Kỳ 1: Lâm tặc “náo nhiệt” núi rừng

Rất nhiều ha rừng tự nhiên trên địa bàn xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đang hàng ngày bị lâm tặc “xẻ thịt” một cách công khai. Trong vai người đi mua gỗ, nhóm phóng viên đã thấy được cận cảnh lâm tặc “giết rừng” tại Mường Do.

Vẻ đẹp… giả tạo

Không biết bao nhiêu ha rừng tự nhiên trên địa bàn xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đang hàng ngày bị lâm tặc “xẻ thịt” một cách công khai. Chỉ biết rằng, muốn được xem cảnh người ta đua nhau “giết rừng” tại đây không có gì khó khăn. Chỉ cần đi bằng xe máy, vượt hơn 40km đường nhựa từ trung tâm huyện đến Mường Do và thêm 8km đến các bản là sẽ thấy cảnh hoang tàn của rừng cùng sự “náo nhiệt” một cách trắng trợn của đội quân phá rừng…

Để tận mắt ghi hình những chiếc cưa máy và đội quân lâm tặc đang từng ngày phá đi những cánh rừng tự nhiên ở xã Mường Do, phải đã cải trang là những người đi mua gỗ. Cũng vì muốn ghi hình, chụp ảnh, tránh việc “đánh động”, nên mới phải cải trang như vậy. Còn nếu chỉ vào xem những cánh rừng tự nhiên bị tàn phá ra sao thì không cần phải đóng giả, bởi “không ảnh hưởng” gì đến giờ giấc, việc làm của đội quân phá rừng.

Trước khi lên đường, anh bạn đồng nghiệp dặn trước: “Lát nữa đừng vào gặp lãnh đạo xã, bản vội, mà sau khi đi thực tế mới nên vào. Đặc biệt, trên đường vào cũng không nên chụp ảnh, quay phim ngay mà nên dành cho lúc quay ra, bởi nếu không sẽ đánh động tới lâm tặc và nguy hiểm cho mình”.

Sau khi đến trung tâm xã, đi xe hướng thẳng tới bản Han 4, nơi rừng bị tàn phá nặng nhất. Nhưng cũng không cần phải đi đâu xa, bởi trước khi đến trung tâm xã, tình cờ bắt gặp ngay 3 lâm tặc đang dùng cưa máy xẻ gỗ, cách đường nhựa chỉ vài trăm mét. Dường như không quan tâm tới sự có mặt của người lạ, những người này vẫn cần mẫn cắt khúc cây gỗ có đường kính gần 2 người ôm còn tươi nguyên….

Đến bản Han 1, màu xanh hai bên được tạo nên bởi những cánh rừng tự nhiên đẹp đến mê hồn. Hòa trong vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng là tiếng hót gọi đàn của những chú chim rừng, với nhiều sắc màu khác nhau. Đến anh bạn đồng nghiệp là người thường xuyên đi rừng cũng phải sửng sốt bởi màu lông đỏ rực, vàng óng của những chú chim rừng. Ít ai biết được, trong thời gian tới, nơi đây đang có hướng quy hoạch thành một tuyến du lịch sinh thái.

 
Lâm tặc ngang nhiên vác cưa máy đi trên đường vào bản.

Nhưng đó chỉ là một khung cảnh “giả tạo” bên ngoài. Đang mải mê với vẻ đẹp nguyên sơn của núi rừng, bất chợt chạm trán với lâm tặc, cách đường đi hơn 2 trăm mét, tại khu vực bản Han 2. Những người này cũng đang dùng cưa máy cắt khúc và xẻ gỗ. Cánh đó khoảng 100 mét là hình ảnh 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ oằn lưng với những hộp gỗ trên vai.

Ngang nhiên “giết rừng”

Càng đi vào sâu, hình ảnh của những khoảng rừng cháy đen, những gốc cây còn đang chảy nhựa, những khúc gỗ, hộp gỗ nằm ngổn ngang hai bên đường, dưới gầm sàn hay chỏng lỏng dưới chân núi hiện ra nhiều hơn. Công khai hơn, những tiếng cưa máy cũng rền rĩ theo vào tận bản Han 4.

Cùng lúc này, tiếp tục chạm trán với một đoàn lâm tặc khác. Với một chiếc cưa máy vác trên vai, họ ngang nhiên bước đi trên đường vào bản. Khi thấy người lạ, họ chia nhau tản ra hai bên đường và trốn sau những tán cây rừng còn sót lại. Và cũng bắt đầu từ đây, vẻ đẹp của núi rừng bị xâm lăng một cách tan hoang, với những khoảng đồi chỉ còn trơ trọi gốc cây bị đốn hạ hay những thân cây bị cưa, xẻ nằm lộn xộn khắp núi rừng.

Những hình ảnh quen thuộc suốt chặng đường từ bản Han 2 đến bản Han 4 là cảnh lâm tặc vác cưa máy đi nghênh ngang trên đường; tiếng cưa máy rền rĩ vang dội núi rừng hay những khúc gỗ, hộp gỗ chờ ngày các chủ đầu lậu đến “đón đi”.

Dừng lại ở bản Han 4 bởi kịch đường ô tô. Tại đây, bên phải đường có một ngôi nhà lụp xụp với rất nhiều gỗ chất đầy gầm
sàn và xung quanh nhà. Sau một hồi đo đếm, anh bạn đồng nghiệp đưa ra một số liệu: 74 hộp gỗ và gần 100 tấm ván. Đó là những sản phẩm của núi rừng mà lâm tặc vẫn chưa kịp mang đi.

Đi thêm chút lên một quả đồi, lại tiếp tục xót xa chứng kiến những thân cây bị chặt hạ không thương tiếc nằm la liệt. Tại quả đồi này, chỉ mới đếm sơ qua đã có 54 gốc cây mới bị đốn hạ. Cách đó không xa là 33 khúc gỗ có đường kính khoảng từ 50cm đến 60cm đã được cắt khúc dài 2m đến 3m.

Chủ ngôi nhà nằm bên vệ đường vừa đi nương về, trong nhà phát ra tiếng nhạc với lời hát của ca sỹ Duy Mạnh. Một phụ nữ quần áo nhem nhuốc đang ngồi đun nước và một người thanh niên quần áo xộc xệch đang băng bó vết thương khá nặng ở ống chân. Anh ta bị dao phát nương “chặt” nhầm vào chân. Người phụ nữ đó tên là Đinh Thị Q., còn người bị thương là con trai, tên Đinh Văn K., năm nay 19 tuổi, học đến lớp 7 thì bỏ học.

Gia đình này là hộ tái định cư (TĐC) từ hồi làm thuỷ điện Hoà Bình, chuyển từ bản Pón, xã Tường Hạ về đây được 2 năm. Chị Q. cho biết, cũng như một số hộ TĐC khác, do thiếu đất sản xuất nên họ đành phải… phá rừng. Người phụ nữ cũng khoe, nếu muốn lấy gỗ và mang đi an toàn thì phải gặp ông trưởng bản Han 4, tên là Đinh Công Yên.

Chị Q. còn “bật mí” thêm: Tới bản Han 3, gặp công an viên tên là Tháo. Đây là người mà theo chị Q. là, có thể lo chở bao nhiêu gỗ ra ngoài cũng được. Chị còn dặn kỹ về “đặc điểm nhận dạng” ngôi nhà của người công an viên này.

 
Không biết bao nhiêu ha rừng tự nhiên trên địa bàn xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đang hàng ngày bị lâm tặc “xẻ thịt” một cách công khai.

Mua gỗ như… mua rau!

Rời ngôi nhà với người phụ nữ thật thà, lúc này đã hơn 11h trưa, nhưng vẫn nghe thấy tiếng cưa máy rền vang. Đột kích vào khu vực có tiếng cưa máy, thấy một lâm tặc đang cưa gỗ. Thấy động hắn liền bỏ chạy vì tưởng là kiểm lâm.

Tại nhà công an viên do chị Q. giới thiệu, chỉ có người thanh niên là Đinh Công Hải, 19 tuổi, con trai của công an viên Đinh Công Tháo. Công an viên tên Tháo không có nhà. Khi đề cập muốn mua một ít gỗ, Hải nói: “Nếu lấy gỗ tạp thì 2 hôm sau quay lại, còn gỗ xịn (gỗ kẹn, gỗ chai) phải 5 hôm nữa mới có, bởi hôm qua vừa xuất hết 40 hộp gỗ chai cho một người tên Đức ở khối 12, thị trấn Phù Yên…”.

Trong lúc nói chuyện, Hải còn khoe về những tiếng cưa máy đang rền rĩ phía ngoài là của gia đình mình. Hải khoe nhà có 8 cưa máy, trị giá 8 triệu đồng/chiếc và thuê người để xẻ gỗ. Về giá, loại gỗ tạp 16×26, dài 3m giá 100.000 đồng/hộp; loại gỗ kẹn 140.000 đồng/hộp, còn gỗ chai giá 250.000 đồng/hộp. Ngoài ra, nếu muốn mua gỗ làm nhà sàn to thì mất 50 triệu đồng, là gỗ sâng, còn gỗ tạp thì 20 triệu đồng/nhà.

Hải còn cho biết, bố mình sẽ lo cho việc vận chuyển gỗ trót lọt ra “hết trạm” và “không có gì đáng ngại”, bởi “đã làm rất nhiều lần rồi!”. Cũng khá thật thà như người phụ nữ tại bản Han 4, Hải còn nhiệt tình dẫn khách đi chụp ảnh một hộp gỗ để “làm mẫu về cho “sếp” xem và còn xin số điện thoại để liên hệ khi có đủ gỗ sẽ thông báo…

Trên đường trở ra trung tâm xã, còn bắt gặp rất nhiều cảnh lâm tặc phá rừng hay hình ảnh những lâm tặc đang vác cưa máy đi nghênh ngang trên đường. Thậm chí, có những đoạn lúc sáng đi qua còn chưa có cây bị đổ, thì khi về đã có những hộp gỗ được xẻ và cắt khúc nằm ngổn ngang hai bên đường. Có những đống gỗ vừa bị xẻ trộm nằm cách biển “Bản Han chào mừng du khách” chừng vài mét…