Kiểm soát môi trường nước: Cần một quy định chuyên biệt?

ThienNhien.Net – Mặc dù, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đã có quy định nhưng chưa đầy đủ, và còn rải rác trong nhiều loại hình văn bản với hiệu lực pháp lý khác nhau và chưa có văn bản pháp luật chuyên biệt, chính vì thế hiệu lực quản lý ô nhiễm nguôn nước chưa cao.

Nhiều quy định nhưng chưa trọng tâm

Có thể khẳng định, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường nước nói riêng được xây dựng trên cơ sở nhất quán và vững chắc, thể hiện rõ nước là tài sản quốc gia quan trọng, là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, cần được bảo vệ bằng công cụ chính sách, pháp luật.

Công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước được quy phạm hóa trong một số văn bản đã ban hành như: Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã quy định nội dung quản lý chất lượng nước và bảo vệ môi trường nước. Luật Tài nguyên nước năm 2012, trong đó cũng có quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông; trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhà nước về lưu vực sông.

Nhiều công ty vẫn lén xả nước thải. (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Nhiều công ty vẫn lén xả nước thải. (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Cho tới Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định rõ hơn về bảo vệ môi trường nước sông, nội dung kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông; bổ sung quy định các nguồn thải vào lưu vực sông phải được quản lý phù hợp với sức chịu tải của sông, chất lượng nước sông và trầm tích phải được theo dõi và đánh giá…

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành một số các nghị định nhằm đưa công tác quản lý và bảo vệ môi trường nước đi vào nề nếp như: Nghị định số 120 về quản lý LVS; Nghị định số 25 về phí BVMT đối với nước thải; Nghị định số 142 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 179 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 201 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012…

Tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường cho rằng, vấn đề kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đã có quy định nhưng chưa đầy đủ, còn rải rác trong nhiều loại hình văn bản với hiệu lực pháp lý khác nhau, do các cơ quan có thẩm quyền khác nhau ban hành. Chưa có văn bản cụ thể chuyên biệt, quy định riêng về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, do đó, hiệu lực quản lý ô nhiễm nước chưa cao. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước chưa thực sự sát với tình hình thực tế, gây khó khăn khi thực thi.

Quy định chuyên biệt là cần thiết

Trên cả nước có 16 lưu vực sông, với lưu lượng nước lớn hơn 2.500 km2; 10 trong số 16 LVS có diện tích hơn 10 nghìn km2 . Tổng lượng nước mặt của các lưu vực khoảng từ 830 đến 840 tỷ m3 /năm, tuy nhiên chỉ có khoảng 37% là nước nội sinh, còn lại là nước chảy từ các quốc gia láng giềng vào lãnh thổ Việt Nam. Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân ở hạ lưu hầu hết các lưu vực sông nằm trong tình trạng suy giảm nguồn nước dẫn tới thiếu nước, khan hiếm nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất đang diễn ra thường xuyên hơn trên phạm vi rộng và ngày càng nghiêm trọng. Thực trạng này đã gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái các dòng sông, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguyên nhân dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, các chuyên gia cho rằng, do chưa thống nhất trong phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về lưu vực sông, có sự chồng chéo giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT và một số bộ, ngành khác. Ngoài ra, các tổ chức như Hội đồng Quốc gia về tài nguyên nước, Ủy ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông và Văn phòng lưu vực sông chưa thực sự phát huy được vai trò; quy chế làm việc chưa chặt chẽ. Phần lớn thành viên của các tổ chức này làm công tác kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian tập trung cho trách nhiệm được phân công.

Hiện nay, Luật Tài nguyên nước 2012 đã điều chỉnh nước là một tài sản quốc gia cần được quản lý. Trong khi đó, bảo vệ môi trường có Luật bảo vệ môi trường, quản lý đất đai có Luật Đất đai, bảo vệ rừng có Luật Bảo vệ phát triển rừng, quản lý khoáng sản Luật Khoáng sản… Xét về tầm quan trọng, nước cũng là đối tượng cần được bảo vệ nên cần có luật riêng quy định về bảo vệ môi trường nước, kiểm soát ô nhiễm nước.