AMAF lần thứ 40: Thông qua 23 tài liệu và ký kết 3 văn kiện hợp tác

Ba hội nghị quan trọng cấp bộ trưởng về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp đã bế mạc tại Hà Nội. Các bộ trưởng và đại biểu đã bàn bạc, thảo luận để xem xét và thông qua 23 tài liệu kỹ thuật trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; ký kết 3 văn kiện hợp tác.

Cuộc họp báo diễn ra chiều ngày 12/10/2018, sau phiên bế mạc các hội nghị. Ảnh: NNK

Sau 5 ngày làm việc (từ ngày 8 – 12/10/2018), tại Hà Nội, 3 Hội nghị quan trọng cấp Bộ trưởng về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, gồm: Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF), lần thứ 40; Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), lần thứ 18; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc về hợp tác an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) lần thứ 6 đã thành công tốt đẹp.

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều ngày 12/10/2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại hội nghị, các bộ trưởng và đại biểu đã bàn bạc, thảo luận để xem xét và thông qua 23 tài liệu kỹ thuật trong lĩnh vực nông lâm thủy sản và ký kết 3 văn kiện hợp tác.

Theo đó, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40 đã thông qua Khung đa ngành về biến đổi khí hậu: Nông – Lâm nghiệp hướng tới an ninh lương thực, dinh dưỡng và thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững  thông qua sử dụng bền vững và hiệu quả tài nguyên đất đai, rừng, nguồn nước và thủy sản.

Hội nghị cũng thông qua 5 tài liệu hướng dẫn quan trọng nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng nông sản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thương mại nông lâm sản trong ASEAN; thông qua các hướng dẫn của ASEAN về thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp để tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực này trong khu vực ASEAN cũng như việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Đồng thời, hội nghị đã thông qua phương pháp tiếp cận của AMAF trong việc lồng ghép giới trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN nhằm  thúc đẩy và ủng hộ bình đẳng giới trong các chính sách, chương trình và hệ thống thực phẩm nông nghiệp ở cấp khu vực và quốc gia; thông qua lộ trình ASEAN nhằm tăng cường vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu 2018 – 2025.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, hội nghị đã thông qua tài liệu hướng dẫn phát triển nông lâm ASEAN nhằm thúc đẩy vai trò của ngành nông lâm nghiệp, đồng thời đạt được các kết quả kinh tế, môi trường và xã hội ở cấp nông trại, hộ gia đình và cảnh quan, giúp các nước thành viên ASEAN đạt được các mục tiêu liên quan đến an ninh lương thực, tăng trưởng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, khôi phục đất đai, bảo vệ rừng đầu nguồn, bình đẳng giới, lâm nghiệp quy mô xã hội/ cộng đồng, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Hội nghị cũng đã thông qua Sổ tay hướng dẫn đánh giá thực thi Luật Lâm nghiệp và Quản trị rừng ở các nước thành viên ASEAN.

Về lĩnh vực thuỷ sản, hội nghị nhất trí thành lập Nhóm công tác chuyên gia ASEAN về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt; thông qua Quy định chính sách thiết lập Hệ thống nhãn mác sinh thái khu vực ASEAN để đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn cá ngừ và đảm bảo thực thi các quy định xã hội có trách nhiệm…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) diễn ra ngày 12/10/2018, các Bộ trưởng đánh giá cao tiến độ thực hiện Chiến lược hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2016 – 2025, thể hiện tinh thần hợp tác của ASEAN+3 và một số hoạt động quan trọng nhằm tăng cường an ninh lương thực; quản lý rừng bền vững; giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Cùng với đó, các Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự tiến bộ trong việc thực hiện Thỏa thuận dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 và tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận APTERR. Đồng thời, ghi nhận tiến độ của Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN+3, đặc biệt là công tác phát triển thông tin an ninh lương thực trong khu vực và cải thiện số liệu thống kê về chế biến và phân phối thực phẩm nông nghiệp ở ASEAN.

Các Bộ trưởng Nông Lâm ASEAN đánh giá cao Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ủng hộ và cam kết trong việc tăng cường hợp tác ASEAN+3 liên quan tới lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp.

Còn tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc về giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch lần thứ 6 diễn ra ngày 12/10, các đại biểu đã nhắc lại thỏa thuận đạt được trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 để tiếp tục tăng cường trao đổi cấp cao và các đối thoại liên quan tới ba trụ cột hợp tác để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

Các Bộ trưởng ghi nhận hiệu lực của Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Khung Hợp tác kinh tế toàn diện và các Hiệp định liên quan giữa ASEAN và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Nghị định thư nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc). Hội nghị tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ ASEAN – Trung Quốc về tăng cường hợp tác an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và giao cho các cán bộ đầu mối tiến hành các thủ tục để xây dựng và ký mới biên bản ghi nhớ vào năm 2021…

3 văn kiện quan trọng đã được ký kết:

– Nghị định thư sửa đổi Thoả thuận Quỹ Dự trữ lúa gạo khẩn cấp ASEAN+3.

– Biên bản Ghi nhớ (MOU) giữa ASEAN và Trung Quốc về hợp tác nông nghiệp và thực phẩm.

– Biên bản Ghi nhớ giữa ASEAN và FAO về Tăng cường hợp tác trong nông nghiệp và lâm nghiệp.