“Lá phổi” của Thành phố Hồ Chí Minh đang teo tóp (Kỳ 1)

Tại một thành phố lớn và đông đúc như TP.HCM, cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện khí hậu, hạn chế tiếng ồn, thanh lọc không khí, ngăn chặn ô nhiễm. Thế nhưng, qua đo đạc cho thấy, tại khu vực 13 quận nội thành cũ, chỉ tiêu cây xanh chỉ đạt khoảng 0,6m²/người, thấp hơn gần cả chục lần so với quy định, và cũng không chỉ có thế…

Cảnh báo từ một con đường!

Đại lộ Nguyễn Văn Linh (dài 17,8 km, gồm 10 làn xe) là tuyến đường đô thị đẹp, lớn nhất, hiện đại nhất của TP.HCM. Đây còn là công trình hạ tầng đô thị tầm vóc của VN. Nó có ý nghĩa lớn cho sự phát triển kinh tế phía Nam TP.HCM.

Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học chuyên ngành về cây xanh đã đưa ra lời nhận định khiến người ta không khỏi giật mình, rằng: Vài ba chục năm nữa, mặt đường này sẽ bị tan nát do hệ thống cây xanh trồng không đúng chủng loại, nhất là trên các dải phân cách.

Ông Nguyễn Thiện Hà, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hiệp hội Cây xanh Việt Nam, phân tích: Khoảng 80% cây xanh trồng trên tuyến đường này là Điệp phèo heo. Loài cây này có ưu điểm dễ sống, phát triển rất nhanh, sớm cho bóng mát. Thế nhưng, về cơ lý tính, cành điệp phèo heo xốp dễ gãy, rễ lồi, ăn ngang và mau bung rễ, dễ bật gốc nên sau 20 năm, bộ rễ của loài điệp phèo heo sẽ phá nát mặt đường. Điều này thấy rõ nhất là tại khuôn viên sân vận động Phan Đình Phùng hay trên đường Võ Văn Tần (quận 3), nơi có trồng vài cây điệp phèo heo. Hiện tại, rễ của các cây điệp phèo heo ở những nơi này đã phình to, đội lên khỏi mặt đất, đường kính gốc lớn hơn 2m và chúng thường xuyên bị gãy nhánh, thậm chí có nơi loài cây này đã bật gốc khi trời mưa. Nếu không có kế hoạch thay thế từ bây giờ, hậu quả về sau sẽ khó lường!

Ngoài ra, rất nhiều tuyến đường ngay trung tâm thành phố còn nhiều cây tạp nhạp chỏi nhau làm mất mỹ quan đường phố. Đường Nguyễn Trãi (quận 1) không dài lắm nhưng có đến 4 – 5 loại cây trồng gồm: da bồ đề, nhạc ngựa, bạch đàn, bã đậu, keo, cau…; đường Nguyễn Huệ cũng có đến 4 – 5 loại cây không cùng chủng loại.

Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định số 199 của UBND TP.HCM: “Các tuyến đường có chiều dài dưới 2 km chỉ được trồng 1 loại cây”, nhằm đảm bảo mỹ quan. Đường Quang Trung, Tân Sơn, Dương Quảng Hàm… (Gò Vấp) lại toàn là các loài cây nằm trong danh mục cấm trồng trên đường phố như: bạch đàn, bàng…

Nhìn chung, số loài không phù hợp (keo lá tràm, keo mỡ, bã đậu…) trên các tuyến đường phố còn chiếm tỷ lệ khá lớn. Một người dân sống dọc theo tuyến đường Quang Trung bức xúc nói: “Chúng tôi rất khổ sở vì 2 hàng bàng trồng ở đây dày đặc sâu. Chúng sinh sôi nảy nở khá nhanh, trái bàng thì thu hút ruồi muỗi, thân cây dễ ngã đổ xuống đường rất nguy hiểm cho người đi đường và người dân trong khu vực. Mỗi lần công nhân cây xanh làm vệ sinh, họ bắt được cả ký sâu”.

Tại những tuyến đường mới đầu tư, cải tạo hoặc các dự án cây xanh đã được trồng mới, cũng có nhiều nơi cây không đạt tiêu chuẩn. Đường Nguyễn Hữu Thọ (kéo dài từ quận 7 đến Nhà Bè) có rất nhiều cây xanh mới trồng còi cọc, cong queo, bong tróc vỏ, trụi lá như những que củi khô do thiếu bàn tay chăm sóc. Trong khi theo quy định của UBND TP.HCM thì: “Cây đưa ra trồng trên đường phố phải thẳng, dáng cân đối, không sâu bệnh. Cây tiểu mộc có chiều cao tối thiểu từ 1,5m trở lên, đường kính cổ rễ từ 5cm trở lên”. Nếu căn cứ theo quy định này, dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, số cây không đạt tiêu chuẩn không phải ít!

Cây xanh không thiếu, thiếu chỗ trồng!

Hệ thống cây xanh đường phố phân bố không đều và còn manh mún. Nếu như khu vực quận Tân Bình tỷ lệ cây xanh chiếm đến 22,3% thì tại quận Gò Vấp diện tích cây xanh chỉ có 0,04%. Ngoài ra, theo quy hoạch diện tích công viên cây xanh công cộng thành phố đến năm 2010 tại Quyết định số 661 năm 2000 của UBND TPHCM thì diện tích cây xanh đô thị phải đạt bình quân 6 – 7m²/người (không kể cây xanh đường phố, cây xanh cách ly khu công nghiệp, cây xanh khuôn viên nhà ở); trong đó, khu vực nội thành cũ (13 quận) đạt 3 – 4m²/người; khu vực 5 quận mới và đô thị ngoại vi đạt 8 – 10m²/người.

Thế nhưng, tại 13 quận nội thành cũ, gồm: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, diện tích cây xanh chỉ được khoảng 0,6m²/người. Trong khi nếu so với Hà Nội (diện tích cây xanh trung bình 5m²/người) và thành phố Huế (10m²/người) thì diện tích cây xanh tại TP.HCM quá ít ỏi.

Điều ngạc nhiên là trong khi cây xanh đô thị TP.HCM thưa thớt, manh mún như thế nhưng khi trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Êm, Phó Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM lại cho rằng: “Bây giờ chúng tôi đâu có thiếu giống cây trồng như thời điểm sau giải phóng. Hiện thành phố không tìm ra chỗ để trồng cây”.

Vì sao có nghịch lý này? Qua tìm hiểu, được biết, tại khu vực nội thành cũ, trong số 956 tuyến đường thì có đến 296 tuyến đường không có cây xanh do không có vỉa hè hoặc vỉa hè nhỏ hẹp không trồng được cây xanh, chưa kể khi phía trên là hệ thống dây điện, cáp điện thoại chằng chịt, mặt đất thì bị bê tông hóa, phía dưới là hệ thống công trình ngầm, cây xanh đường phố liệu có phát triển tốt nổi?

Điều đáng nói là trong khi diện tích cây xanh thành phố rất thiếu nhưng theo nhận định của một lãnh đạo Sở GTCC TP.HCM thì việc phát triển mảng xanh thành phố theo quy hoạch sẽ rất khó đạt được do nguồn vốn đầu tư hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách. Ngoài ra, theo quy hoạch đến năm 2010, quỹ đất dành để phát triển công viên công cộng phải đạt tổng diện tích 8.644 ha nhưng thực tế thống kê đến năm 2004 mới đạt 2.469 ha (chiếm 28,5%).