4 góp ý về cấp thẻ xanh COVID-19

Cho đến nay, nhiều người vẫn tư duy rằng thẻ xanh COVID-19 là phương tiện thay cho giấy đi đường khi TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới.

Ngày 10-9, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có tờ trình gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch sau ngày 15-9. Tờ trình đề cập đến phương án nới lỏng giãn cách xã hội gắn liền với thẻ xanh COVID-19. Một mặt, nhiều người dân rất phấn khởi khi TP từng bước triển khai các phương án để người dân có thể bắt đầu cuộc sống bình thường mới nhưng mặt khác, có nhiều băn khoăn về các phương án dự kiến đối với thẻ xanh này.

Không nên dùng tiêu chí bệnh nền

Để triển khai thẻ xanh COVID-19, Sở Y tế đề xuất phân loại thành ba nhóm người dân, bao gồm: (i) F0 khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ hai mũi vaccine dưới 65 tuổi, không bệnh nền; (ii) F0 khỏi bệnh hoặc người đã tiêm đủ hai mũi vaccine trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch; và (iii) Người chỉ tiêm một mũi vaccine (với vaccine cần hai mũi).

Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho người dân tại Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các chuyên gia cho rằng việc đưa tiêu chí tiêm vaccine vào việc cấp thẻ xanh là hợp lý, bởi vì tiêm chủng sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong nên sẽ đảm bảo an toàn cho chính người tiêm và người xung quanh. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho những người đã tiêm chủng, dù tiêm một hay hai mũi, có thể tham gia các hoạt động công cộng, sử dụng các dịch vụ từ thiết yếu đến không thiết yếu. Điều này phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới áp dụng.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định những người có tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hay đang ở giai đoạn sáu tháng sau khi khỏi bệnh COVID-19 khi tham gia lao động, sản xuất là an toàn hơn cho chính họ (ít bị lây bệnh hơn và nếu mắc bệnh cũng ít khi diễn tiến nặng), an toàn cho người xung quanh (vì họ ít lây cho người khác hơn).

“Tuy nhiên, không nên đưa tiêu chí bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch vào việc phân loại nhóm nguy cơ để hạn chế hoạt động của người dân khi bình thường mới. Thứ nhất, rất khó để có thể thực hiện một quy định cứng đối với việc xác định bệnh nền hay suy giảm miễn dịch. Thứ hai, bệnh nền hay suy giảm miễn dịch là chuyện cá nhân của mỗi người, Nhà nước không nên quản họ khi họ đã tự nguyện tiêm chủng đầy đủ. Đừng vì họ có bệnh này bệnh kia, dù đã tiêm chủng mà ra quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ” – PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói.

Ông Dũng nói thêm thay vì đưa vào quy định, Nhà nước nên có các khuyến cáo với người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch cần hạn chế tiếp xúc nơi đông người, ngay cả khi đã tiêm vaccine, vì nguy cơ lây nhiễm vẫn cao hơn so với người khác.

Gấp rút xử lý hệ thống dữ liệu

Hiện nay, có nhiều người đã tiêm vaccine đủ hai mũi nhưng vẫn chưa được cập nhật đầy đủ, trong đó có các trường hợp rơi vào những đợt tiêm đầu tiên của TP. Bên cạnh đó, có những trường hợp F0 tự điều trị tại nhà đã khỏi bệnh nhưng chưa thể được cấp xác nhận làm cơ sở để có thể nhận thẻ xanh. Những vấn đề này thuộc về hệ thống quản lý dữ liệu mà TP cần sớm có phương án giải quyết để khi triển khai cấp thẻ xanh sẽ không gặp phải những lúng túng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Hiểu thế nào cho đúng?

Ngoài vấn đề tiêu chí cấp thẻ xanh, một số chuyên gia cho rằng cần phải minh định nội hàm và giá trị của thẻ này, không để người dân hiểu lầm. TS Vũ Thành Tự Anh (Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, ĐH Fulbright Việt Nam) cho rằng cần làm rõ thẻ xanh COVID-19 không được thiết kế như một công cụ kiểm soát đi lại của người dân. Nói cách khác, thẻ xanh không phải có mục đích thay thế giấy thông hành, giấy đi đường… Thẻ này là chứng nhận về mức độ được bảo vệ một cách tương đối khỏi virus (nhờ tiêm chủng hoặc với người nhiễm đã khỏi bệnh).

Với nguyên tắc của TP là quản lý rủi ro thì những người có mức độ rủi ro tương đối ở mức thấp hơn những người khác sẽ được tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội nhiều hơn. Đây là nguyên tắc đã được thống nhất và cần được triển khai nhất quán. Thẻ xanh chỉ là một phương tiện thể hiện nguyên tắc này.

Theo ông Tự Anh, khi triển khai ra thực tế, TP cần chia cụ thể các cấp độ thẻ. Ví dụ, khi đã được tiêm chủng đầy đủ và trải qua thời gian có thể phát sinh kháng thể (chẳng hạn hai tuần) thì được cấp thẻ xanh. Đã khỏi bệnh sau khi nhiễm COVID-19, sau thời gian tự cách ly ở nhà và trong vòng sáu tháng (tương đương như được tiêm vaccine) cũng có thẻ xanh.

Những người đã tiêm một mũi vaccine được một thời gian (như Sở Y tế TP đề nghị là hai tuần) và được xét nghiệm định kỳ, khi đó họ sẽ có trạng thái có thẻ xanh tạm thời trong chu kỳ xét nghiệm. Nhóm này vẫn được tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh như người có thẻ xanh nhưng chỉ trong chu kỳ xét nghiệm do Sở Y tế quyết định. Ví dụ, với các đối tượng rất rủi ro thì 1-2 ngày xét nghiệm một lần, rủi ro thấp hơn thì một tuần xét nghiệm một lần.

Việc tổ chức thẻ xanh COVID-19, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường mới thì đó cũng là sự khuyến khích để người dân tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm chủng của TP.

Tính phương án cho người chưa được tiêm vaccine

Cần phải nhấn mạnh lại rằng việc cấp thẻ xanh chỉ là một cách để phân loại cá nhân theo nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ lây nhiễm để nhằm phục hồi sản xuất, lưu thông hàng hóa và sinh hoạt xã hội nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Nó cũng giúp cho việc giám sát dịch tễ có hiệu quả cao hơn và thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch phù hợp với tầng nguy cơ đó. Tuy nhiên, có lo ngại rằng trong bối cảnh vaccine còn khan hiếm, nhiều người vẫn chưa được tiêm dù có nhu cầu thì việc cấp thẻ xanh sẽ có thể dẫn tới tình trạng thiếu công bằng.

Đến nay, theo cập nhật dữ liệu của PGS-TS Lê Trung Chơn (ĐH Bách khoa TP.HCM) từ nguồn dữ liệu cổng tiêm chủng quốc gia và Sở Y tế TP.HCM, TP đã tiêm mũi 1 cho khoảng gần 91% dân số từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 đạt khoảng 14%, tức còn khoảng 86% dân số từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm chủng đầy đủ. Nếu kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 của TP từ nay đến cuối năm 2021 được thực hiện một cách hiệu quả nhất trong điều kiện nguồn cung dồi dào, năng lực tiêm chủng đảm bảo thì hầu hết dân số của TP mới có thể tiêm chủng đầy đủ.

Bên cạnh đó, nhóm trẻ em dưới 18 tuổi hiện cũng chưa được tiêm chủng, trong khi nhóm này vẫn cần được tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng (học tập, giải trí, du lịch…). TP đã tính đến phương án mở rộng tiêm cho người 12-18 tuổi, nếu có nguồn vaccine phù hợp nhưng vẫn cần thêm thời gian thực hiện.

Chính vì vậy, chính quyền TP cũng cần có các phương án phù hợp để hỗ trợ cho những người chưa được tiêm vaccine, phải hạn chế đi lại và tham gia hoạt động bên ngoài. Ví dụ, những người khó khăn vì chưa có thẻ xanh nên chưa đi làm được vẫn cần được hỗ trợ các gói an sinh xã hội; trẻ em chưa được tiêm vaccine cũng cần được tạo điều kiện hỗ trợ việc học hành.

Tích hợp thẻ xanh COVID-19 vào app VN-EID của Bộ Công an

Chiều 10-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo, thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết trong thời gian tới, TP.HCM sẽ có phương án nới lỏng giãn cách, khi đó sẽ có các tiêu chí cụ thể, ví dụ như xác định tiêu chí thẻ xanh, thẻ vàng để lưu thông an toàn. Theo ông Hà, Công an TP.HCM và Bộ Công an đã triển khai ứng dụng VN-EID. Nếu cập nhật đầy đủ thông tin về tiêm chủng vaccine, trường hợp F0, các thông tin đầy đủ về giấy đi đường… thì app này sẽ giống như thẻ xanh (thẻ thông hành).

“Công an TP.HCM đã báo cáo Bộ Công an để liên hệ Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để cập nhật đầy đủ dữ liệu về tiêm vaccine, các trường hợp F0 nhằm thực hiện nội dung này” – ông Hà nói.

Liên quan đến người lao động ngoại tỉnh đã tiêm hai mũi vaccine muốn về TP.HCM làm việc hoặc người dân ngoại tỉnh vào TP.HCM khám chữa bệnh thì phải làm sao? Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết quan điểm của Công an TP.HCM là hỗ trợ người dân tối đa nhưng cần đảm bảo quy định, hướng dẫn của ngành y tế.

Về việc cấp giấy đi đường cho người dân sau khi TP.HCM nới lỏng một số biện pháp giãn cách từ ngày 7-9, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Công an TP đã cấp thêm giấy đi đường cho 21 quận, huyện, mỗi quận, huyện là 100 giấy đi đường. Riêng đối với TP Thủ Đức là 300 giấy. Như vậy, Công an TP.HCM đã cấp thêm 2.400 giấy đi đường.

Tá Lâm