầu, mặc dù chưa có được những ưu thế vượt trội song Tulsi Tanti lại có được chiến thắng áp đảo sau khi chứng minh được sự thích ứng hoàn hảo của các loại thiết bị điện gió Suzlon đối với sự biến đổi phức tạp của khí hậu tại khu vực trung tâm phía tây của Mỹ.

Với chiến lược sản xuất và cung cấp tại chỗ, các sản phẩm quạt và turbin của Suzlon được bán với mức giá thấp. Thêm vào đó, Tulsi Tanti còn đẩy mạnh khai thác các dự án lẻ; nhờ đó, thương hiệu Suzlon nhanh chóng tạo được uy tín và chỗ đứng vững chắc trên thị trường Mỹ. Và theo như lời nhận xét của John Deere Credit, chủ của một dự án lẻ thì “Suzlon đang học cách trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện gió toàn cầu ngay từ các dự án nhỏ nhất”.

Thị trường tiếp theo và cũng là quan trọng nhất được Tulsi Tanti tập trung hướng tới là Trung Quốc. Với diện tích rộng và dân số đông, nhu cầu về nguồn năng lượng trong tương lai của Trung Quốc rất lớn, do đó, Tulsi Tanti quyết định tiến hành một chương trình đầu tư quy mô lớn vào Trung Quốc. Với việc thiết lập hai văn phòng đại diện chính ở Thượng Hải và Bắc Kinh, Tulsi Tanti đầu tư số vốn 60 triệu USD vào xây dựng nhà máy điện gió 600 megawttes.

Sau thị trường Trung Quốc, Tulsi Tanti còn tiếp tục hướng sang đầu tư khai thác thị trường Australia và Hàn Quốc. Cùng với sự phát triển bùng nổ trên thị trường toàn cầu, Suzlon đã vươn lên trở thành một trong những thương hiệu điện gió hàng đầu thế giới với tầm hoạt động ở 7 bang của Ấn Độ và hơn 40 thị trường khu vực và quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Suzlon cũng là đối thủ đáng gờm nhất của các nhà sản xuất điện gió danh tiếng thế giới như như Acciona Energy, Clipper, Windpower, Mitsubishi Heavy Industries, Nordex, Scanwind hay Siemens.

Được mệnh danh là một “Anh hùng” hay “Chiến binh” của Ấn Độ, bên cạnh những chiến lược kinh doanh tầm cỡ, Tulsi Tanti còn là một trong những người đi đầu trong bảo vệ môi trường sống. Nỗ lực phát triển những “cánh đồng gió” và các loại thiết bị sản xuất điện gió của ông không chỉ giúp phát triển thêm nguồn điện năng thay thế, mà còn giúp xã hội hạn chế được các nguồn ô nhiễm như khí thải, âm thanh và khói bụi.

Với những đóng góp to lớn đó, Tulsi Tanti từng được trao tặng không ít những giải thưởng lớn về cả tài năng kinh doanh lẫn bảo vệ môi trường như: Giải thưởng Business Leadership Award do Tổ chức Solar Energy Society of India (SESI) trao tặng năm 2002; Giải thưởng Best Renewable Man of the Decade của Tổ chức Lifetime Achievement Award vào tháng 03/2006; Giải thưởng World Wind Energy Award năm 2003 cho những thành quả phát triển nguồn năng lượng điện gió tại Ấn Độ và gần đây nhất là Giải thưởng Environment Award năm 2007.