Dựng máy móc để chế biến quặng lậu

Chiều tối ngày 01/04, Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường đã bất ngờ kiểm tra và phát hiện khoảng hơn 1 nghìn tấn quặng chrom lậu đang được tập kết tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương và Xí nghiệp 433 thuộc Lữ đoàn 128 Hải quân (đơn vị quân sự) đóng xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn.

Khối lượng quặng thô lớn trên là của Công ty thương mại Quyết Thắng và một doanh nghiệp khác đều có trụ sở chính tại TP.Thanh Hoá. Hiện nay, Chính phủ đang nghiêm cấm xuất khẩu quặng thô thì việc xuất hiện khối lượng lớn quặng lậu nói trên ở cửa sông, cảng biển là điều rất khó hiểu?

Tràn lan quặng lậu

Nạn “quặng tặc” ở vùng mỏ chrom Cổ Định lâu nay tạm lắng xuống bởi lực lượng công an tỉnh, đơn vị chủ quản bảo vệ khá nghiêm ngặt. Nay việc bỗng dưng xuất hiện một lúc trên nghìn tấn quặng thô đã đóng bao hoàn chỉnh, đang chờ bốc lên tàu đưa ra nước ngoài được tập kết tại khu vực bãi sông thuộc xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương và khu vực cảng biển của Xí nghiệp 433 hải quân ở xã Quảng Tiến khiến dư luận và giới kinh doanh quặng lậu đặc biệt quan tâm. Nhiều người đặt ra câu hỏi, bằng con đường nào mà giới buôn lậu có thể vận chuyển trót lọt hàng chục xe tải quặng về tới nơi tập kết?

Sáng ngày 03/04, tại Xí nghiệp 433 hải quân, hàng trăm bao tải quặng đang được xếp ngay hàng thẳng lối với chiều dài hàng chục mét, khối quặng cao chất ngất dễ khiến người ta lầm tưởng đây là một doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản!

Khi đưa máy lên chụp ảnh, ngay lập tức có một chiến sĩ hải quân ra ngăn cản vì anh cho rằng việc này cần phải hỏi ý kiến lãnh đạo. Tuy nhiên thời điểm đó đúng giờ nghỉ trưa, nên chúng tôi chưa thể tiếp cận được người có trách nhiệm ở đơn vị này.

Một cán bộ công an xã Quảng Tiến khẳng định: Cách đây khoảng 4-5 tháng, đã thấy xuất hiện xe chở quặng về Xí nghiệp 433, nhưng gần đây quặng được đưa về với số lượng ngày càng nhiều hơn. Song vì là đơn vị quân sự nên công an địa phương không thể can thiệp?

Tiếp tục vào khu vực bãi sông thuộc xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, nơi Công ty thương mại Quyết Thắng đóng tại TP.Thanh Hoá thuê 5.000m2 mặt bằng để hoạt động trong việc kinh doanh vật liệu xây dựng; nhưng chúng tôi tận mắt chứng kiến thì ở đây đang chứa ngổn ngang rất nhiều quặng đã được đóng bao, xếp thành từng đống cao như núi. Không có bóng người nào làm việc, hỏi ra mới biết, khu kho bãi chứa quặng trên đã bị lực lượng công an tỉnh phong toả và niêm phong.

Thuê đất để chế biến quặng lậu (?!)

Ông Lê Tiến Thông – Chủ tịch UBND xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương – cho biết: Năm 2004, Công ty thương mại Quyết Thắng đã ký hợp đồng thuê 5.000m2 đất của địa phương để làm nơi kinh doanh vật liệu xây dựng cát, sỏi với mức phí nộp cho địa phương là 5 triệu đồng/năm.

Vào cuối năm 2007, Công ty thương mại Quyết Thắng tiếp tục có tờ trình trình lên chính quyền địa phương xin thuê lâu dài 70.000m2 đất để đầu tư xây dựng mở xưởng đóng tàu với tổng vốn 62 tỉ đồng.

Ngày 22/01/2008, các sở: Xây dựng, Kế hoạch – Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường; UBND huyện Quảng Xương, Công ty thương mại Quyết Thắng và đại diện UBND xã Quảng Tiến đã tổ chức cuộc họp bàn về việc thuê đất của Công ty thương mại Quyết Thắng.

Tại cuộc họp này, các ngành liên quan đi đến kết luận: “Thống nhất ký văn văn bản trình UBND tỉnh xem xét có ý kiến để đề nghị Bộ NNPTNT phê duyệt cho doanh nghiệp trên thuê mặt bằng vì khu đất này có liên quan đến việc bảo vệ đê điều”.

Song bằng mắt thường, ai cũng có thể nhìn thấy, tại khu đất mà doanh nghiệp Quyết Thắng đang thuê hiện nay ở xã Quảng Châu đã được biến thành một xưởng chế biến quặng thô. Trong xưởng này có nhiều giàn máy móc đồ sộ ngang nhiên hoạt động từ nhiều tháng qua mà không bị lực lượng chức năng ngăn cản.

Khi hỏi, chính quyền địa phương có biết Công ty thương mại Quyết Thắng chế biến quặng lậu không thì ông chủ tịch xã xác nhận là biết. Nhưng vị lãnh đạo xã Quảng Châu như muốn bao biện cho doanh nghiệp, ông Thông nói: “Công ty thương mại Quyết Thắng có lúc làm quặng, lúc không làm. Vả lại, trách nhiệm trong việc quản lý doanh nghiệp làm quặng thuộc về cơ quan chức năng cấp trên và lực lượng quản lý thị trường!”.

Một nguồn tin xác nhận, Công an tỉnh đã có văn bản gửi cơ quan chủ quản của Xí nghiệp 433 hải quân đề nghị phối hợp điều tra làm rõ việc xuất hiện hàng trăm tấn quặng lậu bên trong khu vực quân sự. Vì đây là cảng của hải quân, trực tiếp là Xí nghiệp 433 quản lý. Vậy, tại sao lại có hàng lậu bất hợp pháp, tàu dân sự cập vào?

Ngày 25/10/2007, Văn phòng Chính phủ đã ra công văn số 6098/VPCP-CN gửi các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Thanh Hoá về việc thăm dò, khai thác, chế biến quặng chrom. Trong văn bản này, Chính phủ đã nghiêm cấm các đơn vị, doanh nghiệp không xuất khẩu quặng thô, tinh quặng. Vậy, việc tập kết khoảng hơn 1 nghìn tấn quặng chrom thô của 2 doanh nghiệp nói trên ở ngay khu vực cửa sông, cảng biển cần được cơ quan công an điều tra để đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.