Điều phối hiệu quả các nguồn tài trợ xanh

ThienNhien.net – Tại Hội nghị với các nhà tài trợ về ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH) do Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) tổ chức ngày 09/10, các vấn đề nguyên tắc huy động, điều phối, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA để ứng phó BĐKH và việc hợp tác quốc tế trong giảm nhẹ tác động tiêu cực của BĐKH đã được đưa ra thảo luận.


Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí trung bình hàng năm từ nay đến 2050 cho các nỗ lực thích ứng với BĐKH tại các nước đang phát triển sẽ tương đương tổng số viện trợ chính thức cho phát triển (ODA) hiện nay.

Nguồn ODA “xanh” này sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực giảm phát khí thải nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng cũng như các biện pháp ứng phó với tác động tiêu cực của BĐKH trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, sức khỏe và cộng đồng.
Trong khi đó, nguồn vốn ODA cho Việt Nam trong thời gian tới đây có thể sẽ giảm dần khi Việt Nam đạt ngưỡng nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, theo Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Việt Nam vẫn đủ điều kiện để nhận được phần lớn ODA “mới và bổ sung” dưới dạng trợ cấp và các khoản vay lãi suất thấp như trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH dành cho các biện pháp thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính.

UNDP cũng cho biết, nguồn tài chính cho các dự án BĐKH tại Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm, đảm bảo từ các nguồn tài trợ song phương như Đan Mạch, Nhật Bản, Na-uy, Anh hoặc các nguồn đa phương như Liên Hợp Quốc, WB (Quỹ môi trường toàn cầu, Quỹ công nghệ sạch…).

Theo các nhà tài trợ, vai trò điều phối, quản lý cơ chế tài chính, phân bổ nguồn lực từ nguồn ODA “xanh” tới các địa phương, ban, ngành là rất quan trọng.

Do vậy, vấn đề đặt ra hàng đầu hiện nay là Việt Nam cần có một cơ chế điều phối nguồn vốn này hiệu quả, minh bạch, được giám sát thường xuyên để có thể có nhiều cơ hội đón nhận thêm nguồn tài chính này cũng như sử dung nó một cách hiệu quả nhất.

Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hiệp Quốc – UNDP nhấn mạnh vai trò điều phối nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bên cạnh vai trò tư vấn và điều phối kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Văn phòng thường trực của Chương trình mục tiêu Quốc gia về BĐKH (NTP-RCC) đặt tại Bộ TN&MT đang là cơ quan đầu mối tiếp nhận mọi nguồn hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho các dự án, hoạt động về thích ứng với BĐKH tại Việt Nam cần được nâng cấp để tương xứng với vai trò đầu mối tiếp nhận cấp quốc gia về tài chính, phân bổ nguồn vốn chứ không chỉ đơn thuần là tư vấn kỹ thuật như hiện tại.

Các nhà tài trợ như JICA, Đan Mạch, WB đều cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một chương trình, kế hoạch tổng thể chung, thống nhất cho việc sử dụng nguồn tài chính này, cũng như liệt kê danh mục các dự án cần triển khai, đề xuất tài chính cho từng dự án, thời gian triển khai và triển khai dự án.

Thứ trưởng Bộ TN&MT – Nguyễn Văn Đức cam kết, Việt Nam sẽ có kế hoạch chương trình cụ thể để tiếp nhận và sử dụng nguồn ODA “xanh”. Nhà tài trợ thông qua Văn phòng thường trực NTP-RCC sẽ nhận được thông tin cụ thể về những lĩnh vực, dự án nằm trong thế mạnh của mình để triển khai hỗ trợ Việt Nam, chẳng hạn như Hà Lan có thế mạnh về chống ngập nước biển xâm lấn tại các vùng đồng bằng trũng thấp, Hàn Quốc có kinh nghiệm về chống ngập trong vùng nội đô… như vậy sẽ tránh tình trạng lãng phí, chồng chéo.

Đặc biệt, Văn phòng thường trực của NTP-RCC – cơ quan đầu mối để tiếp nhận sẽ có sự tham gia của Bộ KHĐT và Bộ Tài chính về điều phối tài chính cùng với vai trò tư vấn kỹ thuật của Bộ TN&MT để phối hợp, liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương có dự án nằm trong chương trình ứng phó với BĐKH quốc gia nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động cho nhà tài trợ.

Cơ chế hoạt động cũng như cơ cấu tổ chức, cách thức điều hành của cơ quan đầu mối về tiếp nhận điều phối nguồn tài chính quốc tế về thích ứng với BĐKH của Việt Nam sẽ được hoàn chỉnh và giới thiệu với các nhà tài trợ tại Hội nghị các nhà tài trợ vào tháng 12/2009.