Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 11)

Được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về đất đai ở Bộ NN-PTNT, ông Lê Đức Thịnh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn xung quanh vấn đề “nông dân mất đất”.
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 1)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 2)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 3)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 4)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 5)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 6)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 7)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 8)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 9)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 10)

Một chính sách… bất công bằng

Được biết ông theo dõi rất sát loạt bài “Nông dân mất đất – câu chuyện đã đến hồi gay cấn!” ?

Vâng. Tựu chung lại chuyện mất đất đều có nguyên nhân từ những bất cập trong các chính sách đất đai hiện nay và từ việc thực thi chính sách này vào thực tiễn ở các địa phương. Chính sách “buộc” chúng ta lại, chứ không phải cái gì khác…

Ông có căn cứ gì để chứng minh điều này?

Tôi có thể chỉ ra từng điều luật bất hợp lý, chỗ này “đè” chỗ kia… Năm 1987, chúng ta có Nghị định 299, quy định hộ nông thôn được 200 m2, miền núi được 400 m2 đất ở. Vườn ao bên cạnh tính là đất nông nghiệp… nay “phong” là đất liền kề và được hỗ trợ đền bù với các mức trợ cấp khác cao hơn nhiều so với đất nông nghiệp.

Đó là sự bất công bằng trong đền bù đất, thưa ông?

Đúng vậy. Đất phi nông nghiệp, đất ở định giá đền bù dựa theo cơ chế giá do thị trường quy định, người dân được tái định cư bằng hoặc hơn chỗ ở cũ nhưng lại không áp dụng với đất nông nghiệp (NN). Đất NN được định giá đền bù chủ yếu trên địa tô nông nghiệp. Nên khi thu hồi đất, chỉ có dân đô thị, người ven đô được hưởng lợi nhiều, còn nông dân luôn luôn thiệt!

Quyền lợi của địa phương và doanh nghiệp là trên hết

Theo ông, nguyên nhân mất đất nông nghiệp có phải là vì lợi ích của chính quyền địa phương và doanh nghiệp (DN)?

Đúng. Đó là vấn đề lợi ích. Tỉnh, huyện muốn giá đền bù đất thổ cư cao để dễ GPMB, nhưng họ lại muốn giá đất NN thấp để “trải thảm” đón DN vào. Điều này để đạt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết được sức ép chính trị, tăng thu ngân sách. Giá thấp, tỉnh huyện có biết không? Biết. Nhưng vì những lợi ích mà họ bỏ qua.

Vậy còn chính quyền xã, họ muốn giá cao hay thấp?

Theo quan sát của chúng tôi, cấp xã lại muốn giá cao hơn. Cái mong muốn này cũng là vì lợi ích của xã thôi. Xã là người trực tiếp đối mặt với dân, đền bù giá cao sẽ dễ thỏa thuận với dân hơn…

Nói như ông thì chính sách giá đền bù của mình đang “không có lợi” cho nông dân?

Bởi vì quan hệ đất đai là quan hệ giữa con người với con người. Chứ không đơn thuần là quan hệ giữa con người với ruộng đất. Đất đai là vốn, là “đầu vào” của DN. Đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là di sản, là không gian để sống, sinh hoạt và sản xuất của nông dân. Nhà nước phải áp đặt tô ruộng đất cho các tác nhân kinh tế, dùng chính tô đất đai này để điều chỉnh sự phân bổ cơ cấu kinh tế giữa các vùng. Và tô này phải luôn luôn ở mức cao.

Mâu thuẫn ngày càng gay gắt

Ông có cho rằng, những vấn đề trên không được giải quyết sớm, sẽ nguy hiểm?

Thiếu công bằng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn ruộng đất và mâu thuẫn này ngày càng gay gắt. Cụ thể là hình thành nên một mối quan hệ không tốt đẹp giữa nông dân và chính quyền, giữa nông dân và DN, nông dân và nông dân, phá vỡ quan hệ làng xã. Người dân cùng một cánh đồng nhưng thuộc hai địa giới hành chính khác nhau lại có giá khác nhau, độ cao thấp lại rất lớn là không thể chấp nhận.

Vậy theo ông, những mâu thuẫn này sẽ dẫn đến điều gì?

Thông thường, khủng hoảng xã hội thường bắt đầu từ ruộng đất. Nhất là một xã hội nông nghiệp, hay một xã hội đang chuyển mình. Ở chúng ta, đôi chỗ, đôi nơi cũng đã có những căng thẳng, nhưng khủng hoảng xã hội có xảy ra không, điều đó còn chưa rõ. Ảnh hưởng trước mắt thì ai cũng thấy rồi, đó là mất an toàn ruộng đất.

Mất an toàn đầu tư trên ruộng đất nghĩa là sao thưa ông?

Là khi nhà đầu tư, nông dân càng không muốn mạo hiểm. Mức độ thâm canh có thể giảm sút. Khả năng tập trung ruộng đất sẽ bị hạn chế. Sản xuất lớn khó có thể hình thành… Vì thế mà kinh nghiệm từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, Nhà nước nào cũng rất coi trọng vấn đề an toàn ruộng đất, mất an toàn ruộng đất nghĩa là… nguy hiểm.

Định giá đất theo vùng

Nếu được nói trực tiếp với lãnh đạo Nhà nước, ông sẽ nói gì?

Tôi nghĩ Chính phủ cần có nhiều quyết sách quan trọng với chủ trương là quan tâm nhiều hơn đến đời sống người dân nông thôn. Điều này là chắc chắn. Chính sách đất đai, nhất là chính sách đất NN phải là một trong những nội dung quan trọng của lần cải cách chính sách về nông nghiệp – nông thôn – nông dân mà Trung Ương sắp bàn.

Muốn đẩy công nghiệp lên miền núi, trung du, vào nơi đất xấu thì chúng ta phải định giá đất ở vùng đồng bằng cao hơn nhiều so với trung du và miền núi. Sau đó ra chính sách bảo hộ theo vùng. Nhà nước không cấm DN lấy đất làm công nghiệp ở Hưng Yên, nhưng hệ thống giá buộc DN phải leo lên Thái Nguyên mà làm. Có chính sách cho vùng nông nghiệp, đời sống của nông dân sẽ không thua công nghiệp. Khi đó muốn điều chỉnh giá là điều chỉnh trong khung giá đó.

Cụ thể Nhà nước phải làm gì?

Nhà nước phải có ý đồ rõ ràng cho phát triển trên toàn lãnh thổ và với từng vùng riêng. Quy hoạch đi trước và quy hoạch đó phải được pháp lí hóa, sau đó phải có lộ trình để chỉnh sửa hệ thống chính sách hiện nay. Nếu quy hoạch Hải Dương – Hưng Yên là trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhưng lại ưu tiên phát triển CN ở đây thì thật là tự mình trói mình.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!